1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Toà xử án oan sao không bồi thường?

Sáu người bị bắt tạm giam. Sau hơn 2 năm điều tra, họ được thả vì chưa đủ căn cứ truy tố bị can. Những người này đã khiếu nại lên VKSND Tối cao với lý do các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương đã né tránh trách nhiệm bồi thường.

Sau hơn 2 năm “giằng co”, cuối tháng 5/2006, VKSND tỉnh Bình Dương đã quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Phan Thị Kim Dung và 5 bị can khác với lý do: “Vụ án khởi tố đã lâu, thời gian tạm giam 6 bị can cũng đủ để giáo dục”.

Không đủ chứng cứ vẫn bị bắt giam

Tối 28/1/2003, tiến hành kiểm tra hành chính khách sạn Hoàng Dung do bà Phan Thị Kim Dung làm chủ, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang mua bán dâm tại đây. Vào thời điểm đó, bà Dung không có mặt tại khách sạn. Khi bà Dung về thì bị bắt khẩn cấp cùng 3 nhân viên khác. Cả 4 người bị khởi tố về hành vi chứa mại dâm.

Tháng 4/2003, cơ quan điều tra bắt tạm giam thêm hai nhân viên khách sạn Nguyễn Hồng Phước, Nguyễn Hùng Cường. Ngày 25/8/2003, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Bình Dương ra kết luận điều tra đề nghị VKSND tỉnh Bình Dương truy tố 6 bị can trên về tội chứa mại dâm. Ngoài ra, bà Dung còn bị đề nghị truy tố thêm về tội trốn thuế.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, cơ quan điều tra không tìm được chứng cứ thể hiện sự liên quan giữa vụ mua bán dâm với 6 đối tượng trên nên cơ quan điều tra đã thả 6 người ra với lý do “thành khẩn khai báo, không cần thiết phải giam”.

Sau đó, VKSND Tối cao cũng gởi công văn cho VKSND tỉnh Bình Dương, nêu quan điểm phải đình chỉ vụ án vì chưa đủ căn cứ truy tố các bị can.

Đã đủ để giáo dục?

Căn cứ vào hồ sơ điều tra và ý kiến chỉ đạo của VKSND Tối cao, VKSND tỉnh Bình Dương đã quyết định đình chỉ vụ án. Mặc dù vậy, cơ quan này vẫn kết luận: “Vụ án trốn thuế và chứa mại dâm khởi tố đã lâu (ngày 28/1/2003), thời gian tạm giam các bị can cũng đủ để giáo dục. Vì vậy, căn cứ khoản 1, điều 25 BLHS quyết định đình chỉ điều tra”.

Điều phức tạp đã xảy ra từ vụ án này. Nếu có đủ cơ sở xác định 6 người nêu trên phạm tội, tại sao VKSND tỉnh Bình Dương không truy tố ra trước tòa án để tòa án xét xử mà lại đình chỉ điều tra với lý do thời gian tạm giam đã đủ để giáo dục?

Mặt khác, khoản 1, điều 25 BLHS quy định: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Hiện nay tội chứa mại dâm và trốn thuế luôn là vấn đề nóng bỏng của xã hội thì không thể nói là do chuyển biến của tình hình mà tội chứa mại dâm và tội trốn thuế không còn nguy hiểm cho xã hội.

Yêu cầu thượng tôn pháp luật

Hiện tại hầu hết những người bị khởi tố trong vụ án này đều gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan thẩm quyền yêu cầu phải xử lý rõ ràng vụ việc. Nếu không đủ cơ sở kết tội, đã xảy ra oan sai thì cơ quan làm sai phải xin lỗi công khai và phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Bất kể ai cũng phải sống và làm việc theo pháp luật, điều đó không là ngoại lệ đối với cán bộ làm việc tại các cơ quan tố tụng. Vụ việc xảy ra ở Bình Dương đang đòi hỏi một cách xử lý minh bạch, thượng tôn pháp luật.

Theo Tố Bình
Người Lao Động