1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tôi đi mua... hồ thuỷ điện Trị An

Hơn 10 năm trước, khoảng 600ha đất thuộc phạm vi lòng hồ thuỷ điện Trị An đã bị tổ chức, cá nhân, trong đó có hơn 30 quan chức từ xã đến tỉnh đắp bờ, bao chiếm trái phép và được cấp sổ đỏ…

Tôi đi mua... hồ thuỷ điện Trị An - 1

Phía sau đê bao là lòng hồ Trị An mà theo người dân, ai có thể tranh chấp phần lỡ lấn chiếm nếu không có cứ địa hợp pháp

 

Bán công thổ bằng giấy tay

 

Nghe tin có người hỏi mua trại cá (hồ nuôi cá được người vùng này gọi là trại) ông Mai, xã La Ngà, huyện Định Quán trở về nhà ngay. Nhìn chúng tôi vẻ bảnh bao, đi xe hơi đời mới, ông liền lục tủ, lôi ra một mớ giấy và tờ sổ đỏ photocopy. Ông thanh minh, để lấy vốn nuôi cá, ông đã mang sổ chính thế chấp ở ngân hàng. Vừa lật đống giấy má, ông vừa kể, trại này, ông mua của ông Tư Đức (Hồ Văn Đức, nguyên trưởng công an huyện Định Quán), trại kia, mua của mấy hộ dân, cái nào cũng rộng gần chục hecta.

 

Giở sổ đỏ trại cá của ông Tư Đức, do vợ là Trần Thị Thơm đứng tên, diện tích cấp hơn 8,2ha, ông Mai giải thích, tuy trong sổ chỉ chừng ấy nhưng trại này rộng hơn 10ha. Lật đến trang cuối, có ghi: nay thu hồi hơn 6,3ha ao cá vì nằm trong khu vực bán ngập lòng hồ Trị An, bà Thơm chỉ còn sử dụng gần 2ha đất lâm nghiệp.

 

Hoá ra, một phần lớn của trại cá đã bị thu hồi (trên giấy) vì lấn chiếm lòng hồ thuỷ điện Trị An. Nhưng thực tế, sau khi bị thu hồi, ông Tư Đức vẫn bao chiếm nuôi cá. Đến năm 2007 bán lại bằng giấy tay cho ông Mai, bán luôn cả phần công thổ.

 

Từ cầu La Ngà, quốc lộ 20, đi vào trại cá ông Mai mua lại của ông Tư Đức chừng 5km. Không thể gọi bằng ao vì bốn cái hồ trong trại, cái nào cũng rộng trên 2ha. Ông Mai vừa bán xong lứa cá ở hai hồ tiếp giáp lòng hồ thuỷ điện. Hai hồ còn lại, một nuôi cá rô, một nuôi cá lóc, cũng sắp đến kỳ thu hoạch. Có lẽ, cũng chỉ nơi này, lấn chiếm lòng hồ thuỷ điện, mới có những hồ nuôi cá rộng ngút tầm mắt. Những con đê bao quanh hồ cao vòi vọi, rộng năm, bảy mét để phục vụ cho xe tải chở thức ăn đến góc xa nhất.

 

Nhớ lại hồi năm 2004, Thanh tra Chính phủ đã kết luận hàng chục quan chức từ xã đến tỉnh bao chiếm, sử dụng trái phép gần 300ha lòng hồ để chăn nuôi, làm ảnh hưởng đến khả năng tích nước của hồ và gây ô nhiễm nguồn nước. Một trong những yêu cầu được nêu trong kết luận thanh tra là phải trả lại nguyên trạng cho lòng hồ. Sau đó, các tổ chức, cá nhân bao chiếm đã đối phó bằng cách, khoét dăm ba mét ở bờ bao cho nước lưu thông nơi lỗ thủng đó, những kẻ lấn chiếm giăng lưới để chặn cá nuôi từ hồ ra. Bờ đê bao của ông Mai cũng thế, sừng sững như một con trăn, còn cái lỗ “trả lại nguyên trạng” giống như lỗ mũi trăn.

 

Điệp khúc chiếm - bán

 

Bà Nguyễn (xã La Ngà) cũng đang rao bán trại cá. Người chồng bà nhanh nhẹn đưa chúng tôi đi thực địa. Trại này, bà mua của ông Nguyễn Phước Ninh, nguyên Chủ tịch UBND xã La Ngà vào năm 2007. Cũng như trại của ông Tư Đức, giấy tờ chỉ hơn 2ha nhưng thực tế trại rộng ngoài 5ha. Ba cái hồ lớn nhỏ nằm chòi ra lòng hồ, người chồng cam đoan, sẽ bao sang tên phần ao chưa sổ đỏ và muốn mở rộng thêm về phía lòng hồ bao nhiêu cũng được. Việc đào đắp bờ bao để mở rộng trại, ông sẽ bảo lãnh.

 

Quan trọng nhất, theo ông này, phải có cái gốc là đất ở bờ, mới có thể lấn chiếm ra được. Từ trại bà Nguyễn nhìn ra lòng hồ thuỷ điện, một con đê cao gần chục mét dài cả cây số, nhìn như một lưỡi kiếm chém thẳng xuống lòng hồ. Nó vốn là bờ bao trại cá rộng vài chục hecta, do một quan chức địa phương đào đắp.

 

Trước đây, năm 2003, thời còn đương chức chủ tịch xã, ông Ninh cũng đã bán trại cá rộng ngoài 10ha cho bà T.T.H, làm việc ở Công ty cổ phần Mía đường La Ngà với giá 400 triệu đồng. Phần ao này thuộc lòng hồ thuỷ điện, vợ chồng ông Ninh đã bao chiếm trái phép nhiều năm. Tuy nhiên, vụ mua bán không thành, người mua đã làm đơn tố cáo vợ chồng ông lừa đảo bán ao khống.

 

Chưa hết, sau khi chuyển công tác về huyện làm Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Ninh vẫn vô tư thuê máy móc tiếp tục đào đắp một bờ bao dài 140m, chiếm lòng hồ thuỷ điện, nới thêm diện tích trại (tổng cộng chừng 36ha) nhưng rốt cuộc, đến nay trại ông Ninh vẫn bình an vô sự.

 

Thu bạc tỉ

 

Sau khi dẫn khách đi thăm trại cá một vòng, ông Mai ra giá bán 2 tỉ, không kỳ kèo. Thủ tục mua bán, hai bên sẽ làm giấy tay, ra xã xác nhận. Được biết, trước đây, ông Mai đã bỏ ra gần 1 tỉ mua lại trại của ông Tư Đức. Thấy khách vẻ chập chừng, ông Mai nói thẳng, trại này và các trại quanh đây đều của cán bộ huyện tỉnh, ai thu được của mấy ổng, đừng lo. Nếu có sổ đỏ, trại này giá không dưới 5 tỉ, mỗi năm trên chục hecta ao hồ vườn này, người canh tác thu lợi tiền tỉ, chỉ vài ba vụ lấy lại vốn. Cảm thấy vẫn chưa đủ liều, ông hứa luôn sẽ giúp chạy làm thủ tục sổ đỏ và cam kết trại cá không bị thu hồi.

 

Bà Nguyễn cũng ra giá 2 tỉ và giải thích, sở dĩ trại của bà nhỏ hơn nhưng phần đất đã được cấp sổ đỏ nhiều hơn. Phần còn lại, cũng chỉ nay mai bà sẽ lấy được sổ. “Để lâu phân trâu hoá bùn”, bà Nguyễn đúc kết thật khéo sau khi kể chuyện ngày trước, khi bao chiếm lòng hồ trái phép, ông Ninh bị nhiều báo đài phản ánh nhưng chẳng mất một miếng trại nào. Lúc mua lại trại của ông Ninh, bà cũng bỏ ra 800 triệu.

 

Chỉ rảo qua hai trại đang rao bán có nguồn gốc từ các quan chức địa phương, tính sơ sơ, mỗi vị đã kiếm lợi được gần bạc tỉ sau khi thuê xe đào đắp bờ bao, xẻ thịt lòng hồ. Nhưng diện tích trại các quan này bán chác so với tổng diện tích họ bao chiếm lại chẳng thấm vào đâu. Và, trong hơn 30 quan chức bao chiếm trái phép gần 300ha công thổ, cũng không ít người đã mua bán sang tay, kiếm lợi bạc tỉ. Nay, có người đã nghỉ hưu, có người còn đương chức.

 

Theo Khởi Khánh

 Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm