1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tôi… “nóng” đây!

(Dân trí) - Rất nhiều vụ việc, sự kiện với những thông tin ban đầu từ độc giả, phóng viên <i>Dân trí</i> đã nhập cuộc để có những tin, bài nóng bỏng trên trang… Thế nhưng cũng có không ít chuyện “nóng bỏng” ở đường dây nóng của báo chưa từng được đăng tải.

Hơn một năm được giao cầm đường dây nóng của báo điện tử Dân trí, tôi đã chuyển tải được không ít những sự vụ, những thông tin nóng bỏng từ những cuộc gọi của độc giả đến báo. Thế nhưng, cũng có những cuộc gọi, tôi thấy mình hoặc mắc nợ hoặc bị ám ảnh… hay đơn giản là không quên được.

Rất nhiều cuộc điện thoại của độc giả được mở đầu bằng câu “có tin nóng đây anh”. Nhưng còn vô số những cuộc gọi không mở đầu như vậy, cũng không phải là thông tin, nhưng nhìn ở góc độ nào đó thì vẫn rất “nóng” và có thể “nóng” ngay ở người gọi.

Nhìn lại năm qua, vụ thảm sát tại tiệm vàng ở Bắc Giang, vụ nổ xe máy ở Bắc Ninh... là những vụ việc đã được báo điện tử Dân trí thông tin đầu tiên từ nguồn của bạn đọc. Trong đó, từ thông tin hết sức “mỏng manh” của một độc giả về một vụ nổ xe tại Bắc Ninh khiến hai người bị thương nặng - một người có thể đã tử vong, phóng viên và cộng tác viên báo Dân trí đã nhanh chóng “lần” ra nơi xảy ra vụ nổ cũng như các nạn nhân trong vụ việc. Tin được đăng báo sau khi độc giả báo khoảng một tiếng để rồi một chuỗi thông tin tiếp theo xung quanh vụ việc đã được Dân trí và các báo đăng tải, thu hút rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của bạn đọc; cho đến khi cơ quan công an làm rõ vụ án mạng với nhiều uẩn khúc khó ngờ…
 
Còn rất nhiều vụ việc, sự kiện với những thông tin ban đầu từ độc giả, phóng viên Dân trí đã nhập cuộc để có những tin, bài nóng bỏng trên trang… Thế nhưng cũng có rất nhiều chuyện “nóng bỏng” ở đường dây nóng chưa từng đăng báo nhưng người phụ trách đường dây vẫn chưa quên được theo ngày tháng và muốn kể nhân ngày báo chí.

Cứu tôi với!

Một buổi trưa, tôi đang ngồi tại tòa soạn thì đầu bên kia đường dây nóng vang lên giọng hết sức hoảng hốt của một người đàn ông ở đường… quận Lê Chân, Hải Phòng. “Anh ơi!.. cứu tôi với! Một kẻ mang súng đang tìm cách khống chế mẹ tôi ở tầng 1…”, người thanh niên lắp bắp. Người thanh niên cho biết, anh đã nhanh chân thoát lên trên và đang ẩn ở tầng thượng để gọi điện.

Quả thực, người cầm đường dây nóng chưa bao giờ lâm vào tình cảnh “nóng” kiểu như vậy. Không có nhiều thời gian tính toán, đường dây nóng chuyển “nóng” ngay cho phóng viên theo dõi địa bàn Hải Phòng, thông báo tình nhanh trạng khẩn của người bị đe dọa cùng địa chỉ cụ thể và đề nghị nhanh “nghĩ cách” để can thiệp gấp. Phóng viên cho biết sẽ hành động ngay, còn tôi cũng chỉ biết “nín thở” ngồi chờ đợi.

“Xong rồi anh ơi!”, phải hơn 20 phút sau phóng viên mới gọi về thông báo. Không có tiếng súng, gia đình nạn nhân đã may mắn thoát khỏi tình huống tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Trước đó, phóng viên đã gọi cho lãnh đạo cơ quan công an tại Hải Phòng và lực lượng cảnh sát 113 được điều động tức tốc tới địa chỉ báo cung cấp… Kẻ mang súng sau khi “đánh hơi” thấy sự có mặt của lực lượng công an đã nhanh chân rời khỏi hiện trường.

Người thanh niên chia sẻ, khi định khẩn cầu sự giúp đỡ, anh luống cuống không biết gọi số nào. Rồi sau đó, chợt nhớ trong máy có lưu số đường dây nóng của báo anh lập tức gọi nhờ… “giải cứu”!… Không có thông tin nào được đăng báo, cũng không thể khẳng định đã giải quyết được triệt để mối nguy hiểm gia đình nạn nhân phải đối mặt, nhưng ít nhất sau vụ việc có lẽ chúng tôi đã có thêm chút kinh nghiệm về... “tác chiến”!!!
 
Phóng viên
Phóng viên Dân trí  (áo vàng) tác nghiệp tại hiện trường

Cũng liên quan tới mảng an ninh, một câu chuyện mất cướp không bó hẹp ở việc tìm ra thủ phạm đã từng được chuyển tới đường dây nóng. Buổi chiều nọ, tôi “bị” dồn dập phủ đầu bởi giọng của người phụ nữ trạc tuổi trung niên: “Tôi bức xúc quá! Không thể tưởng tượng được như thế…”. Người phụ nữ này cho biết, chị vừa bị cướp giữa ban ngày và ngay trên đường phố.

Sau khi đón con từ trường học về, chị đang ung dung đi trên phố thì chiếc dây chuyền 10 chỉ chị đang đeo trên người bỗng không cánh mà bay - rất nhanh! Hai mẹ con chị chao đảo cùng chiếc xe, nhưng rất may không ngã. Nghe chị trình bày đến đây, tôi vội vàng chia sẻ: “Sao chị sơ sểnh thế…”. “Úi! Sao anh cũng nói thế” - người phụ nữ thốt lên gần như ngay lập tức trong điện thoại và giọng như càng “tăng xông”.

Thì ra, câu nói tưởng như vô hại của tôi đã động đến “cục tức” của chị. Chẳng là, sau khi mất chiếc dây chuyền, người phụ nữ đã tức tốc tới trình báo tại công an phường. Người gặp chị đầu tiên tại đây có thể là một anh trực ban, sau khi nghe qua câu chuyện đã nói ngay: “Sao chị hớ hênh thế!”… Chưa biết đúng sai, nhưng lời nói này làm người phụ nữ “sôi” hơn.

Lời nói trên từ một người ở cơ quan công an theo chị là… không nghe được. Chị biện luận, không thể coi là “hớ hênh” khi mang vàng trên người đi trên phố, mà là phố tại… Hà Nội. Nếu không đeo vàng ra phố chẳng nhẽ đeo vàng ở nhà! Vàng là trang sức, để làm đẹp, đeo ở nhà chắc để cho… mình ngắm. Phải đảm bảo để chị em vốn đã mặc đẹp phải có “quyền” dùng trang sức trên phố. Báo chí phải “làm gì chứ”, cứ để xảy ra chuyện như vừa rồi theo chị là không chấp nhận được.

Phải mất một lúc “đường dây nóng” mới đấu dịu được người phụ nữ mất vàng trên phố. Tôi hứa sẽ lưu tâm tới vấn đề chị phản ảnh để có những tác động trong mức có thể. Sau một lúc trao đổi, tôi cũng chia sẻ trước đó hơn tháng, một vụ giật túi cũng đã xảy ra với… vợ người cầm đường dây nóng. Chiếc túi bị giật khi đang được treo hờ hững ở cạnh nơi để chân của chiếc xe Atila. Không chỉ tiền, chứng minh thư mà thẻ nhà báo cũng một đi không trở lại.

Và tôi vẫn đồng cảm với anh công an phường, dù tội phạm trên phố có hiếm đến đâu. Vụ việc là một sự thật đáng buồn mà một người phụ trách đường dây nóng như tôi không thể thay đổi. Tôi chưa thuyết phục được người phụ nữ vừa mất 10 chỉ vàng ngay, nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó chị sẽ không nổi nóng với từ... “hớ hênh”!

Sâm ngâm rượu vẫn… mọc mầm!

Hơn 12h đêm, khi tôi đang say giấc nồng, khi đường dây nóng tưởng như tạm nguội thì chuông điện thoại reo đột ngột làm tôi bật dậy và liền đó, một giọng thiếu nữ vang lên. Tôi định hoãn binh để sáng mai mới tiếp cận vụ việc, nhưng bên kia đường dây bật lên giọng nức nở: “Nếu không nói ra thì đêm nay em không ngủ được!”.

Những tưởng phải một chuyện tình lâm li vừa đến hồi kết mới nóng như vậy, nhưng không. Cô gái cho biết, đang đi lao động tại Malaysia và hiện ở cùng phòng với nhiều người Việt làm chung công ty. Không biết có phải do khác quê, khác giọng nói với những người còn lại trong phòng mà cô trở thành tâm điểm của… soi mói.

Cứ hễ cô làm việc gì, nói câu gì thì lập tức mọi ánh mắt đều đổ dồn về và lần lượt từng người “nhả đạn tấn công”. Càng bị soi, dè bỉu thì dường như mọi động thái của cô càng dễ sai hơn. Cô trở thành người vụng về và bị cô lập hoàn toàn trong tập thể gồm những người dễ hiểu nhau nhất tại nơi xứ lạ. Việc đổi sang ở phòng khác hay chuyển đến một nơi khác theo cô gái tuyệt nhiên không thể thực hiện. Dường như cô gái bế tắc tột độ trong việc tìm ra cách thoát khỏi tình cảnh hiện tại.

Quá khó cho “đường dây nóng”, nhưng ít nhất cô gái có nơi để trút bầu tâm sự, còn quả thật những hướng giải quyết đưa ra dù đã “động não” cũng chỉ là phương án… Quả thực, tôi cũng không dám chắc cô gái ngủ được sau cuộc điện thoại khi hai bên đã bàn nát hướng, trừ phương án… về nước!
 
Phóng viên
Phóng viên Dân trí bị cản trở trong một lần tác nghiệp tại một vụ cháy chung cư ở Hà Nội

Dường như tôi chưa làm trọn vẹn việc này thì lại phải đối diện “thử thách” khác. Một buổi chiều, tôi đang đi trên cao tốc Thăng Long thì nhận được điện thoại của một nam thanh niên thông báo hiện tượng… rất lạ. Chẳng là người thanh niên này được biếu chai rượu sâm đã cất vào một góc kín trong nhà, thấp thỏm đợi ngày sâm ngấm.

Bẵng đi nhiều tháng, chắc mẩm đã có thể “hưởng” rượu, người thanh niên mang chai rượu sâm ra, nhưng anh này quá bất ngờ khi thấy củ sâm đã… mọc mầm.

“Anh giải thích giúp em tại sao sâm ngâm rượu vẫn mọc mầm?”. Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng lại quá khó và bất ngờ với người chỉ quen phản ứng sự kiện như tôi. Loay hoay một chút tôi chợt hỏi lại: hay rượu ngâm sâm của anh là rượu… “đểu”?!

Có lẽ người thanh niên hơi ngớ người với câu trả lời này, nhưng chắc rằng anh không tin như vậy về rượu của người biếu mình. Sau một hồi trao đổi, tôi đành hứa sẽ hỏi giúp anh một ai đó am hiểu về lĩnh vực này.

Những ngày sau đó tôi sơ suất để số điện thoại của người thanh niên trôi đi mất nên cũng không thực hiện được lời hứa của mình. Nhưng qua ngày tháng, câu hỏi của độc giả đặc biệt đó vẫn đeo đẳng tôi và đôi lúc tôi tự hỏi, không biết người thanh niên có thử uống chai rượu sâm đó? Còn nữa, liệu có một cây sâm tốt tươi mọc ra từ chai rượu!...

Bản thân tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

C.A.N
Tháng 6/2012