1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tòa Hà Nội xử vụ giết người ở Đồng Tâm trong tháng 8

(Dân trí) - Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đưa ra dự kiến, trong tháng 8/2020 sẽ xét xử vụ án giết người và chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).

Sáng 6/7, báo cáo tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Tòa Hà Nội xử vụ giết người ở Đồng Tâm trong tháng 8 - 1

Ông Nguyễn Hữu Chính - Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội

Thời gian tới, ông Chính cho biết, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử hai vụ án. Vụ thứ nhất là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng BIDV. Đây là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Vụ án này tòa án nhân dân TP Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử từ 20 - 30/7/2020. 

“Vụ án thứ hai là vụ giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Vụ án này tòa án nhân dân TP Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử trong tháng 8/2020”, ông Chính nói.

Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an TP Hà Nội đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1/2020.

Tại kết luận, phía điều tra đề nghị viện kiểm sát cùng cấp truy tố 25 bị can về tội giết người gồm Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.

Cùng vụ án, các ông bà Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng bị CQĐT đề nghị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tất cả 29 bị can trong vụ đều là người thôn Hoành hoặc thôn Đồng Mít thuộc xã Đồng Tâm.

Theo kết luận điều tra, năm 1980, Thủ tướng có quyết định cấp đất cho bộ đội xây dựng sân bay Miếu Môn trong đó phần diện tích của xã Đồng Tâm là gần 48ha. Năm 2014, UBND TP Hà Nội ra quyết định giao 236ha đất tại huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) để tiếp tục sử dụng.

Trước đó ngày 8/1, nhiều bị can trong vụ tập trung vũ khí, ngủ tại nhà ông Kình và lên phương án chống trả nếu bị lực lượng công an trấn áp. Đến khoảng 3h ngày 9/1, nhóm người này livestream trên Facebook thông báo công an đang tiến về Đồng Tâm rồi mang vũ khí lên tầng 2 nhà ông Kình cố thủ; đánh kẻng báo động.

Thấy cảnh sát tới nơi, các bị can Uy, Tiến đứng trên trần nhà bắn pháo báo hiệu và cũng bắn vào phía lực lượng chức năng. Điều tra cho rằng, cảnh sát có phát loa vận động nhưng các bị can vẫn dùng bom xăng, gạch đá ném lại.

Vì vậy, một tổ công tác gồm ông Nguyễn Huy Thịnh – Phó trung đoàn trưởng E22 Cảnh sát cơ động; Phạm Công Huy – cán bộ Đội chữa cháy; Dương Đức Hoàng Quân – cán bộ E22 đã tiến vào nhà Lê Đình Hợi. 3 chiến sĩ bị Công ném lựu đạn chống trả.

Khi 3 cảnh sát trên di chuyển từ mái nhà ông Hợi sang nhà Chức đã bị Chức dùng tuýp sắt gắn dao tấn công nên bị ngã xuống hố sâu 4m. Thấy vậy, Chức lấy 1 can xăng đổ vào chậu, đưa cho bị can Doanh châm lửa.

Sau đó, Lê Đình Doanh đã đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố. Cũng theo điều tra, mỗi lần thấy lửa cháy nhỏ lại, bị can Chức lại đổ thêm xăng vào hố. Việc này chỉ chấm dứt khi một cảnh sát bắn bị thương Chức. 3 chiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân tử vong.

Trong lúc này, một tổ công tác khác tiến vào nhà ông Lê Đình Kình cũng bị ông này chống trả bằng dao làm thương tích cho 1 cảnh sát. Ông Kình cũng cầm lựu đạn đe dọa nếu cảnh sát vào sẽ ném. Vì vậy, một chiến sĩ đã bắn 2 phát súng vào ông Kình khiến người này tử vong.

Quang Phong