DMagazine

"Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về!"

(Dân trí) - Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, chàng trai Trịnh Hồng Thắng để lại chiến trường đôi chân của mình. Với ông, được trở về là may mắn, bởi nhiều đồng đội ngày ấy đã mãi mãi nằm xuống…

Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 1
Cựu chiến binh Trịnh Hồng Thắng.

Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường!

Cựu chiến binh Trịnh Hồng Thắng (SN 1959, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) khập khễnh với chiếc chân giả ra cổng đón chúng tôi. Mái tóc của người cựu binh mới bước qua tuổi 60 đã bạc gần hết. Ông không muốn kể về những ngày tháng quân ngũ của mình nhưng rồi, những trận chiến ở biên giới cách đây hàng chục năm trời cứ ùa về trong từng câu chuyện kể có phần lộn xộn vì xúc động.

Cựu chiến binh Trịnh Hồng Thắng

Thời điểm đó, chàng thanh niên Trịnh Hồng Thắng đang là kế toán ở Cảng Bến Thủy. Ngày 17/2/1979, thông tin chiến sự ở biên giới phía Bắc dội về, đau đớn, căm hận ngùn ngụt trong từng đôi mắt của người dân Việt Nam – những người vừa gượng dậy sau cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và vừa mới bắt tay vào gây dựng cuộc sống mới. Ngày 5/3/1979, lệnh Tổng động viên toàn quốc được ban bố. Cả nước sôi sục bước vào một cuộc chiến đấu mới. Chàng trai trẻ chưa biết yêu là gì rời bến cảng, đứng vào hàng quân ngược lên biên giới.

Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 2
Chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc (ảnh tư liệu).

“Lúc đó không nghĩ ngợi gì đâu. Chỉ biết rằng Tổ quốc lâm nguy, mình phải lên đường! Những người lính ra đi ngày ấy với chiếc ba lô vỏn vẹn vài bộ quần áo, một tâm thế nhẹ tênh và lòng căm thù sôi sục trong huyết quản”, ông Thắng tâm sự.

Sau thời gian huấn luyện gấp gáp, Trung đoàn 141, Sư đoàn 12 gấp rút hành quân lên phía Bắc. Những thành phố, những làng mạc trù phú lùi dần sau lưng, họ chỉ mong nhanh chóng lên tuyến đầu đánh đuổi quân thù, giữ yên bờ cõi. Những làng mạc xác xơ, những công trình đổ nát hiện ra. Người dân đã đi sơ tán, chỉ có bộ đội, dân quân và tiếng súng, tiếng pháo chờ đón họ.

Trận đánh đầu tiên là cuộc truy địch ở khu vực Cốc Lếu (Lào Cai). “Ta đồn địch về bên kia biên giới nhưng với chiến thuật biển người, Trung Quốc huy động một lực lượng lớn người và phương tiện, vũ khí dồn dập tấn công. Ta đẩy lùi được một đợt tấn công của bộ binh địch thì phía sau phi pháo cấp tập nã vào trận địa. Trận này mình thương vong nhiều lắm, toàn lính trẻ cả…”, ông ngậm ngùi.

Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 3
Trong trận giao tranh ác liệt với quân thù, ông Thắng đã để lại biên giới một phần thân thể của mình.
Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 4
Chân phải đứt lìa, phải cắt bỏ, chân trái bị mảnh pháo "tiện" mất gót.

Những đợt tấn công, những cuộc truy kích, đẩy đuổi quân địch về bên kia biên giới vô cùng ác liệt. Hai bên giành nhau từng tấc đất, từng lùm cây. Có khi, chỉ một con cầu, bên kia là địch, bên này là mình, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tích tắc. Rất nhiều đồng đội của ông, sát cánh với nhau trong từng trận đánh, chỉ một trận pháo dội xuống đã mãi mãi nằm lại nơi biên ải.

Một phần thân thể để lại biên cương

Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, Trịnh Hồng Thắng cùng nhiều đồng chí khác được bổ sung vào Trung đoàn 165, tăng cường cho khu vực biên giới tỉnh Hà Tuyên (cũ). Các đơn vị bộ binh phải nương theo từng quả đồi, từng hốc đá để đánh trả các cuộc tấn công của địch.

Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 5
Người lính bước ra khỏi chiến tranh với thân thể không lành lặn luôn đau đáu về những đồng đội đã ngã xuống.

“Mỗi hốc đá như một công sự, có thể chứa từ 2-5 người. Tổ của chúng tôi gồm 5 người trú ở hốc đá gần hang Dơi (huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Bộ binh địch bắn rát, hòng đẩy lực lượng ta lùi về phía sau để chiếm đất, liền sau đó là phi pháo cấp tập bắn vào yểm trợ. Chúng tôi nương theo từng hang đá, tổ chức phản công. Hết đạn, đồng chí Nguyễn Văn Phương (người Hà Nội) và Nguyễn Văn Thắng (người Thanh Hóa) đi lấy. Vừa ra khỏi hốc đá được mấy mét thì trúng đạn pháo của địch, hi sinh, còn tôi bị thương ở chân bên phải”, cựu chiến binh Trịnh Hồng Thắng nhớ lại.

"Mình dẫu sao vẫn còn may mắn, trở về rồi lấy vợ, sinh con. Nhiều đồng đội giờ chỉ còn nắm xương, có đứa còn nằm ở đâu đó trên kia chưa về".

Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 6

Nhìn cẳng chân trái nát bét, chỉ còn vài chỗ da dính lủng lẳng, Thắng xé áo tự băng bó, cầm máu. Khi qua cơn choáng, định đứng lên để lùi vào hang thì phát hiện gót chân trái cũng bị mảnh pháo tiện đứt lìa. Người lính trẻ ngất lịm.

Cũng không biết phải bao nhiêu tháng sau, Trịnh Hồng Thắng mới tỉnh lại. Lúc này, cẳng chân trái đã bị cắt một nửa. “Anh em cùng phòng bệnh bảo tôi đã chuyển được 5 bệnh viện trước khi về bệnh viện 103 này. Vết thương gây mất máu trầm trọng, may còn cứu được”, ông kể.

Việc đầu tiên ông làm sau khi tỉnh dậy là xin một tờ giấy, mượn đồng đội cây bút để biên thư về thông báo cho gia đình. Vì quá yếu, chỉ viết được mấy chữ là choáng váng, tựa hồ ngất xỉu nên đành đọc, nhờ bạn viết hộ. Thư chỉ mấy dòng, thông báo bị thương, hiện đã được đưa về Hà Nội chữa trị, lúc nào khỏe sẽ về thăm gia đình.

Sau khi hồi phục sức khỏe, qua đợt an dưỡng, ông mới được trở về gia đình với một chân bị cắt cụt, còn chân kia mất hẳn gót, đi lại rất khó khăn. Ông chỉ vào bả vai, nơi có một vết sẹo to tướng: “Năm kia đi viện lấy thịt ở vai để đắp, làm đầy cái gót chân này mới đi lại dễ hơn. Cái anh chân giả kia thì vẫn ổn, giờ thỉnh thoảng trái gió trở trời mới phải dùng đến nạng thôi. Chiều vẫn đạp vài vòng xe rèn luyện sức khỏe đấy”, ông trào lộng.

Tôi mất đôi chân, còn nhiều đồng đội không trở về! - 7

"Mình dẫu sao vẫn còn may mắn, trở về rồi lấy vợ, sinh con. Nhiều đồng đội giờ chỉ còn nắm xương, có đứa còn nằm ở đâu đó trên kia chưa về”.

Nhưng đôi mắt người cựu binh chùng xuống khi nhắc tới đồng đội, đồng chí cũ. Sau nhiều năm cơm áo gạo tiền đè nặng, mới đây họ mới có dịp tìm gặp nhau, cùng nhau đi thăm chiến trường xưa, thắp cho những người đã ngã xuống nén hương. Đôi mắt ông như mờ đi khi nhắc tới “thằng Phương”, “thằng Thắng”. “Hồi hi sinh chúng còn trẻ lắm. Năm kia tôi ra Hà Nội, ghé thăm nhà thằng Phương, cô em gái nó cứ ôm mãi mà khóc. Mình dẫu sao vẫn còn may mắn trở về rồi lấy vợ, sinh con. Nhiều đồng đội giờ chỉ còn nắm xương, có đứa còn nằm ở đâu đó trên kia chưa về”.

Ông nhúc nhắc ra bậu thềm ngồi, nhìn những tia nắng cuối ngày vương trên giàn nho đang đâm chồi, lẩm bẩm: “Gió mùa về, trên ấy mùa này rét lắm…”!

Hoàng Lam