Tối nay bỏ phiếu bầu chọn Việt Nam vào cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc
(Dân trí) - 21h tối nay (7/6), theo giờ Hà Nội, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York - Mỹ, sẽ diễn ra hoạt đồng bỏ phiếu bầu Việt Nam và 4 nước khác vào vị trí Ủy viên không thường thực Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Bảo an là 1 trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ cùng 10 thành viên không thường trực. Các thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu, 10 ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an được phân theo khu vực địa lí.
Tối 7/6 (giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bầu 5 nước Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên Hợp Quốc ngày 20/9/1977. Việt Nam từng là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009.
Nếu trúng cử trong kỳ bỏ phiếu tối nay, lịch sử sẽ ghi lại vai trò quan trọng lần thứ 2 của Việt Nam khi được tham gia vào cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc, có trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
“Thành công của các hoạt động chính trị đối ngoại Việt Nam có sự đóng góp rất to lớn của các tầng lớp nhân dân. Do đó, việc chuẩn bị cho công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân cũng rất quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về các sự kiện và vai trò của Việt Nam trong các công việc chung của khu vực và thế giới.” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Điều này được quy định trong đoạn 1 Điều 24, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Theo Điều 4 và Điều 25 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an. Các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo chương VII của Hiến chương, khi đã thông qua đều có tính ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. Trong khi đó, các quyết định của các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ mang tính khuyến nghị vói chính phủ của các quốc gia thành viên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2017 (ảnh: TTXVN)
Trong Hội đồng Bảo an, 15 nước thành viên (thường trực và không thường trực) đều nắm 1 lá phiếu. Tuy nhiên, chỉ 5 thành viên thường trực là có quyền phủ quyết. Các quyết định về những vấn đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ của các thành viên, theo thủ tục hoạt động tạm thời của Hội đồng Bảo an.
Đối với các quyết định về các vấn đề mang tính thực chất, cuộc bỏ phiếu tại Hội đông Bảo an cần đạt tối thiểu 9 phiếu, trong đó không có bất kỳ phiếu phủ quyết nào của Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.
Với trọng trách chính là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai của Hội đồng bảo an trong các chương VI, VII và VIII. Điển hình như theo Điều 33, Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; theo Điều 34.
Hội đồng Bảo an đảm nhận việc điều tra các tranh chấp, tình huống để xác định có đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế hay không hay quy định Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra các khuyến nghị cách thức giải quyết nếu các bên đồng ý hay theo Điều 38 Hiến chương Liên Hợp Quốc…
Châu Như Quỳnh