Tôi đi mua thép gia công gắn mác “xịn”

(Dân trí) - Chỉ cần.. vô lương tâm một chút, mỗi tấn thép người ta có thể tư lợi 5-7 triệu đồng. Trong vai trợ lý giám đốc một công ty đang chuẩn bị xây dựng trụ sở, chúng tôi đi tìm mua thép gia công nhái nhãn mác “xịn” để nhồi nhét vào công trình...

Nhờ người quen làm việc tại Đội Quản lý thị trường số 1 Nam Định, tôi được biết hầu như tháng nào đơn vị này cũng bắt được những chuyến xe tải chở đầy sắt thép kết cấu công trình xây dựng được sản xuất thủ công, nhưng nhái y hệt nhãn mác TISCO của Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên.

 

Tisco hay Ticso?

 

Chúng tôi không tự tin lắm khi bước vào một cửa hàng bán sắt thép xây dựng trên đường Đê La Thành (Hà Nội). Thấy khách chần chừ, bà chủ cửa hàng đon đả: “Cô chú cứ vào hẳn trong nhà mà xem hàng. Cửa hàng chị toàn thép Việt Hàn thôi, đắt nhưng an tâm.”

 

Cầm tờ báo giá thép cây trên tay chúng tôi ngỏ ý chê đắt, bà chủ ngọt nhạt phân trần: “Em thích mua hàng rẻ hơn cũng có nhưng chỉ sợ xong lại trách chị không nói trước.” Chúng tôi hiểu ý bà chủ cửa hàng này ám chỉ “mẹo” rút ruột công trình của những người làm xây dựng vô lương tâm. Đó là mua sắt gia công bằng phôi đúc sẵn từ sắt thép phế liệu ở các làng nghề thủ công nghiệp nhái nhãn mác các loại sắt thép như trong thiết kế để đưa vào công trình. Với người tiêu dùng bình thường, thật khó phân biệt giữa hàng thật với hàng gia công trôi nổi, và đương nhiên, khách hàng sẽ phải trả tiền theo giá “hàng hiệu” cho đống sắt thép làm từ phế liệu nhưng đóng nhãn mác của các hãng nổi tiếng được ưa chuộng.

 

Trên thị trường miền Bắc, tràn ngập những nhãn hiệu thép xây dựng na ná sắt thép Thái Nguyên thật như “TISSO”, “TICSO”, “TICOS” để “lập lờ đánh lận con đen”. Qua những lô hàng sắt thép vi phạm quy định về nhãn mác và chất lượng sản phẩm bị cơ quan chức năng thu giữ, trong đó đa số có xuất xứ từ các lò thép thủ công nghiệp ở Đa Hội - Từ Sơn - Bắc Ninh.

 

Để không mua nhầm sắt thép kém chất lượng:

 

Chị An Bình, chủ cửa hàng sắt thép, vật liệu xây dựng trên đường Đê La Thành (Hà Nội) cho biết: Có nhiều cách để phân biệt sắt thép sản xuất công nghiệp với hàng thủ công nhái nhãn mác. Có thể bằng cách quan sát: hàng thật sắc nét, mịn, đều, không ba-via, không lõm, rỗ và luôn đúng cân, đúng phi.

Chúng tôi tìm về Đa Hội để mua thép tận gốc. Bao nhiêu bụi bặm, xe cộ, ồn ào của quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn chưa kịp lùi lại sau lưng thì thính giác lại bị tra tấn bởi hàng vạn thứ âm thanh như tiếng gõ, tiếng búa đập chát chúa, tiếng máy nghiền sắt chạy ầm ầm cùng hơi lửa than, hơi sắt thép hoà lẫn với khói bụi nóng rực.

 

Đa Hội hiện có hơn 800 hộ sản xuất sắt thép với đủ các loại sản phẩm: từ cái đinh, tấm lưới B40 đến thép ống thép hình, thép sợi, thép xoắn cho xây dựng. Tổng sản lượng thép tung ra thị trường từ làng nghề Đa Hội 6 tháng đầu năm 2005 lên tới 58.000 tấn. Lượng thép khổng lồ này phân phối đến thị trường xây dựng khắp các tỉnh thành phía Bắc, vào đến tận Vinh, Huế. Phó chủ tịch UBND xã Châu Khê, bà Trần Thị Nghĩa, cho biết: Thép Đa Hội chỉ đảm bảo chất lượng cho việc xây dựng dân sinh, không sử dụng làm thép kết cấu, càng không thể sử dụng trong các công trình xây dựng Nhà nước. Tuy nhiên, trên thị trường lại tồn tại khá phổ biến loại sắt thép gia công này với đầy đủ loại thép xoắn, thép định hình U-V... sẵn sàng đáp ứng các công trình xây dựng đang bị “rút ruột”.

 

Mỗi lò luyện, cán thép ở Đa Hội chỉ ở mức một xưởng thủ công gia đình, cá thể, nhỏ lẻ, sản xuất dựa vào kinh nghiệm là chính. Những quy tắc kiểm định chất lượng sản phẩm xuất xưởng ở đây cũng rất “linh động”. Một số hộ thuê đất sản xuất trong cụm công nghiệp xã Châu Khê thì có quy mô sản xuất và công nghệ đồng bộ hơn.

 

Chúng tôi quyết định vào “khu công nghiệp Châu Khê” để tìm mối làm ăn. Bà chủ cơ sở sản xuất thép xây dựng V.T. đưa cho chúng tôi bản báo giá một số mẫu thép xoắn. 6.200đồng/kg thép xoắn 10 loại 8kg/cây (tương đương cân nặng của một cây thép Thái Nguyên), còn muốn lấy giá thấp hơn thì có loại 7kg/cây, số  sẽ không đảm bảo. Dù rất hiểu, thông cảm với ý định đi khảo giá thép cho việc xây dựng trụ sở cơ quan mới của chúng tôi, nhưng bà chủ cũng rất dè dặt khi chúng tôi đề nghị muốn có hoá đơn thanh toán ngang giá với thép Thái Nguyên.

 

Người đàn bà bán quán nước đối diện xưởng V.T. gật gù vẻ hiểu biết, giới thiệu cho chúng tôi 3 địa chỉ chuyên phục vụ những khách hàng đi mua nguyên vật liệu cho các công trình công: “Cứ đến mấy xưởng đó, anh muốn đóng nhãn hiệu nào để thanh toán cũng được, vốn cấp để mua thép Thái Nguyên đúng không?” - bà ta cười đầy ý nghĩa, hiểu biết và cảm thông.

 

Muốn hoá đơn loại nào, có tất

 

Việc đóng nhãn mác cho sản phẩm khi ra lò ở các xưởng thủ công dường như đang bị thả nổi. Và thực tế ở làng Đa Hội không có bất kỳ một nhãn hiệu cụ thể nào đăng ký cho sản phẩm của mình.

 

Chúng tôi tìm tới Công ty TNHH P.T. (liên doanh và sử dụng công nghệ Trung Quốc) lớn nhất cụm công nghiệp xã Châu Khê. Yêu cầu lấy thép đóng nhãn TISCO của chúng tôi với hoá đơn thanh toán tương đương của nhãn hiệu này bị từ chối. Cô kế toán tên Hoa phân tích cặn kẽ: “Chênh lệch giữa thép Đa Hội với thép Thái Nguyên những 10 đến 13 giá, không thể hợp thức hoá trong sổ sách kế toán được. Đơn vị thuế sẽ nhìn thấy ngay. Em chỉ có thể viết cho anh hoá đơn cao lên 5-7 giá so với thanh toán thực tế thôi. Còn về nhãn mác, công ty hay sử dụng nhãn TN (tức Thái Nguyên viết tắt). Loại nhãn 5 chữ như TISCO thì chỉ có thể chọn kiểu gần giống như TISSO, TICSO, TICOS... nếu thống nhất với giám sát thi công thì cũng không mấy người để ý đâu”.

 

Câu chuyện mua bán giữa chúng tôi thật tự nhiên, thẳng thắn. Hoá ra đó là cách làm thường xuyên đối với mỗi dự án, mỗi công trình xây dựng. Khoản tiền chênh lệch giữa giá thanh toán và hoá đơn rót vào túi các cá nhân thật không nhỏ. Một tấn thép tư lợi 5-7 triệu thì 10 tấn thép rồi đến hàng trăm nghìn tấn một công trình là con số thất thoát vốn thật khó tưởng tượng. Nguy hại hơn, không biết bao nhiêu công trình xây dựng đã hoàn thành có sử dụng loại sắt thép này? Chúng tôi khẳng định lại, loại sắt thép gia công này hoàn toàn dùng phôi đúc sẵn, là nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, không thể đưa vào làm thép kết cấu các công trình xây dựng kiên cố.

 

Trần Đức - Phương Thảo