Toà chia nhà cho cháu, đẩy ông bà ra đường?!

(Dân trí) - Xử một vụ ly hôn 5 năm trước, TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng đã “biến” tài sản trong di chúc của bố mẹ thành tài sản của con để phân chia, khi người lập di chúc vẫn sống, không hay biết. “Sai sót” đã được thừa nhận, nhưng đòi lại công lý không dễ...

Coi người sống như đã chết

Năm 2007, khi có ý định tái lập di chúc về ngôi nhà mình đang sở hữu thì hai ông bà già 84, 85 tuổi mới ngã ngửa khi biết khối tài sản này đã được định đoạt. Ông Lưu Quý Thảo (SN 1924) và bà Nguyễn Thị Oai (SN 1925) đối mặt với khả năng bị “bốc”… ra đường.

Theo đơn kêu cứu của ông bà Thảo - Oai, năm 2002, ông bà lập di chúc lần đầu cho vợ chồng con trai là Lưu Hoàng Long và con dâu Phạm Thị Hoàng Yến ngôi nhà số 122 đường Núi Thành, Hải Châu, Đà Nẵng. Ngôi nhà vẫn đứng tên sở hữu của vợ chồng ông Thảo và hiện ông bà vẫn ở tại ngôi nhà này.

Năm 2004, anh chị Long - Yến ra toà li dị. Điều ngạc nhiên và phi lý là khi giải quyết ly hôn và chia tài sản, Toà án quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) lại đưa ngôi nhà số 122 đường Núi Thành vào tài sản chung của hai vợ chồng Long - Yến để thực hiện việc phân chia. Theo quyết định số 04/DSST của Toà án, ngôi nhà này sẽ chuyển quyền sở hữu cho con gái của anh chị Long - Yến là cháu Lưu Hoàn Mỹ.

Mặc dù vợ chồng ông Thảo còn sống, tài sản vẫn đứng tên ông bà nhưng họ lại không được mời tham dự phiên toà. Đôi vợ chồng già không ngờ có thể bị tước tài sản một cách đơn giản là bản di chúc… “phòng hờ”. “Chuyện quả là khôi hài, chúng tôi còn sống mà bị coi như người đã chết”, ông Thảo chua chát.

Năm 2007, biết việc tài sản của mình bị đem chia cho người khác, ông bà đã làm đơn khiếu nại gửi VKSND TP Đà Nẵng xem xét lại vụ việc. Nhiều lần hi vọng vì những nhận định của cơ quan thực thi pháp luật về sai phạm của TAND quận Hải Châu rồi lại chết đứng với những lý do từ chối sửa sai, đôi vợ chồng già gần như kiệt sức trên đường đi tìm công lý. Vừa qua, cụ bà Nguyễn Thị Oai đã suy sụp, tai biến khi nhận được giấy báo thi hành án.

Oan sai nhưng… quá hạn!

Bộ hồ sơ dày có không ít văn bản của các cơ quan tư pháp thành phố như VKSND, TAND xác nhận có sai sót nghiêm trọng trong quyết định “xử” ngôi nhà tại 122 Núi Thành của toà án quận Hải Châu.

Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông bà Thảo - Oai, VKSND thành phố Đà Nẵng quyết định kháng nghị một phần quyết định chia nhà đất số 04 của cơ quan xét xử cấp quận. Trong Kháng nghị, phó Viện trưởng Trần Thanh Vân khẳng định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Việc Toà án công nhận ngôi nhà thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Thảo, bà Oai là tài sản chung của vợ chồng anh Long, chị Yến là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông Thảo, bà Oai”.

Theo đó, VKSND thành phố đưa ra giải pháp đề nghị TAND Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử theo trình tự tái thẩm, huỷ phần công nhận thoả thuận về tài sản chung của vợ chồng anh Long, chị Yến.

Ngay cả TAND Đà Nẵng cũng thừa nhận nội dung sai trái trong quyết định của Toà án quận Hải Châu. Theo Chánh án TAND Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận thì việc toà Hải Châu công nhận sự thoả thuận về tài sản (nhà + đất) của ông Thảo, bà Oai là tài sản chung của vợ chồng anh Long, chị Yến là sai, bởi lẽ di chúc chưa có hiệu lực pháp luật. Thêm nữa, cơ quan này giải quyết vụ án mà không có ý kiến thống nhất của vợ chồng ông Thảo, bà Oai là vi phạm thủ tục tố tụng…

Những nhận định đem lại niềm tin cho người mất của oan đầy đủ chứng lý nhưng không hiểu sao lại lật ngược, tréo ngoe hết cả.

Chưa đầy 4 tháng sau khi ký quyết định Kháng nghị, lãnh đạo VKSND thành phố Trần Thanh Vân lại ra quyết định rút lại kháng nghị. Mặc dù Cơ quan kiểm sát án giữ nguyên nhận định rằng quyết định Toà án quận Hải Châu là không đúng, vi phạm này là do thẩm phán giải quyết vụ án thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Viện trưởng cũng lý giải rằng vụ án đã quá thời hạn để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sai lầm của cơ quan pháp luật thì đã rõ ràng khi “mở thừa kế” lúc người lập di chúc vẫn còn sống, “coi người sống như đã chết”… Tuy nhiên, cả VKS và TAND thành phố Đà Nẵng lại cùng coi sai sót của cấp dưới như việc “đã rồi”.

Không có động thái tích cực nào để giải oan cho người dân, các cơ quan tư pháp thành phố còn vin vào cớ không có tình tiết mới để xét lại bản án. Trong khi đó, theo ý kiến của nhiều luật sư vụ việc này phải được xem xét tái thẩm, bởi việc ông bà Thảo - Oai không được mời tham dự phiên tòa, không biết phán quyết của tòa án với tài sản của mình... là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án.

Hai ông bà già vẫn đang chờ đợi một động thái tích cực của cơ quan bảo vệ pháp luật cho “nỗi oan” của mình…

 

Điều 304 - Bộ luật tố tụng dân sự: Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

P.Thảo