1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

“Tôi luôn sẵn lòng với đất nước”

Trở thành nhà ngoại giao từ một giảng viên ĐH, tới lúc rời nhiệm sở lại gánh vác vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH tư thục Trí Việt - sự nghiệp giáo dục thêm lần nữa trở lại với bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

“Nhân hoà, địa lợi”

 

Dù là sự trở lại của cơ duyên và là một quyết định không thể đường đột mà có được nhưng lựa chọn mới của bà Ninh vẫn là một quyết định gây bất ngờ khi không có nhiều tiền lệ. Bà Ninh cho biết:

 

“Ý định đã có từ lâu, thậm chí còn từ trước khi tôi đi làm đại sứ tại Brussels (2000 - 2003). Vốn là một giảng viên ĐH, nên giáo dục luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt ở tôi. Nhưng để biến ý định thành hiện thực thì phải đợi đến năm 2006, cùng với các thành viên trong hội đồng sáng lập, tôi mới tổ chức được một hội nghị hẹp bao gồm một số doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội, nhà giáo... và một cuộc hội thảo có quy mô lớn hơn sau đó với sự tham dự của cả các chuyên gia nước ngoài và người Việt ta ở nước ngoài.

 

Đó chính là những bước chuẩn bị quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện bộ hồ sơ thành lập trường ĐH tư thục Trí Việt (hiện đã trình lên Bộ Giáo dục - Đào tạo). Tháng 8 vừa qua, sau khi thôi giữ cương vị được giao ở Quốc hội, tôi đã chuyển vào TPHCM để làm việc tại văn phòng dự án”.

 

Tại sao dự án lại chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm xây dựng trường, thay vì Hà Nội hoặc TPHCM?

 

Tìm kiếm một khu đất rộng chừng hơn 20ha tại Hà Nội hay TPHCM là điều không dễ và nếu có, cũng phải chấp nhận một cái giá đền bù không rẻ. Càng không dễ thu hút sự quan tâm của chính quyền sở tại ở một địa bàn có quá nhiều trường ĐH, CĐ... Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu lại là địa phương đủ sức rộng cửa đón dự án bằng việc cấp cho trường một mảnh đất rộng tới 55ha - quá lý tưởng để xây dựng một trường ĐH giữa khuôn viên xanh như mong muốn.

 

Bản thân tôi lại đã từng có một nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội tại Bà Rịa - Vũng Tàu nên cũng đã nhận được từ lãnh đạo tỉnh lòng tin và sự ủng hộ hết sức. Đó là thuận lợi ban đầu quan trọng để giúp cho dự án tránh được những trục trặc thường gặp.

 

Đấy là mới chỉ xét riêng về cơ sở hạ tầng. Nhưng nếu là Hà Nội hoặc TPHCM thì chắc chắn sẽ dễ thu hút đầu tư, nhân lực hơn nhiều?

 

Tôi không cho đó là điều phải lo lắng. Trên thế giới đã có không ít trường ĐH lớn mà không hề nằm giữa những khu dân cư đông đúc. Long Điền - địa điểm đặt trường ĐH tư thục Trí Việt - lại chỉ cách TPHCM chừng 80 cây số, có mặt tiền (dài tới 500m) trông ra tỉnh lộ 44, trên đường từ Bà Rịa đi khu du lịch Long Hải.

 

Chưa kể, tới đây còn có một đường cao tốc nối TPHCM với Vũng Tàu sẽ giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách. Trong tương lai gần, sân bay quốc tế Long Thành cũng được xây dựng gần đó. Như vậy, tính trung hạn, đây hoàn toàn không hề là một địa điểm heo hút, xa trung tâm để có thể gây quan ngại.

 

Để đưa Trí Việt vào tầm ngắm

 

Lạc quan, tin tưởng nhưng một mặt, bà Ninh cũng cho rằng cuộc thử sức mới này của bà là một thách thức “vào loại ghê gớm”. So sánh với những khó khăn mà bà đã gặp trong nghề làm ngoại giao, bà nói:

 

“Mỗi công việc có những khó khăn đặc thù riêng của nó, hẳn rồi! Nhưng khi làm ngoại giao, tôi chỉ cần tập trung tâm trí vào việc giải quyết các tình huống sao cho khéo léo và thoả đáng mà không phải lo về phương tiện và điều kiện làm việc. Còn đây rõ ràng là chúng tôi phải lo từ A đến Z mọi sự!”

 

Một đằng được Nhà nước lo, một đằng phải tự lo - so sánh tương tự đó cũng được TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến coi là một thách thức với trường ĐH tư thục trong so sánh với ĐH công lập.

 

Ông lưu ý: “Do ưu thế trên nhiều phương diện của các trường ĐH công lập nên các cơ sở giáo dục liên kết sẽ phát triển mạnh mẽ dưới hình thức liên kết đào tạo giữa các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài với các trường ĐH công lập VN. Điều đó dẫn đến tình thế các trường ĐH tư thục VN chịu áp lực cạnh tranh rất khắc nghiệt từ hai phía. Một phía là các cơ sở giáo dục nước ngoài với tiềm lực kinh tế lớn, trang bị hiện đại, kinh nghiệm dày dạn và quản lý năng động.

 

Phía khác là các trường ĐH công lập VN với sự trợ giúp về tài chính của Nhà nước, sự liên kết mạnh mẽ với các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài và sức thu hút vốn có trong tâm lý chọn trường của người học”.

 

Tại Hội nghị Brainstorm (Mỹ) tháng 7/2004, bà từng có một câu nói có ấn tượng: “Quý vị hãy đưa VN vào “tầm ngắm” (Put Viet Nam on your radar screens)”. Vậy bà nghĩ, cách nào có thể giúp Trí Việt được “đưa vào tầm ngắm” trước những thách thức nói trên?

 

Rút kinh nghiệm xây dựng và điều hành của các trường ĐH Âu Mỹ lẫn một số nước châu Á phát triển, Trí Việt nêu tôn chỉ hoạt động phi lợi nhuận, chi phí vận hành chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ và dịch vụ khác, trong sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; chỉ một phần nhỏ là dựa vào học phí. Sau một quá trình vận động tài chính, hiện Trí Việt bước đầu đã có được hậu thuẫn từ một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn tại TPHCM cũng như từ một số kiều bào.

 

Có một ý tưởng giúp tạo nguồn thu khác, tôi cho là khá khả thi và thiết thực: sẽ có một khách sạn được xây trong khuôn viên của nhà trường và nó sẽ được vận hành như một đơn vị kinh tế độc lập. Để được lựa chọn, hàng năm, nhà đầu tư phải trả một khoản lệ phí thuê đất cho nhà trường, đồng thời tạo điều kiện cho các giáo viên thỉnh giảng (người nước ngoài, Việt kiều...) được thuê phòng với giá ưu đãi.

 

Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể khu đất 55ha cũng phải tính đến những giá trị tinh thần khác như: thái độ tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng môi trường... để có thể tạo ra được một cảnh quan giàu sức hút, thể hiện được đẳng cấp và dấu ấn riêng của nhà trường.

 

Thu hút kiều bào

 

Thu hút chất xám của kiều bào là vấn đề đã được bà tỏ ra hết sức tâm đắc trong khi làm ngoại giao. Vậy trong dự án Trí Việt, chắc đó cũng là sự quan tâm của bà để nâng cao chất lượng giảng dạy?

 

Đương nhiên rồi! Thỏa thuận hợp tác được ký sáng 7/11 vừa qua tại trụ sở Ủy ban Về người VN ở nước ngoài giữa Hội đồng Sáng lập trường và CLB Khoa học và Kỹ thuật người VN ở nước ngoài (OVSCLUB) là một minh chứng.

 

Ngoài ra, trước đó, tháng 7/2007, trong một chuyến ghé Pháp, tôi cũng đã tranh thủ ký được một thoả thuận với một tổ chức của kiều bào ta tại Pháp là Hội Quốc tế ủng hộ phát triển đào tạo ở VN. Theo đó, hai bản thỏa thuận đã ký sẽ là nguồn cung cấp thông tin, hỗ trợ uy tín rất thuyết phục để giúp Trí Việt gọi được người tài về góp sức.

 

Trong số những người VN ở nước ngoài về nước vì dự án hình như có cả chính con trai bà (vừa tốt nghiệp chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Bỉ)?

 

Đúng vậy, và để làm một nhân viên bình thường tại văn phòng dự án. Mặc dù được đào tạo về chuyên môn quan hệ quốc tế nhưng tính cách của anh chàng theo tôi lại không được thích hợp với ngành ngoại giao cho lắm: sôi nổi và đôi khi nóng tính. Làm ngoại giao mà nóng tính thì chịu rồi!

 

Uy tín và sự quảng giao mà bà gây dựng được sau hơn ba mươi năm theo nghề ngoại giao rõ ràng đã giúp cho bà gặp được rất nhiều thuận lợi để đảm nhận tốt vai trò mới. Bà có phiền không nếu có người cho rằng: ít hay nhiều, bà đã dùng chính trị để mưu cầu lợi ích riêng của mình?

 

Đó là những lợi thế không thể phủ nhận. Nhưng liệu có gì là không chính đáng và khuất tất ở đây, khi việc tranh thủ những mối quan hệ, những lợi thế cá nhân là để góp thêm vào bầu tâm huyết chung, nhằm đưa đến một sản phẩm có ích cho xã hội là một trường ĐH phi lợi nhuận và đạt chuẩn quốc tế trên đất Việt?

 

“Một người phát ngôn hiệu quả cho VN”, “một nhà thuyết khách sắc bén với một thứ tiếng Anh quý phái và một thứ tiếng Pháp bặt thiệp” - đó là những lời khen tặng mà giới truyền thông trong và ngoài nước đã trân trọng dành cho bà. Dù những gì bà đang làm trên cương vị mới thật sự có ý nghĩa nhưng vẫn thật tiếc khi đất nước thiếu đi hình ảnh một nhà nữ ngoại giao duyên dáng  và thông minh như bà?

 

Rời Quốc hội, nhưng hiện tại tôi vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò đồng chủ tịch Nhóm VN - đối thoại kênh 2 với Hoa Kỳ về vấn đề chất độc da cam. Vậy là, thực ra, tôi cũng chỉ chuyển từ kênh ngoại giao chính thống sang kênh ngoại giao nhân dân thôi và như thế, lại càng dễ gần gũi hơn với tiếng nói của nhân dân. Chừng nào đất nước còn cần đến tôi và tôi còn đáp ứng được, tôi nghĩ tôi sẽ luôn sẵn lòng.

 

Xin cảm ơn bà.

 

Trường Đại học tư thục Trí Việt dự kiến sẽ được xây dựng trên địa bàn huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên diện tích đất rộng 55ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng tại VN một trường đại học hoạt động phi lợi nhuận và đạt chuẩn quốc tế.

 

Theo kế hoạch, khoảng năm 2010 trường sẽ bắt đầu tuyển sinh cho một số khoa và dự kiến đến năm 2020 sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ cho Nam Bộ mà còn cố gắng vươn rộng ra phạm vi toàn quốc.

 

Theo Thuỷ Lê

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm