1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà báo Phan Quang:

Tôi không phải là “ông quan” viết báo

(Dân trí) - Có thể nói nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang tiêu biểu cho thế hệ những trí thức trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Sinh năm 1928, ở tuổi 80 vẫn thấy ông viết khoẻ, những bút ký vẫn dồi dào cảm xúc, chân thực và lãng mạn. Trò chuyện với chúng tôi về những trăn trở nghề báo, vẫn thấy ông đầy trách nhiệm và tràn nhiệt huyết...

Chỉ nên có một Hoàng Tùng thôi

 

Thưa, xin được hỏi câu đầu tiên, ông vào nghề báo trong trường hợp nào?

 

Sau khi tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, năm 1947, tôi lên chiến khu Ba Lòng rồi trở về vùng địch hậu tham gia kháng chiến. Đầu năm 1948, tôi cùng với một số anh em có ít nhiều học vấn được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thời ấy là người lãnh đạo chủ chốt ba tỉnh Bình Trị Thiên chọn cho ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh để tiếp tục theo học, chuẩn bị ra nước ngoài.

 

Thế nhưng do có tham gia viết lách ít nhiều, tôi được cấp trên cử về làm báo Cứu quốc xuất bản ở Liên khu 4 cùng với các nhà văn, nhà thơ như Chế Lan Viên, Hoàng Yến, Gia Ninh...; nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, họa sĩ Văn Bình... Tôi vào nghề báo năm hai mươi tuổi và tình cờ như bị ném xuống nước, phải cố chới với mà ngụp lặn nếu không muốn bị chết chìm. Dạo đó, tôi thường ký bút danh là Hoàng Tùng và viết cũng nhiều song đó chỉ là những tác phẩm đầu tay, những kỷ niệm, chẳng có gì thật đáng ghi nhớ.

 

Ông đã từng có bút danh là Hoàng Tùng? Vậy tại sao bây giờ lại là Phan Quang?

 

Cuối năm 1954, khi đang làm báo Cứu quốc, tôi được Trung ương cho gọi ra công tác ở báo Nhân Dân, chuẩn bị về tiếp quản Hà Nội. Do gặp lũ lụt dọc đường nên khi ra đến nơi thì toà soạn đã chuyển về đến Phùng (Hà Tây). Lúc ra mắt Tổng biên tập Hoàng Tùng, ông cười cười bảo tôi: “Anh là Hoàng Tùng. Tôi cũng là Hoàng Tùng. Mà ở một tờ báo chỉ nên có một Hoàng Tùng, hoặc anh hoặc tôi...”. Tôi ít tuổi, lại là cấp dưới, đương nhiên tôi đổi bút danh.

 

Một lần gặp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vốn quen biết từ trước, ông hỏi tại sao Hoàng Tùng liên khu 4 nay lại trở thành Phan Quang, tôi đáp tên khai sinh của tôi là Phan Quang Diêu nhưng ở miền Bắc, gọi Diêu lại nghĩ tới “riêu cua bún bánh” cho nên tôi đành đổi.

 

Đôi khi lạc bước sang vườn người khác

 

Từng nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Thông tin, 10 năm là Chủ tịch Hội Nhà báo, 15 năm là Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội nhưng đồng thời ông có gần 40 đầu sách và 5 truyện dịch chủ yếu là văn chương, vậy ông là nhà văn, nhà báo, là chính khách hay “ông quan viết báo”?

 

Nhà báo Phan Quang sinh năm 1928 tại Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị, đến nay ông đã có 60 tuổi Đảng và cũng là 60 năm tuổi nghề với tài sản gần 40 đầu sách báo chí, văn chương và 5 tác phẩm văn học dịch (riêng tác phẩm Nghìn lẻ một đêm đã được tái bản 25 lần).

 

Ở tuổi tám mươi, ông vẫn viết rất khoẻ. Hầu như không có năm nào không thấy ông ra sách. Đặc biệt là những bút ký của ông trên báo Văn nghệ vẫn dồi dào cảm xúc, chân thực và cũng rất lãng mạn.

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là chính khách. Có lẽ do tôi biết chút ít ngoại ngữ, lại làm báo có mối quan hệ rộng cho nên được Quốc hội phân công cho làm đối ngoại đó thôi. Mà tính tôi đã nhận việc gì thì cố gồng mình lên làm cho trọn, không dám khinh suất. Thật tình, nhận nhiệm vụ gì tôi cũng cảm thấy mình còn đuối nên luôn phải gắng sức. Nhiều khi cũng chán nản, cũng rã rời nhưng công việc qua rồi lại thấy hứng thú. Mười lăm năm làm ông phó, giúp việc cho ba đời Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng cùng nhau làm được lắm việc song riêng tôi chẳng có công tích gì nhiều để nói.

 

Ông chưa trả lời câu hỏi “Vậy ông là nhà văn hay là nhà báo?”

 

Tôi là một nhà báo vì yêu văn chương mà đôi khi vui chân lạc sang vườn nhà người khác.

 

Văn chương & Báo chí - Cùng có chung một “bà mẹ” ngôn từ

 

Nhưng văn chương và báo chí là hai thể loại hoàn toàn khác nhau...?

 

Đúng là như vậy. Văn chương và báo chí là hai lĩnh vực hoàn toàn tách bạch nhưng lại có chung một nguồn cội là ngôn từ. Nói cách khác, văn chương và báo chí như hai người con có cùng chung một “bà mẹ ngôn từ”. Thủơ sơ khai, báo chí và văn chương hòa chung. Nhưng càng lớn, chúng càng có xu hướng tách dần ra và càng trưởng thành, chúng mang những sứ mệnh khác nhau. Cũng từ đó, đặt ra cách tiếp cận khác nhau, cách xử lý thông tin khác nhau và cả phương thức thể hiện cũng khác nhau.

 

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đặc trưng của văn học là tư duy hình tượng còn đặc trưng của báo chí là tư duy lý luận. Thế nhưng suy cho cùng, dù là báo chí hay văn chương thì yêu cầu đầu tiên, yêu cầu chung là phải viết sao cho hay. Bác Hồ đã từng dạy nhà báo phải viết cho hay, viết có hay thì người ta mới đọc.

 

Trong giới báo chí hiện nay có một quan niệm là “phi văn bất thành báo”. Ông có tán thành quan niệm này?

 

Tôi tán thành... hơn một nửa. Không có văn chương, sẽ không thể có bài báo thật tốt. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi hầu hết các nhà văn nổi tiếng của ta đều viết báo rất hay. Những Vũ Trọng Phụng, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân... và đặc biệt là cụ Ngô Tất Tố. Ông là một nhà báo lừng lẫy mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phải ca ngợi là một tay ngôn luận xuất sắc, một người từng viết nhiều bài đại luận, khảo cứu, bút chiến, phê bình... danh tiếng.

 

Còn nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá là một tay kỳ cựu trong làng văn, làng báo, một nhà Nho có óc phê bình, có trí xét đoán, có tư tưởng mới... Ba mươi năm làm báo, Ngô Tất Tố đã để lại một di sản báo chí đồ sộ. Rất tiếc là gần đây, không ít nhà báo viết báo mà không hề có chút “văn” nào. Tuy nhiên cần nói thêm, chất “văn” trên báo chí không giống như chất “văn” trong văn học.

 

Tôi là người bảo thủ?

 

Trong các tác phẩm của ông, hình như mỗi lần viết về quê hương ông đều viết rất hay và giàu cảm xúc. Phải chăng chính quê hương Quảng Trị đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương trong nhà báo Phan Quang?

 

Quê hương Quảng Trị của tôi tuy nghèo nhưng đã cho tôi rất nhiều, dù đó là nơi tôi sống thời gian ngắn nhất. Tám mươi tuổi đời, mười năm đi kháng chiến chống Pháp, hơn năm mươi năm sống ở Hà Nội, chỉ có khoảng thời thơ ấu sống ở quê nhưng tôi đi đâu, ở đâu thì mãi mãi vẫn là người Quảng Trị. Tôi biết ơn mảnh đất quê hương kiên cường đã ban cho tôi ít nhiều tính cách bộc trực, ngang tàng mà đôi khi vì nó, tôi đành chịu ít nhiều thua thiệt.

 

Cũng phải nói thật rằng, lắm khi nghĩ về quê hương tôi cũng như một số anh chị em đồng hương Quảng Trị khác không khỏi chạnh lòng. Một mảnh đất địa linh, nhân kiệt, với người dân thông minh, đầy dũng khí và rất đỗi cần cù mà sao cứ mãi cam phận nghèo? Cái gì đang cản trở sự đi lên của mảnh đất này?

 

Còn rộng hơn, về quê hương Việt Nam, thưa ông?

 

Nghĩ về đất nước, có thể nói chưa có bao giờ chúng ta có nhiều cơ hội như bây giờ. Sự phát triển kinh tế đang có đà và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế bao trùm lên toàn xã hội. Thế nhưng không biết tôi có phải là người quá cũ hay không mà tôi luôn cảm giác như chúng ta đang đánh mất khá nhiều, nhất là về bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Văn hóa không có hội nhập. Chỉ có giao thoa, tiếp biến, giao lưu.

 

Khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, thế giới mênh mông hơn so với thời trước đó, nhưng cùng với phát minh ấy đã có biết bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu nền văn hóa bản địa ở châu Mỹ Latinh phải lụi tàn? Tôi là người quá bảo thủ chăng? Hoài cổ chăng? Tôi chỉ muốn nói rằng hội nhập quốc tế là cần thiết, là rất tốt, nhưng đừng quá say sưa thấy có một chiều.

 

Nhưng nếu không hội nhập quốc tế, chúng ta sẽ mãi mãi nghèo, mà nghèo với hèn chỉ cách nhau một sợi tóc?

 

Rất đúng. Tôi rất hoan nghênh hội nhập vì đó là tất yếu. Tôi chỉ muốn nói hội nhập song phải nghĩ cho sâu, cho thấu. Còn nghèo thì đúng là khó tránh nổi sự hèn. Trước đây khi còn công tác, tôi có nhiều dịp ra nước ngoài nhưng đi theo lối quan chức, khá thuận lợi, nếu không nói được người ta o bế nữa là khác, bởi vì mình dù sao cũng đại diện cho Việt Nam.

 

Vừa rồi, tôi thử chọn cách đi theo kiểu “phó thường dân” xem sao. Rất phiền toái khi xin visa nhập cảnh. Và khi nhận visa cùng hộ chiếu, nhìn thấy có dòng chữ kèm theo: “Đề nghị ông đích thân có mặt tại  sứ quán trước ngày...” . Tôi nói thẳng với anh viên chức ngoại giao nọ, các ông tưởng nước các ông hấp dẫn đến mức ai đã đến nơi rồi cũng không trở về nữa hay sao? Xin lỗi, đừng nhầm. Tôi muốn lặp lại một câu rất cũ và đã trở thành công thức nhưng rất thực tình, là đi đâu, ở đâu, lúc nào tôi cũng luôn tự hào mình là người Việt Nam.

 

Nên tránh tư duy nhiệm kỳ

 

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII vừa qua đã thành công tốt đẹp nhưng chắc cũng có những vấn đề phải rút kinh nghiệm. Là đại biểu của 3 nhiệm kỳ quốc hội, 4 nhiệm kỳ tham gia ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời với tư cách một nhà báo, ông có ý kiến gì về Quốc hội hiện nay?

 

Quốc hội của ta ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đã gần như hội đủ các nguyên tắc của nền dân chủ, và Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp rất tiến bộ. Hiện nay, so với ngày đó có rất nhiều cái chúng ta hơn, chúng ta vượt xa song cũng có cái chúng ta chưa bằng ngày trước. Vấn đề cơ bản vẫn là làm sao thu hút và trọng dụng được nhân tài cho đất nước. Về cách làm việc của Quốc hội, chắc cũng cần tiếp tục được cải tiến. Thí dụ, làm sao tránh được “tư duy nhiệm kỳ” để mọi người cùng có cái nhìn dài hơn, xa hơn trước mắt. Đây là đại sự của cả một quá trình...

 

Xin hỏi ông câu cuối cùng, Chính phủ đang có chủ trương để Hội Nhà báo quản lý các nhà báo, cụ thể là việc cấp Thẻ nhà báo sẽ không do Bộ Văn hoá - Thông tin mà thuộc về Hội. Ông nghĩ gì về chủ trương này?

 

Tôi chưa được biết tin. Tôi nghĩ đó là hướng đúng và nên làm. Tuy nhiên, Hội Nhà báo Việt Nam cũng phải tự đổi mới nhiều. Cần có cơ chế điều hành hữu hiệu, với sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức khác nữa, thì việc cấp Thẻ nhà báo mới thật sự có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của báo chí, tạo thêm thuận lợi cho anh chị em hành nghề. Ta nên tham khảo thêm kinh nghiệm của nhiều nước ngoài, họ làm việc này đã nhiều năm.

 

Xin cám ơn ông và nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin được chúc ông sức khoẻ và hạnh phúc!

 

Bùi Hoàng Tám
(Thực hiện)