1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

50 năm ngày Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh:

"Tôi nhường trái tim tôi để ông sống mãi muôn đời"

(Dân trí) - Đó là lời của Wendy, cô con gái 9 tuổi của ông Iván Emilio Turmero Crespo - Bí thư thứ hai, Sứ quán Cộng Hòa Bolivaria Venezuela tại Việt Nam - ghi lại trong cuốn sổ vàng nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Wendy đã cùng cha và đoàn Sứ quán Cộng Hòa Bolivaria Venezuela tại Hà Nội, Việt Nam có chuyến thăm nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong sáng ngày 11/10. Chuyến thăm hướng tới kỷ niệm 50 ngày Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (15/10/1964 - 15/10/2014).

Tôi nhường trái tim tôi để ông sống mãi muôn đời
Đoàn Sứ quán Cộng Hòa Bolivaria Venezuela tại Việt Nam thăm nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ngày 11/10


Clip: Đoàn Sứ quán Cộng hòa Bolivaria tại Hà Nội, Việt Nam thăm nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Tại nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trên quê hương anh - Điện Bàn, Quảng Nam - những tưởng niệm về người anh hùng của dân tộc đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của nước nhà qua mỗi hiện vật, hình ảnh… khiến lòng người xúc động, tự hào. Đó là chiếc tủ cá nhân của ông còn lại ở quê nhà. Đó là tấm thiệp cưới của ông với bà Phan Thị Quyên - Chỉ 19 ngày sau lễ cưới thì ông bị bắt. Đó là khí chất kiên cường của người anh hùng cách mạng được các phóng viên ghi lại trước giờ ông bị giặc xử bắn… Phía sau tượng chân dung Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong nhà lưu niệm tạc dòng chữ: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”.

Tôi nhường trái tim tôi để ông sống mãi muôn đời
Ông Iván Emilio Turmero Crespo - Bí thư thứ hai, Sứ quán Cộng Hòa Bolivaria Venezuela  tại Hà Nội, Việt Nam tắp hương tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Tôi nhường trái tim tôi để ông sống mãi muôn đời
Ông Iván Emilio Turmero Crespo cùng con gái Wendy nghe thuyết trình về những hình ảnh, hiện vật, di vật của anh Trỗi

Ông Iván Emilio Turmero Crespo - Bí thư thứ hai, Sứ quán Cộng Hòa Bolivaria Venezuela tại Việt Nam nói: “Ngày 15/10 tới là 50 năm ngày anh Trỗi hy sinh, ở đất nước chúng tôi, từ hôm 7/10 vừa rồi đã có một triển lãm trưng bày về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam. Tình yêu - đó là một khái niệm rất chung của nhân loại. Anh Trỗi yêu đất nước Việt Nam bao nhiêu thì chúng tôi cũng muốn truyền lửa cho thanh niên Bolivaria Venezuela một tình yêu nước như thế.

Việt Nam có anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, và có hàng ngàn, hàng vạn thanh niên như anh Trỗi đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Khi tôi dẫn con gái tôi viếng thăm nhà lưu niệm anh Trỗi, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang huyện Điện Bàn hôm nay, tôi muốn con tôi sẽ học tập tấm gương của những thanh niên Việt Nam giàu lòng yên nước. Con tôi, mai này lớn lên, tôi mong cháu có tình yêu nhân loại, tình yêu nhân dân được tô thắm bằng chính máu của những người đã ngã xuống nơi đây, những người sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Tôi muốn con tôi có tình yêu tha thiết với cuộc sống tươi đẹp này - cuộc sống mà đã có bao người đã hy sinh để có được như hôm nay. Tôi đã đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều người tôi gặp bày tỏ tình yêu với Việt Nam. Và họ nói với tôi rằng nếu có điều kiện thì hãy học tiếng Việt để bày tỏ lòng mình. Con trai tôi đã tốt nghiệp đại học, và Wendy đây, 9 tuổi, đều thông thạo tiếng Việt. Đây chính là biểu hiện cụ thể tình yêu của chúng tôi dành cho Việt Nam”.

Tôi nhường trái tim tôi để ông sống mãi muôn đời

Wendy viết vào sổ vàng ở nhà lưu niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: "Tôi nhường trái tim tôi để cho ông sống mãi muôn đời"


Clip: Wendy, con gái ông Iván Emilio Crespo - Bí thư thứ hai Sứ quán Cộng hòa Bolivaria Venezuela hát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" trước anh linh anh Trỗi

Lần thứ hai trở lại quê hương anh Trỗi, cô bé Wendy - con ông Iván Emilio Turmero Crespo, cô bé 9 tuổi đã có 7 năm sinh sống cùng cha ở Việt Nam đã hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong niềm xúc động của những người có mặt. Wendy được cha nhường viết trước cảm nhận của mình trong cuốn sổ vàng ở nhà lưu niệm. Wendy viết một dòng tiếng Việt: “Tôi nhường trái tim tôi để ông sống mãi muôn đời”

Nguyễn Văn Trỗi  sinh ngày 01/2/1940 tại làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Sau Hiệp định Genève, gia đình ông vào Sài Gòn sinh sống. Lớn lên, ông làm thợ điện ở nhà máy điện Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành, Đại đội quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, ông được tập huấn cách  đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm, Đức Hòa (Long An).

Ngày 2/ 5/ 1964, ông nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Công việc bại lộ, ông bị bắt lúc 22 giờ ngày 9/ 5/ 1964. 

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa ông ra tòa án quân sự kết án tử hình. Để cứu ông, một tổ chức du kích Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là trung tá không quân Mỹ là Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan Mỹ vừa được trả tự do thì ông bị đưa đi xử bắn.

Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Những phút cuối cùng, ông tỏ ra rất can đảm, không đồng ý bịt mắt và xưng tội và hô lên những lời cuối cùng được các phóng viên ghi lại : “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo Đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm”

 Khánh Hiền