“Tôi không đơn độc trong cuộc chiến chống tham nhũng!”
“Chống tham nhũng sẽ gặp nhiều điều nhạy cảm nhưng biết giữ mình và trong sáng thì không việc gì phải e ngại” - Trung tướng Nguyễn Việt Thành tâm sự ngay khi ông <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/10/146502.vip">nhận nhiệm vụ </a>Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Hành trang chính: Sự liêm khiết
Thưa ông, ông chuẩn bị hành trang gì cho việc nhận nhiệm vụ mới?
Tôi chỉ có hai hành trang chính. Thứ nhất là kinh nghiệm của 40 năm làm người lính. Từ anh “lính trơn” đến khi làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tôi đã đối mặt với nhiều loại tội phạm phức tạp và nhiều đối tượng là tội phạm nguy hiểm. Thứ hai, tôi luôn tự nhủ mình phải liêm khiết, biết giữ mình. Dù ở cương vị nào, tôi cũng tâm niệm phải vì dân, vì nước. Tôi sẽ không phụ lòng Đảng, ngành công an và người dân đã tin tưởng tôi.
Cán bộ tham nhũng là những người có chức vụ, thậm chí chức vụ của họ có thể to hơn chức vụ của ông. Ông có lo lắng?
Tội phạm tham nhũng khác với các loại tội phạm khác là nó không lộ ra ngoài mà ẩn bên trong và được che chắn kỹ càng. Đối tượng phạm tội là người có chức vụ và có mối quan hệ rộng nên việc xử lý sẽ khó khăn, phức tạp. Nhưng đối với tôi, không có chuyện trong vụ án cùng mức độ sai phạm như nhau nhưng cán bộ cấp cao thì châm chước, cán bộ cấp nhỏ thì xử nghiêm.
Nhiệm vụ mới rất khó khăn nhưng tôi biết mình không đơn độc. Tôi có cấp trên, đồng đội và nhân dân ủng hộ. Tôi nghĩ mình thực hiện nhiệm vụ một cách ngay ngắn, công minh, có tình có lý, đúng người, đúng tội thì chẳng việc gì phải băn khoăn, lo lắng cả.
Không “đánh từ vai trở xuống”
Khi chống tiêu cực, nếu “đụng” đến cán bộ là đảng viên thì phải thông qua hai hệ thống: kiểm tra của Đảng và thanh tra - điều tra - truy tố của Nhà nước. Thủ tục này có gây khó khăn cho ông?
Theo Nghị quyết 04 của Ban chấp hành trung ương, “Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp uỷ quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng về quyết định của mình, đồng thời phải kịp thời báo cho cấp uỷ đảng quản lý cán bộ đó biết”. Điều đó chứng tỏ rằng khi phát hiện cán bộ là đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan điều tra báo cấp uỷ biết để xử lý về Đảng chứ không phải đợi cấp ủy đồng ý mới xử lý.
Người dân vẫn ngại là chống tham nhũng vẫn còn có “vùng cấm”, “đánh từ vai trở xuống”…
Theo tôi, việc ra đời Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nói lên quyết tâm của Đảng và Nhà nước với cuộc chiến chống tham nhũng. Không có “vùng cấm”, không ai có thể đứng ngoài hay đứng trên vòng pháp luật được. Theo Nghị quyết 1039 của UBTVQH giao quyền cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng có quyền tạm đình chỉ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống. Còn cấp cao hơn thì phải xin ý kiến của các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.
Tham nhũng làm xói mòn niềm tin của người dân trong thời gian qua. Theo ông, cần phải có quyết sách gì để đẩy lùi tham nhũng?
Tại cuộc họp ra mắt Ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban chỉ đạo đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ban, ngành và địa phương rà soát lại các vụ việc tiêu cực, lãng phí và tham nhũng trong bộ, ngành và địa phương mình. Những quy trình, thủ tục hành chính phải được niêm yết công khai tại trụ sở để dân được biết.
Theo tôi, cần phải có các giải pháp cơ bản sau:
Phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương III, tăng cường lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng…
Phải tạo ra cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát các hoạt động của Nhà nước. Phải có cơ chế, chính sách thoả đáng với nguời dân phanh phui các vụ việc tham nhũng. Phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh đồng bộ, toàn diện, khoa học và đi vào đời sống xã hội.
Mặt khác, chúng ta phải thực hiện nghiêm Nghị định 107 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Khi xảy ra sai phạm, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm pháp lý và cả trách nhiệm chính trị.
Chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức cần phải được cải tiến, đủ đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống cho họ.
Chế độ quản lý tiền tệ và thanh toán phải qua hệ thống ngân hàng, từng bước hạn chế sử dụng tiền mặt để kiểm soát và minh bạch hoá thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức.
Việc đề bạt cán bộ phải được công khai hoá, người có tài, có đức phải được trọng dụng, bố trí đúng khả năng.
Đội ngũ cán bộ phòng chống tham nhũng phải là người có tâm, có tầm, liêm khiết và hết lòng với công việc được giao.
Vui, buồn cùng người dân
Lâu nay nhiều người dân vẫn thường gửi đơn đến nhờ ông cứu giúp, chia sẻ. Điều gì đã thôi thúc ông thành “Bao công” của họ?
Tôi nghĩ rằng người dân có việc khó khăn, bức xúc lắm mới gửi đơn hoặc đến Tổng cục Cảnh sát đề nghị giúp đỡ. Tôi thường lắng nghe bà con và hướng dẫn bà con tìm đến địa chỉ cần giải quyết. Tôi khuyên mọi người tin tưởng vào đường lối xử lý của Đảng và Nhà nước. Đối với những đơn thư, vụ việc đúng thẩm quyền nhưng qua thẩm tra thấy việc bức xúc của bà con không có căn cứ thì tôi gửi thư giải thích bà con biết. Nếu khiếu kiện của bà con có căn cứ, thuộc thẩm quyền mình thì tôi chỉ đạo các các cục nghiệp vụ xác minh và báo cáo cụ thể kết quả giải quyết đến bà con.
Theo tôi, việc khiếu kiện gia tăng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là bộ phận tiếp dân chưa nhã nhặn, ân cần. Nếu người dân sai thì phải chỉ rõ cho họ biết. Còn nếu chính quyền sai, chính quyền chịu thẳng thắn thừa nhận và sửa đổi thì người dân sẽ không gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi. Theo tôi, để giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người dân, các cơ quan công quyền cần phối hợp với nhau, cộng đồng trách nhiệm thì mới giải quyết có tình, có lý và dứt điểm được.
Tôi không phải là “Bao Công”, tôi là người của Đảng, phải làm hết trách nhiệm, phải biết chia sẻ với bà con. Làm công an biết vui chung niềm nui và buồn chung nỗi buồn của người dân thì bà con sẽ tin yêu mình.
Theo Pháp Luật TPHCM