Toàn bộ đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ hoàn thành trong 6 năm
(Dân trí) - Trái với thông tin ban đầu cho rằng sẽ chia dự án xây dựng <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/4/173813.vip">đường sắt cao tốc Bắc Nam</a> thành nhiều giai đoạn, ông Nguyễn Duy Bằng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt, cho rằng tuyến đường sắt cao tốc này phải được làm toàn bộ. Ý kiến này được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ.
Có một số ý kiến cho rằng trong điều kiện như hiện nay của Việt Nam, tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam không cao?
Những năm 1957 - 1958, khi Nhật Bản nghiêm cứu đường sắt cao tốc thì cơ sở kỹ thuật đường sắt của Nhật Bản giống của Việt Nam bây giờ. Điều kiện địa lý, kinh tế, dân số tương tự với Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đi vào vận hành thì hiệu quả thực tế sẽ rất tốt.
Với số lượng vốn lên tới gần 33 tỷ USD, phía Việt Nam quyết định làm tổng thể hay từng đoạn?
Tôi đã trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng có nói rằng đã làm thì phải làm toàn bộ để nhanh chóng kéo 2 đầu lại gần nhau. Như chúng ta đều biết, hiện nay dân số VN phân bổ ở 2 đầu là 85%, GDP 95% nên theo tôi đây là điều hết sức quan trọng.
Vậy vấn đề huy động vốn đã được bàn thảo đến đâu, thưa ông?
Theo tính toán 70% đầu tư cho kết cấu hạ tầng nhà nước sẽ đầu tư, 30% còn lại doanh nghiệp và các thành phần sẽ cùng huy động đầu tư phương tiện để kinh doanh.
Tôi cũng đã nhiều lần làm việc với đại sứ Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng phía Nhật Bản đầu tư được toàn bộ kết cấu hạ tầng cũng đã rất tốt rồi. Và rõ ràng nếu đã làm đường sắt thì công nghệ nước nào thì phải theo nước ấy chứ không thể đầu tư công nghệ Nhật Bản mà phương tiện của nước khác được.
Theo ông đánh giá thì bao nhiêu lâu nữa giai đoạn tiền khả thi kết thúc, bắt đầu triển khai xây dựng?
Chúng tôi có dự kiến công tác chuẩn bị đầu tư trong 2-3 năm, Nhật có nói việc này sẽ quyết định sau khi khảo sát, họ dự định khảo sát trong tháng 5 tháng 6 này, như vậy phải có đầu tư xong rồi thì mới có quyết định bắt đầu đầu tư và bao giờ kết thúc. Nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ, quá trình xây dựng kéo dài trong 6 năm.
Phía Nhật Bản sẽ giúp VN khảo sát trên toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, vậy có sự chồng chéo hay không khi KOICA của Hàn Quốc cũng đang nghiên cứu khả thi đoạn Nha Trang - TPHCM?
KOICA thì tôi biết rất rõ họ chỉ nghiên cứu một đoạn này chứ không nghiên cứu tổng thể. Tôi hiểu rằng, muốn nghiên cứu cái gì đấy trước hết phải tổng thể rồi mới đến chi tiết từng khung đoạn. Hiện phía KOICA đang đề nghị nghiên cứu tiếp đoạn Vinh - Hà Nội nhưng tôi cho rằng làm như phía Nhật Bản là mang lại hiệu quả cao hơn cả.
Nếu đưa vào khai thác, dự kiến giá vé thế nào?
Chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể nhưng vé ở Nhật Bản hiện nay rẻ hơn vé máy bay một chút. Tại châu Âu thì đắt hơn một chút.
Sau khi hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc, đường sắt cũ sẽ được quy hoạch ra sao?
Đường sắt cũ vẫn sẽ được cải tạo nâng cấp thường xuyên vì đường sắt khổ 1.000 mm sẽ nối với tuyến đường sắt của ASEAN. Chính phủ mình đã ghi nhận với ASEAN là sẽ chạy tàu hàng từ Singapore đi Côn Minh trên đường 1.000 mm vì đường sắt ASEAN là đường 1m cả. Mặt khác, vận tải hàng hoá và khách đường ngắn sẽ rất thuận tiện với tuyến đường sắt cũ.
Phúc Hưng