1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Tôi nuôi hổ trước tiên vì mục đích nhân đạo”

Ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty Bia Pacific, chủ của 23 con hổ, khẳng định, việc nuôi hổ của ông trước tiên là vì nhân đạo, nhằm bảo vệ chúng trước tình hình nguy cấp. Nhưng về lâu dài, khi hổ sản sinh ra nhiều thì yếu tố kinh doanh cũng phải tính tới.

“Nói tôi sai pháp luật là không đúng”

 

Ông Tân cho biết, vì tình hình nguy cấp của những con hổ này nên ông mới xin phép Bí thư tỉnh ủy lúc đó được nuôi chúng, chưa xin giấy phép từ Cục kiểm lâm. “Nếu quy kết tôi chưa đúng pháp lý thì chịu, chứ nói tôi sai pháp luật thì không. Điều tra quy phạm pháp luật là một quá trình, phải có nguyên nhân, nhân chứng, vật chứng... nếu quy kết thì tôi sẽ đấu tranh tới cùng”, ông nói.

 

Về kiến nghị tịch thu số hổ của chính ông rồi sau đó giao lại cho ông nuôi, Giám đốc Pacific cho rằng sẽ xem xét lại. “Nếu xét về pháp luật, kiến nghị này còn lủng củng. Nhà nước cần phải thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ đừng châm chước”, ông nói.

 

Ông Tân cũng khẳng định, việc nuôi các con hổ này, trước tiên mục đích là hoàn toàn nhân đạo. Tuy nhiên, về lâu về dài, khi hổ sinh sản nhiều thì yếu tố kinh doanh cũng phải tính tới. “Phải tùy cơ, đến đâu hay đến đó chứ! Làm nhân đạo mà không kham nổi thì sao? Tôi là một doanh nghiệp, xem điều kiện phù hợp, với số lượng hổ ngày càng nhiều, tôi phải lấy nó nuôi nó”, ông giải thích. Trước đó, ngày 19/3, trao đổi với báo giới, Cục trưởng Kiểm lâm Hà Công Tuấn cho biết, những con hổ nuôi nếu được pháp luật thừa nhận thì đến đời F2 có thể được bán.

 

Xét đến khía cạnh bảo tồn, chủ của 23 con hổ nuôi thừa nhận, mục đích cứu hổ chỉ dừng ở ý nghĩa bảo vệ. “Bảo tồn và bảo vệ khác nhau hoàn toàn. Bảo vệ là giữ cho nó khỏi bị tổn thương, khỏi bị sát hại. Trong nghị định 32 của Việt Nam quy định khuyến khích mọi người bảo vệ động vật hoang dã. Còn bảo tồn là phải nuôi trong môi trường tự nhiên. Có bảo tồn các con hổ nuôi hay không, đó là công việc của nhà khoa học. Họ phải xét tới nguồn gen ADN thuộc loại nào, thuần chủng hay không...”, ông giải thích.

 

Hổ nuôi nhốt không có giá trị về bảo tồn

 

Ngày 21/3, đại diện 6 tổ chức bảo tồn quốc tế tại Việt Nam gồm Trung tâm giáo dục môi trường (ENV), Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức động vật, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC), WAR (Tổ chức động vật hoang dã nguy cấp) và Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (WWF) cùng ký tên vào lá thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 

Trong thư, 6 tổ chức này khẳng định hổ nuôi nhốt không có giá trị bảo tồn. Trao đổi với chúng tôi, ông Sulma Warne, điều phối viên chương trình mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC), giải thích: “Bảo tồn là phải duy trì sự phát triển của hổ trong môi trường thiên nhiên hoang dã, chứ không phải là trong điều kiện nuôi nhốt. Nếu cứ bắt hổ về nuôi thì sẽ chẳng còn con nào ở môi trường tự nhiên nữa”.

 

Trả lời câu hỏi nếu đưa hổ nuôi trở lại môi trường tự nhiên thì khả năng đáp ứng mục tiêu bảo tồn như thế nào, ông Sulma Warne cho biết, hổ nuôi nhốt không còn khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Vì khi nuôi nhốt, hổ mất đi khả năng săn mồi, không có khả năng tự vệ nên rất dễ bị săn bắt. Nếu không cẩn thận, hổ nuôi nhốt có thể mang bệnh tới những động vật khác trong môi trường tự nhiên.

 

Mặt khác, ông Sulma Warne cho biết, những con hổ nuôi nhốt thì sự đa dạng về gen rất kém, không đảm bảo cho chúng sống được lâu dài trong môi trường hoang dã. Theo các nghiên cứu, hổ càng đa dạng nguồn gen thì càng có khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên. “Cho đến thời điểm này, chưa có một trường hợp nào thực sự thành công khi thả hổ nuôi nhốt về môi trường tự nhiên mà chúng vẫn sinh sống được”, ông nói.

 

Về giải pháp cho những con hổ này, ông Sulma Warne kiến nghị, trước tiên Nhà nước nên khẳng định những hộ đang nuôi nhốt hổ là vi phạm pháp luật, cần bị xử lý theo pháp luật. Thứ hai, người nuôi phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí cho việc tịch thu, hay là tiếp tục nuôi dưỡng cho những con hổ này tới khi chết, không được bán.

 

Theo An Nhơn - Hồng Khánh

VnExpress