“Tôi là người có HIV”
(Dân trí) - Số phận đã buộc chặt người đàn bà nhan sắc đang ngồi trước mặt tôi với căn bệnh thế kỷ không thuốc chữa. Và trong suốt cuộc hành trình công khai “Tôi là người có HIV”, chị đã nhận về rất nhiều sự cảm thông, chia sẻ và khâm phục từ biết bao người xa lạ.
“Đời chị như một dốc đứng”
“Đời chị ấy à? Như một cái dốc đứng luôn” - chị nói, nụ cười như “phiêu” với sự lạc quan sẵn có. Chị đã sống qua những ngày tận khổ, đã trải qua những nỗi đau vô cùng khi lần lượt mất những người thân yêu.
Là con gái Hà Nội,18 tuổi, xinh đẹp, Đào Phương Thanh theo chồng về làm dâu đất cảng. Hạnh phúc chưa kết thành quả ngọt ngào thì chồng chị - một thuỷ thủ tàu viễn dương bị tai nạn đắm tàu biệt xác ngoài khơi. Lúc ấy, chị đang mang thai đứa con gái đầu lòng. Nỗi đau của một goá phụ tuổi 19 đã khiến Thanh sống thu mình với vai trò của một người nội trợ trong gia đình chồng. Hạnh phúc còn lại của chị là đứa con gái sinh năm 1988.
Trong cuộc chuyện trò, chị hay tếu táo và “bám riết” lấy nụ cười trên môi như để xua đi những rãnh thời gian trên khuôn mặt của người đàn bà tuổi 40 nhiễm HIV/AIDS. Chị kể: “Chín năm theo bố mẹ chồng di cư vào Nam sinh sống, cuối cùng cũng trở ra Bắc. Đã có thời gian chị về lại Hải Phòng làm nữ tài xế”.
Năm 2000, đòn đau số phận lại giáng xuống chị, liên tiếp và dồn dập: Nhận tin em trai nhiễm HIV; mẹ bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường; cha âm thầm sống với căn bệnh ung thư gan ác tính; đứa em gái dở người dở nết sau khi sinh hai đứa con đã bỏ đi biệt tăm. Chị bỏ việc, ôm con về Hà Nội, sấp ngửa lo toan cho người thân. Mỗi ngày chị tất tả ngược xuôi với việc chăm con và cháu, bón cháo cho mẹ, chăm cơm cho cha, truyền dịch cho đứa em trai gian đoạn cuối.
Một lần, rút kim tiêm truyền dịch cho em, khi đóng nắp kim tiêm, chị bị trượt tay, kim tiêm xuyên qua găng, đâm vào ngón tay áp út. Kết quả xét nghiệm khi đó là âm tính.
9 ngày sau khi cha mất, em trai chị cũng trút hơi thở cuối cùng. Chị đi xét nghiệm lần hai và đúng như dự cảm, chị đã nhiễm HIV.
Mấy tháng sau mẹ chị lại ra đi. Ba cái tang dồn dập đến cùng với “sự trở lại” của căn bệnh thế kỷ, chị tưởng như không còn sức đứng vững. Đã có lúc chị muốn buông xuôi tất cả…
Hành trình “Hoà nhập cộng đồng”
Chị công khai mình có HIV sau 7 tháng trời “ngâm” trong sự mặc cảm. “Đã nhìn đời bằng đôi mắt khác khi mình trở thành thành viên của các tổ chức tình nguyện giúp đỡ và chăm sóc những người có HIV”, chị Thanh tâm sự.
Một buổi đi thu gom kim tiêm đã qua sử dụng của nhóm Hoa Sữa.
Tổ chức Policy và tổ chức Care đã mời chị tham gia các khoá học kỹ năng thành lập nhóm, điều hành nhóm những người nhiễm HIV tự lực giúp đỡ nhau. Những chuyến đi tập huấn, tuyên truyền đã vực dậy niềm ham sống tích cực không sớm mất đi trong chị. Tình thương yêu những số phận đã trượt ngã, rơi vào vũng lầy HIV đã trở thành cầu nối giữa chị và bao người cùng cảnh ngộ.
Ngày 8/8/2004, chị thành lập nhóm Hoa Sữa. Không có tiền thuê địa điểm, chị dành luôn ngôi nhà chật hẹp mình đang ở làm trụ sở sinh hoạt cho cả nhóm. Ba năm, Hoa Sữa từ chỗ chỉ có 6 thành viên giờ đã lên đến gần 100 người. Họ đi bên nhau, chia sẻ và nương tựa. Một tuần, có đến 5 ngày nhóm cử người thay phiên nhau nấu cháo từ thiện để mang vào phát ở Bệnh viện Đống Đa, chia nhau chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Những bàn tay của người cùng cảnh ngộ tắm rửa vết lở loét, băng bó những vết nứt da thịt và hàn gắn những vết thương vô hình khác trong lòng mỗi người.
Nhóm còn tổ chức các buổi đi nhặt kim tiêm mà dân nghiện dùng xong đâm vào thân cây hoặc vứt vạ vật ở những nơi công cộng. “Đi nhặt kim tiêm mà thấy xót xa cho những mảnh đời như em trai chị”, chị ngậm ngùi.
Chia sẻ với tôi, chị không quên nhắc đến những con người đã làm “bà đỡ” cho chị trong hành trình bước ra ánh sáng, thoát khỏi sự ám ảnh, kỳ thị. Đó là những cán bộ ở hội Chữ thập đỏ quận Đống Đa, là mảnh đất Hà Tĩnh “nghèo nhưng gom góp được bao nhiêu tiền, quà là cho chị hết”, là người bố nuôi ở tận Canada,…
Mỗi ngày, trong căn phòng nhỏ tương đối đầy đủ tiện nghi, Hoa Sữa đã cùng chị đan len, tập đàn, học hát; cùng chị bước đi trong cuộc hành trình đưa những bệnh nhân HIV/AIDS từ chỗ tăm tối ra với ánh sáng cộng đồng.
Sang Anh