Tội phạm khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong có xu hướng gia tăng
(Dân trí) - Các loại tội phạm tại khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong đang có xu hướng gia tăng. Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần tăng cường hợp tác để giữ vững môi trường ổn định.
Sáng nay (25/11), tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC 14). Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị chủ trì họp báo.
Tham gia trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí còn có Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục Trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Công an, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức hội nghị AMMTC 14; Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. Cùng dự là đại diện lãnh đạo một số cục nghiệp vụ Bộ Công an.
Việt Nam đề xuất ba sáng kiến quan trọng
Thông tin tới báo chí tại họp báo, Thứ trưởng Lê Tấn Tới nêu rõ, hội nghị AMMTC 14 được tổ chức nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong ASEAN, góp phần vào thành công chung năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 của Việt Nam; khẳng định vai trò, trách nhiệm quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Thứ trưởng Lê Tấn Tới nhấn mạnh, tiếp nối những sáng kiến tại các kỳ họp trước, tại hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an đề xuất ba sáng kiến quan trọng. Thứ nhất, đề xuất chủ đề hội nghị AMMTC 14 là “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Đây là sự kế thừa và bám sát chủ đề chung của năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, đồng thời là lần đầu tiên một nước thành viên ASEAN đề xuất chủ đề cho hội nghị AMMTC.
Thứ hai, Bộ Công an sẽ nêu sáng kiến thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC, hướng tới mục đích tăng cường hiệu quả trao đổi thông tin, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự của mỗi nước ASEAN và cả khu vực.
Thứ ba, Bộ Công an đề xuất đưa nội dung phòng chống tội phạm xuyên quốc gia thời kỳ Covid-19 vào Tuyên bố chung hội nghị AMMTC 14, nhằm nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia và khẳng định nỗ lực của các quốc gia trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa hợp tác phòng, chống tội phạm, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.
Theo Thứ trưởng, Bộ Công an hiện tích cực xây dựng và đề xuất năm dự án đề nghị các nước Đối tác, Đối thoại của ASEAN xem xét, tài trợ, trong đó tập trung vào hợp tác phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia như mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; tội phạm lừa đảo viễn thông và tội phạm buôn lậu động vật hoang dã.
Xác định ưu tiên hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia cho ASEAN
Trả lời câu hỏi của báo chí về những hướng tập trung ưu tiên của Việt Nam, với vai trò chủ nhà AMMTC 14, để thống nhất hành động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa các nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Lê Tấn Tới nêu rõ, dịch Covid-19 tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống, với ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và khu vực, đồng thời làm phát sinh nhiều loại tội phạm với những phương thức, thủ đoạn hành động mới.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Tới, tại hội nghị AMMTC 14, các Bộ trưởng ASEAN sẽ tập trung thảo luận, đề ra các chính sách, kế hoạch hành động, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thông qua hội nghị AMMTC14, đại diện 10 nước thành viên ASEAN sẽ thống nhất các biện pháp, cơ chế nhằm thúc đẩy hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đi vào chiều sâu và thực chất hơn, cụ thể: xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của ASEAN trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia từ sau Hội nghị AMMTC 13 tại Thái Lan (tháng 11/2019) đến nay; trao đổi về công tác phối hợp đấu tranh, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN; xem xét, cho ý kiến các sáng kiến của Việt Nam đề xuất trong cơ chế hợp tác ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đề nghị các nước thành viên ASEAN đẩy mạnh hợp tác theo ba kết nối chính: kết nối thể chế, kết nối con người, kết nối thông tin. Trong đó tập trung phòng, chống một số loại hình tội phạm tác động đến tất cả các nước như tội phạm về ma tuý, tội phạm mua bán người, tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố, tội phạm buôn bán cổ vật.
Trả lời câu hỏi về ý nghĩa của hội nghị AMMTC trong hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN hoà bình, thịnh vượng, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, cùng với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, hội nghị AMMTC là một trong những cơ chế hợp tác nòng cốt và bao trùm nhất về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia thuộc Trụ cột Chính trị-An ninh của ASEAN.
AMMTC tập trung vào phòng, chống 10 loại tội phạm xuyên quốc gia phổ biến trong khu vực, gồm: tội phạm về ma tuý; cướp biển; mua bán người; khủng bố; buôn lậu vũ khí; rửa tiền; tội phạm kinh tế; tội phạm công nghệ cao; buôn lậu động vật hoang dã và gỗ; và đưa người di cư trái phép.
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, hiện nay các hoạt động tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong bối ảnh đại dịch Covid-19. Gần đây, trong chuyến công tác tại Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã đưa ra cảnh báo rằng, các loại tội phạm tại khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mekong đang có xu hướng gia tăng. Các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam theo đó cần phát huy hơn nữa năng lực và khả năng hợp tác để giữ vững môi trường ổn định.
Với cơ chế của AMMTC, các bên sẽ cùng thảo luận về tăng cường chính sách hợp tác của các nước thành viên ASEAN ở cấp quốc gia về vấn đề hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực; đồng thời đề xuất những chiến lược hợp tác về lĩnh vực này lên Chính phủ để thống nhất chỉ đạo thực hiện nhằm tập trung vào các lĩnh vực cụ thể.
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) sẽ diễn ra từ ngày 25-26/11/2020 theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng nhất do Bộ Công an chủ trì trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.