1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tòa khổ vì bị cáo giả điên

Gần đây, có nhiều bị cáo ra tòa bỗng đột ngột trở nên… ngớ ngẩn. Trước đó, cơ quan điều tra đưa họ đi giám định thì họ vẫn hoàn toàn bình thường.

Biết rằng việc giả điên này nhằm kéo dài vụ án, gây khó khăn cho hoạt động xét xử nhưng các tòa vẫn lúng túng…

 

Nếu cơ quan điều tra đã cẩn trọng đưa bị cáo đi giám định tâm thần và có kết quả bình thường thì không nhất thiết cứ phải hoãn xử.

 

Tòa khổ vì bị cáo giả điên - 1


 

Giả điên kéo rê vụ án

 

Ngày 15/6 tới, TAND TPHCM sẽ mở lại phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Thành Trung, bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em. Vụ án này gây ấn tượng cho nhiều người bởi tại phiên xử sơ thẩm trước, Trung đã giở trò tưng tưng, la ó liên tục, thậm chí còn lao vào đánh cả cảnh sát dẫn giải. Hội đồng xét xử đã phải hội ý và quyết định hoãn phiên xử để đi giám định tâm thần đối với Trung dù trong hồ sơ đã có kết luận giám định là Trung bình thường về mặt tâm thần. Mới đây, một lần nữa kết quả giám định cho thấy Trung hoàn toàn bình thường.

 

“Mặt dày” không kém Trung là Nguyễn Văn Hiền, người từng giở hàng loạt trò giả điên kéo dài chỉ để không phải chấp hành bản án một năm tù về tội tổ chức đánh bạc. Theo hồ sơ, Hiền có một tiền án về tội tổ chức đánh bạc năm 2002, bị phạt bốn năm tù. Ra tù, tháng 2/2010, Hiền cùng một người bạn tổ chức trường gà tại một bãi đất trống ở phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) để thu tiền xâu. Trưa 10/4/2010, Hiền và bạn đang tổ chức đá gà ăn tiền thì bị công an bắt quả tang.

 

Xử sơ thẩm hồi tháng 9/2010, TAND quận Bình Tân phạt bốn bị cáo khác từ sáu tháng đến một năm tù treo. Riêng Hiền do tái phạm nguy hiểm nên bị tòa phạt một năm tù. Sau đó, gia đình Hiền kháng cáo xin giảm án cho Hiền với lý do… Hiền đã hóa điên.

 

Đầu năm 2011, TAND TPHCM đã thận trọng hoãn xử phúc thẩm, đưa Hiền đi giám định tâm thần. Kết quả cho thấy Hiền hoàn toàn bình thường. Vậy mà đến phiên xử mở lại sau đó hai tháng, Hiền vẫn giả bộ ngu ngơ. Tòa hỏi đến đâu, Hiền cũng lắc đầu trả lời không nhớ, rồi viện lý do nhức đầu quá không trả lời được. Trước tình hình đó, tòa đành công bố các bản cung mà Hiền thừa nhận hành vi phạm tội. Tòa cũng đồng tình với VKS, bác kháng cáo và y án sơ thẩm.

 

Không nhất thiết phải hoãn xử!

 

Theo một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TPHCM, hiện tượng bị cáo ra tòa giả điên xảy ra ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi và thường được sự chỉ dẫn tỉ mỉ của người thân hay bạn tù để trốn tránh sự trừng phạt.

 

Cái khó mà các bị cáo giả điên gây ra cho tòa là việc giải quyết án phải kéo dài và tốn kém vì giám định tới giám định lui. Tuy nhiên, các bị cáo không hiểu rằng làm như thế chỉ càng gây bất lợi cho tình trạng của bản thân. Bởi lẽ tòa không chỉ dựa vào duy nhất lời khai của bị cáo để kết tội. Ngoài lời khai của bị cáo, tòa còn căn cứ vào lời khai của những người tham gia tố tụng khác như nhân chứng, người bị hại cùng những chứng cứ được thu thập một cách hợp pháp. Ngoài ra, bị cáo dùng chiêu giả điên để gây áp lực cho tòa thì sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

 

Gặp các trường hợp này, hội đồng xét xử phải thận trọng nhưng cũng phải có bản lĩnh để không để bị cáo qua mặt. Nếu trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã cẩn trọng đưa bị cáo đi giám định tâm thần và có kết quả bình thường thì không nhất thiết cứ phải hoãn xử để giám định lại.

 

Một kiểm sát viên VKSND TP cũng bày tỏ băn khoăn về chuyện các tòa cứ hoãn xử vì bị cáo giả điên dù đã có kết luận giám định rõ ràng. “Theo tôi, các tòa cứ căng theo pháp luật mà xử, không việc gì phải nhân nhượng, mất nhiều thời gian với bị cáo. Nếu các tòa không nghiêm khắc thì những chiêu giả điên sẽ ngày càng nhiều và tinh vi hơn” - vị kiểm sát viên này khẳng định.

 

Phục hồi rồi lại… điên

 

Mới đây, TAND TPHCM đã ra quyết định cho giám định tâm thần lại đối với Nguyễn Minh Tuấn, bị truy tố về hành vi giết một cháu bé năm tuổi chỉ vì tức giận nạn nhân giành bịch bánh tráng của mình.

 

Trước đây, cơ quan điều tra đã đưa Tuấn đến Viện Pháp y tâm thần trung ương - Phân viện phía Nam giám định tâm thần. Kết luận của tổ chức này là Tuấn gây án trong lúc tỉnh nên có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế do bệnh rối loạn nhân cách thực tổn sau chấn thương sọ não, hiện chưa đủ khả năng tiếp xúc làm việc. Vì thế, cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra, áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Tuấn. Sau một thời gian chữa trị, Viện Pháp y tâm thần trung ương - Phân viện phía Nam xác định Tuấn đã ổn định. Trên cơ sở đó, tháng 9/2010, công an phục hồi điều tra vụ án và áp dụng lại biện pháp tạm giam đối với Tuấn. Nhưng trong phiên sơ thẩm hồi tháng 4/2011, khi tòa vừa bắt đầu làm thủ tục thì Tuấn giở chiêu không khai được họ tên, không nhận được mặt người thân… Hội đồng xét xử đành phải hoãn xử để đưa Tuấn đi giám định tâm thần lại.

 

Thẩm phán cần có nghệ thuật xét xử

 

Có lần tôi xử một vụ bị cáo có biểu hiện giả điên, phía gia đình và luật sư liên tục yêu cầu hoãn xử để giám định tâm thần. Chúng tôi quyết định không hoãn mà vẫn tiếp tục xử. Bắt đầu phần xét hỏi, tôi không thẩm vấn mà gọi bị cáo đến động viên rồi hỏi hồi nhỏ bị cáo học có giỏi không, có nhiều giấy khen không. Bị cáo liệt kê vanh vách thành tích của mình, y chang lý lịch trong hồ sơ gia đình nộp. Chính sự tác động vào tâm lý luôn muốn được thừa nhận thành tích để hưởng tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã bắt giò được bị cáo này đang giả vờ ngớ ngẩn, cuối cùng buộc bị cáo cúi đầu nhận tội.

 

Gặp trường hợp bị cáo giả điên đòi hỏi người thẩm phán phải có nghệ thuật trong xét xử. Một khi thẩm phán đã vững tâm, tin chắc bị cáo đó chỉ giả điên thì cứ mạnh dạn xét xử, không nhất thiết phải hoãn phiên tòa. Thẩm phán có thể thẩm định sự thật khách quan của vụ án qua các chứng cứ thu thập được trong hồ sơ. Nếu bị cáo không khai báo, nói năng lung tung, ca hát… thì có thể buộc bị cáo ngồi yên và chuyển sang tác động những người tham gia tố tụng khác để làm rõ vụ án. Sau đó, hội đồng xét xử sẽ thẩm định chứng cứ, công bố các bút lục… và tiến hành trình tự xét xử bình thường dù bị cáo có trả lời, có tranh luận hay không.

 

Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG,

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM

 

Phải thận trọng, nhạy bén

 

Tôi cho rằng hội đồng xét xử phải luôn thận trọng và đánh giá đúng mức. Hội đồng xét xử phải thống nhất với nhau về việc thông qua các biểu hiện bất thường của bị cáo là biểu hiện của bệnh lý hay giả vờ để có tiến hành xét xử bình thường hay không. Điều này đòi hỏi hội đồng xét xử phải hết sức nhạy bén để đưa ra quyết định chính xác.

 

Thẩm phán VŨ PHI LONG,

Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM

 

TheoHoàng Yến

 Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm