Tờ báo đầu tiên của Hà Nội
5h sáng 10/10/1954, nhân dân thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự, theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố... kéo tới những con đường đã được báo trước đại quân sẽ đi qua.
Một ngày khó quên
8h, cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng lực lượng vũ trang dẫn đầu. Các chiến sĩ đi qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9h45 tiến vào Cửa Đông thành Hà Nội.
8h45, cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, tiến qua Bạch Mai, phố Huế, diễu quanh Hồ Gươm, rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu Đồn Thủy (Bệnh viện Hữu Nghị) và khu Đấu Xảo.
9h30, đoàn cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua phố Huế, đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10h45.
15h, còi trên nóc Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng vạn người dân Thủ đô dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Mở đầu Lời kêu gọi, Người viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào...”.
Đến tờ báo tiếp quản Thủ đô
Anh chị em Ban Tuyên huấn Thành ủy và Sở Văn hóa tề tựu trước năm cửa ô lúc mờ sáng 9/10. Mấy tổ tuyên truyền xung phong làm nhiệm vụ phổ biến chủ trương, chính sách của Ủy ban Quân chính và mời đồng bào sáng hôm sau đi đón con em trong đoàn quân chiến thắng trở về. Chiều và tối 9/10, anh em đã tập trung tại Nhà thương Đồn Thủy.
Một tờ báo mới mang tên Tin Tức của Ủy ban Quân chính ra đời. Trung ương cử nhà báo Nguyễn Thành Lê phụ trách tờ báo. Tòa soạn gồm các nhà báo: Trần Việt, Chu Hà, Nguyễn Tiêu, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương... làm bất cứ việc gì do tổ chức phân công. Từ cán bộ phụ trách đến phóng viên đều lo làm tin về công tác tiếp quản thắng lợi, viết nghị luận về đường lối, chính sách của chính quyền cách mạng, về các vấn đề trong nước và thế giới.
Tổ làm tin do nhà báo Nguyễn Tiêu, sau này là Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết, làm tổ trưởng, nhà báo Ngô Thi chuyên nghe Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, các đài nước ngoài, ghi tốc ký, làm tin...
Mờ sáng 10/10/1954, các em bán báo rao lanh lảnh, mời gọi người mua báo Tin Tức, báo Thời Mới.
Tờ báo ra hàng ngày, khổ rộng bằng tờ tuần báo hiện nay, 4 trang, in ty-pô đen trắng, rất ít ảnh. Tên báo Tin Tức in chữ to đậm, kích thước mỗi con chữ là 24mmx25mm, loại chữ có chân, nghiêm túc. Dưới tên báo Tin Tức có dòng chữ in hoa: Cơ quan của Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội.
Ngày 10/11/1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội ra mắt. Nhiệm vụ tờ báo Tin Tức hoàn thành. Nhiều cán bộ của báo chuyển sang công tác khác, một số về tờ Tin Hà Nội với danh nghĩa “Cơ quan thông tin xuất bản tại Thủ đô”, tòa soạn đặt tại số 47 Hàng Dầu. Thực chất đây là bản tin của Sở Tuyên truyền văn nghệ, sau này là Sở Văn hóa Hà Nội, đảm nhiệm. Tờ Tin Hà Nội ra đến số 311 (ngày 1/5/1956) thì ngừng vì Thành ủy chuẩn bị xuất bản Báo Thủ đô ra hàng ngày, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ thành phố Hà Nội, tiền thân của Báo Hà Nội mới.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền công tác tiếp quản, Trung ương Đảng điều đồng chí Nguyễn Thành Lê nhận nhiệm vụ Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân. Đồng chí Lê điều động một số anh chị em ở báo Tin Tức cùng sang báo Nhân Dân... gồm Trần Việt, Ngô Dư, Ngô Thi, Ngô Thị Dương...
Già nửa thế kỷ trôi qua, giờ đây, người còn, người mất, để lại bao kỷ niệm của tuổi xanh đầy nhiệt huyết, nhìn nhận những con người của lịch sử, sức mạnh của nhân dân, tinh thần bất khuất của người Việt.
Theo Thọ Cao
An ninh thủ đô