1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Tội phạm hoành hành, chính quyền phải chịu trách nhiệm”

(Dân trí) - “Nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương, mà trước nhất là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước chính quyền”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bên hành lang Quốc hội ngày 28/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với báo chí về vấn đề phòng chống tội phạm. Theo ông Phúc, tình hình tội phạm có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tội phạm băng nhóm, có tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy và đặc biệt là tội phạm chống người thi hành công vụ diễn ra còn rất phức tạp.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, nhiều băng nhóm lộng hành khiến người dân cảm thấy bất an trong cuộc sống. Chính phủ và các cấp ngành có biện pháp gì để loại bỏ tình trạng này, thưa ông?

Công tác phòng chống tội phạm năm 2013, Chính phủ chỉ đạo triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Chỉ thị 48, Chỉ thị 21 của Ban Bí thư… và đặc biệt là triển khai Nghị quyết 37 với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, liên tục, nên vấn đề tội phạm ở nước ta đã được kiềm chế một bước quan trọng.

Băng nhóm tội phạm, đặc biệt tội phạm ma túy đã được bóc gỡ nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng, các loại tội phạm hình sự đã được giải quyết một cách căn bản. Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đạt được kết quả đáng mừng.

Tuy vậy, tình hình tội phạm nước ta khi gia nhập kinh tế thị trường có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tội phạm băng nhóm, tội phạm có tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy, tội phạm tuổi vị thành niên, tội phạm chống người thi hành công vụ đã diễn ra còn rất phức tạp.

Trên tinh thần xử lý nghiêm, kiên quyết chống bảo kê bao che tội phạm ở mọi cấp, mọi ngành, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về đấu tranh phòng chống tội phạm. Nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương, mà trước nhất là ngành công an phải chịu trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân và trước chính quyền.

Trên tinh thần đó chúng ta nhân rộng các mô hình tốt, mở nhiều cuộc tiến công phòng chống tội phạm ở nhiều góc độ khác nhau một cách quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để xây dựng một xã hội an toàn cho người dân và để mang lại cuộc sống bình yên trong nhân dân.

Như ông nói nơi nào có tội phạm hoành hành thì ở đó chính quyền và công an phải chịu trách nhiệm. Vậy đã có trường hợp nào lực lượng công an đã bị xử lý khi để xảy ra tội phạm hoành hành chưa?

Tại chợ Mới (tỉnh An Giang) nhiều trưởng công an đã bị xử lý khi để tội phạm hoành hành. Ngoài ra, ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), Xuân Thủy (Nam Định)… tất cả những trường hợp để tội phạm hoành hành thì trước hết người phụ trách địa bàn, lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm kiểm điểm và Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiêm túc vấn đề này.

Tội phạm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể như thế nào để ngăn ngừa thực trạng này?

Tội cướp giật ở Hà Nội không phải tăng lên nhiều, nhưng cũng có biểu hiện như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng phải cương quyết trừng trị tội phạm này và nếu có tội phạm thì phải tổ chức các lực lượng để truy bắt đến cùng, uy hiếp răn đe để kẻ cướp chùn tay, không dám hành động để đảm bảo bình yên du khách gần xa và cho nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)