1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Tôi gọi điện đi nhiều nơi đều nói không biết bão... đang ở đâu”

(Dân trí) - “Lúc 15h chiều qua (19/8), tôi gọi điện tới một số đơn vị, anh em đều nói không biết bão đang ở đâu, trong khi bão đã vào đất liền. Về cấp độ bão theo tôi là chưa sát thực tế, các nước dự báo khoảng dưới cấp 11, nhưng ta là cấp 12…”.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng, thẳng thắn phát biểu như vậy tại cuộc họp rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, ứng phó với cơn bão số 3 tại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay (20/8) tại Hà Nội.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, dự báo về cấp độ của cơn bão số 3 chưa sát với thực tế, không đến cấp 12, trong khi dự báo của quốc tế chỉ tiệm cận dưới cấp 11.

“Bão số 3 dự báo phạm vi ảnh hưởng quá rộng, từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Trong dự báo, cấp độ phải nhận định, trọng tâm ở đâu, vùng ảnh hưởng phải rất rõ. Khoảng 15h chiều qua (19/8), tôi có gọi điện đến một số đơn vị hỏi xem như nào, nhưng anh em đều nói không biết bão đang ở đâu, trong khi bão đã vào đất liền rồi” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nam, trong cơn bão số 3, ngành khí tượng đã dự báo đúng hướng đi, lượng mưa, thời gian bão vào Vịnh Bắc Bộ. Cũng theo Thiếu tướng Nam, sau khi ông chia sẻ với đội ngũ chuyên môn bên Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì được biết, khi bão số 3 cách bờ khoảng 70km đã hụt năng lượng rất nhiều, do vậy nhiều người nhần lẫn cho rằng khâu dự báo không chính xác.

Nói về khâu dự báo trong bối cảnh thời tiết của Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu, Thiếu tướng Nam cho biết, khâu dự báo hiện nay chưa ngang tầm với diễn biến khí hậu nước ta. Nhà nước cần có cơ chế chính sách để ngành khí tượng thủy văn đầu tư thêm về trang thiết bị, con người cho hoạt động dự báo.

“Bối cảnh khí hậu nước ta như vậy, khâu dự báo là rất quan trọng, bởi từ dự báo này Chính phủ, Bộ, ngành sẽ có những chỉ đạo triển khai ứng phó. Mỗi khi có bão, các bộ, ngành địa phương phải huy động lực lượng rất lớn để đối phó, rồi kêu gọi tàu thuyền, di dân,… nhưng khi không thấy bão đâu, từ lần sau họ sẽ chủ quan, rồi sẽ rất khó trong khâu vận động di dân của cán bộ địa phương” – Thiếu tướng Nam nói thêm.


Trong cơn bão số 3, tại Hà Nội có cây to bật gốc nhưng được đánh giá là do cây đã mất phần lớn bộ rễ chứ không phải do bão mạnh. (Ảnh: Phi Quang)

Trong cơn bão số 3, tại Hà Nội có cây to bật gốc nhưng được đánh giá là do cây đã mất phần lớn bộ rễ chứ không phải do bão mạnh. (Ảnh: Phi Quang)

Ngoài ra, Thiếu tướng Nam cũng góp ý cho ngành khí tượng là cần phải lắp đặt nhiều trạm quan trắc ở các địa phương, hoạt động độc lập, thay vì tập trung hết về một mối như hiện nay. Bởi khi có bão, các trạm quan trắc địa phương cùng phân tích, sau đó tổng hợp lại đưa ra một nhận định cuối cùng sẽ sát thực tế hơn.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương - cho biết, bão số 3 hoạt động ngược với bão số 1. Cơn bão số 3 khi ở Vịnh Bắc Bộ được đánh giá là rất mạnh, nhưng khi vào đất liền lại suy yếu nhanh. Ngoài ra, thời gian bão số 3 hoạt đông trên đất liền rất ngắn, do vậy đã không để lại thiệt hại như cơn bão số 1.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - cho biết, do chủ động, huy động nhiều lực lượng ứng phó với bão số 3 với tinh thần cao nhất nên thiệt hại về cơn bão này không là đáng kể. Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, sau bão các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, nên các địa phương không được chủ quan đến vấn đề này.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm