1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tội phạm sát hại lao động Việt tại Malaysia: Nỗi ám ảnh mới!

(Dân trí) - Người lao động tại Malaysia không chỉ thiệt mạng vì đột tử, tai nạn mà còn bị sát hại bởi một số băng nhóm tội phạm, trong đó có cả người Việt Nam tham gia. Ngày 4/3, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Chết vì đột tử, tai nạn giao thông

Liên quan đến vụ lao động Việt Nam trong năm 2007 bị chết 100 người tại Malaysia và vụ gần 200 lao động Việt Nam bị ngược đãi tại Jordan tuần qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thanh Hoà, cho biết, bắt đầu từ năm 2004, Việt Nam chính thức đưa lao động sang thị trường Malaysia. Đến thời điểm này, đã có khoảng 115.000 lao động đang làm việc tại quốc gia này. Malaysia là thị trường lao động nước ngoài có nhiều lao động Việt Nam nhất.

Về thông tin trong năm 2007 có tới 107 lao động bị chết khi đang làm việc tại Malaysia, thứ trưởng Hoà cho rằng, đây không phải là vấn đề mới nhưng lại rất nhạy cảm. Năm 2005, báo chí cũng đã phản ánh hiện tượng này và Bộ LĐTB&XH đã cử một đoàn công tác đặc biệt, do các chuyên gia của Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế sang Malaysia để tìm hiểu nguyên nhân chết, môi trường ăn ở của lao động Việt Nam... Nguyên nhân lao động Việt Nam bị chết được xác định là do đột tử, tai nạn giao thông và bị sát hại.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2002 đến nay, đã có gần 400 lao động Việt Nam bị chết tại Malaysia; riêng năm 2007, có tới 107 người bị chết. Ông Quỳnh cho biết, người lao động Việt Nam khi sang Malaysia làm việc được tham gia một số bảo hiểm như: tai nạn lao động, y tế, rủi ro và thất nghiệp.

Nếu lao động bị chết trong thời gian hợp đồng lao động còn hiệu lực thì nạn nhân sẽ được giải quyết chế độ tuỳ theo hình thức bảo hiểm nhưng thường ở mức 23.000 ringit (khoảng 7.000 USD) và do phía chủ sử dụng Malaysia chi trả. Ngoài ra, nạn nhân còn được phía công ty môi giới Việt Nam hỗ trợ từ 20-30 triệu đồng.

Vì sao việc lao động chết khi đang làm việc ở nước ngoài mà Bộ LĐTB&XH không đưa vào các báo cáo tổng kết? Bộ có báo cáo với Chính phủ không và đã báo cáo bao nhiêu lần? Ông Hoà khẳng định, Bộ có báo cáo, còn báo cáo bao nhiêu lần thì không nhớ hết. Riêng số người chết khi đang lao động ở nước ngoài, 10 năm Bộ mới báo cáo một lần. Riêng với thị trường Malaysia, số người chết so với các thị trường khác thì nhiều, nhưng so với số người chết trong nước thì không phải là lớn. Tuy nhiên, với số người chết chiếm 0,04% trên tổng số lao động Việt Nam hiện nay tại Malaysia là thấp so với năm 2005 (chiếm 0,09%).

Ám ảnh mới

Một trong những vấn đề cũng được dư luận đặc biệt quan tâm là ở Malaysia hiện nay, có một số băng nhóm tội phạm (có cả người Việt Nam tham gia) sát hại lao động Việt Nam để cướp tiền, điện thoại di động và các tài sản khác.

Ông Hoà cho rằng, đây là một vấn đề nhức nhối. Việc các băng nhóm tội phạm trong đó có người Việt Nam tham gia sát hại lao động Việt Nam là có thật. Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã cảnh báo với các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Malaysia để phối hợp với chủ sử dụng lao động tăng cường công tác quản lý lao động, giám sát lao động trong lúc làm việc cũng như sinh hoạt.

Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết, hiện tượng các băng đảng sát hại lao động tại nước ngoài được xem là ám ảnh cho người lao động Việt Nam.

Nói về nguyên nhân khiến nhiều lao động Việt Nam tử vong tại Malaysia thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Hòa thừa nhận có những hạn chế trong khâu kiểm tra sức khỏe của lao động trước khi xuất cảnh. Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với Bộ Y tế để điều chỉnh. Nguyên nhân khách quan, theo ông Hoà có những căn bệnh “cửa sổ” mà người lao động mắc phải sau khi sang làm việc tại Malaysia nên rất khó phát hiện.

Để hạn chế số người lao động Việt Nam bị chết ở nước ngoài nói chung và Malaysia nói riêng, ông Hoà cho rằng, cần phải làm tốt khâu khám sức khoẻ cho người lao động trước khi xuất cảnh. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tăng cường công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho người lao động.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho biết thêm, ngay trong năm 2008, bộ này sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ chính là đẩy mạnh phát triển thị trường mới, nhất là thị trường thu nhập cao; tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng; phối hợp với các doanh nghiệp để làm tốt công tác quản lý người lao động khi đang làm việc ngoài nước…

Trần Hưng