1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Tình yêu ở xóm hoàn lương

Từng là gái làm tiền, trai ăn chơi lang bạt, nghiện ngập… họ bỏ quên đi mặc cảm của quá khứ, đến với nhau bằng sự đồng cảm và tình thương yêu đủ để nương tựa vào nhau.

Nép mình dưới chân núi, bên dòng sông Cu Đê xanh ngắt, thôn Lộc Mỹ là nơi ngụ cư của những cặp vợ chồng đã bước ra khỏi lầm lỗi, làm lại cuộc đời. Họ từng là học viên của Trung tâm Giáo dục Dạy nghề 05-06 (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
 
Quá khứ không bình yên
 
Trong căn nhà tình nghĩa cũ kỹ, bà Hà Thị Thu Thủy thắp nén nhang lên bàn thờ của người chồng quá cố. Người phụ nữ đã ngấp nghé tuổi 60 này vẫn còn giữ được những nét mặn mà xuân sắc. Vợ chồng bà Thủy cùng là học viên của trại giáo dưỡng trước năm 1990. Chồng bà, ông Mai Văn Năm, từng có quá khứ ăn chơi lang bạt và bị bắt vào trung tâm.
 
Tình yêu ở xóm hoàn lương - 1
Vợ chồng ông Trần Văn Tuấn và bà Lê Thị Thủy bên nhau tạo dựng lại cuộc đời trong gian khó.
 
Bà Thủy ngậm ngùi kể về quá khứ tuổi thanh xuân của mình. Quê ở Sông Bé (cũ), gia đình giàu sang và bà rất đẹp. Gia đình ép gả bà cho một người gia đình chọn lựa. Oái oăm thay, bà và em người chồng đó đã có một mối tình nồng thắm. Sau khi có hai mặt con, chồng bà đi nước ngoài bặt vô âm tín. Người em chồng muốn nối lại tình xưa nhưng bà cự tuyệt. Không chịu nổi áp lực của hai gia đình, bà bỏ đi.
 
Đến Đà Nẵng, bà lâm vào cảnh túng thiếu và bị lừa vào động mại dâm. Quá chán nản với số phận, bà lao vào cảnh ăn chơi xa xỉ với những đồng tiền kiếm được sau những cuộc mua vui. Sau hơn 2 năm trác táng và buông xuôi số phận, bà bị đưa về giáo dưỡng tại Trung tâm 05-06.
 
Bà Thủy vẫn còn nhớ như in những ngày đầu gặp ông Năm ở trại cải tạo. Ấn tượng của bà với người đàn ông quê Duy Xuyên, Quảng Nam này là vẻ hiền hòa, chân thật. Ông Năm là trẻ mồ côi cha mẹ, có một cuộc đời đầy sóng gió, những ngày tháng ăn chơi trụy lạc. Bà hớp hồn ông Năm ngay từ ánh mắt nhìn đầu tiên.
 
Dần dần, sự chân thật của người đàn ông gốc Quảng này đã chiếm được cảm tình của bà Thủy, mang lại cho bà niềm tin về một hạnh phúc gia đình mà trước đây bà đã đánh mất. Bà bồi hồi nhớ lại: “Khi ông ấy muốn cưới tôi làm vợ, ai cũng có ý ngăn cản vì hồi đó tôi còn đẹp, ổng lại cụt chân. Ai cũng lo tôi sớm muộn rồi cũng bỏ ổng mà quay về nghề cũ thôi”. Vậy mà cặp vợ chồng ấy đã có khoảng thời gian hơn 10 năm sống hạnh phúc bên nhau.
 
Ngay bên cạnh nhà bà Thủy là cặp vợ chồng ông Trần Văn Tuấn (quê ở Huế) và bà Lê Thị Thủy (quê Hà Tĩnh). Cặp vợ chồng này cũng nảy sinh tình cảm từ những ngày sống trong trại cải tạo. “Từng trải qua quá khứ lem luốc nên tôi không nghĩ mình sẽ có được chồng và một gia đình, thế nhưng trời xe duyên cho tôi được gặp ổng” - bà Lê Thị Thủy nhớ lại.
 
Ông Tuấn thì cười hiền hòa mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm của vợ chồng ngày mới quen nhau: “Hồi đó bả khó lắm, tôi nhiều lần tỏ tình nhưng bả đều gạt phăng. Nhưng tôi quyết tâm lấy bả làm vợ nên tấn công tới cùng”.
 
Thế là trong mỗi lần lao động, ông đều kiếm cớ làm gần bà để được giúp đỡ và gần gũi. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, thế là bà Thủy gật đầu theo ông Tuấn về “dinh” chỉ với một bữa cơm sơ sài gọi là lễ cưới. Họ dựng một túp lều nhỏ ngay trong thôn Lộc Mỹ và sống với nhau hơn 23 năm nay trong hạnh phúc với 4 người con.
 
Tạo lập cuộc đời
 
Bà Hà Thị Thu Thủy dẫu đã mất chồng gần 10 năm nay nhưng vẫn quyết tâm ở lại ngôi nhà nhỏ của xóm hoàn lương này. Nhiều lần, hàng xóm khuyên bà xuống phố để bán buôn cho đỡ khổ. Phần bà Thủy vẫn quyết định ở lại mảnh đất đã cho bà sống cuộc đời hoàn lương hơn 20 năm nay. Mặc dầu phải lao động cực khổ để kiếm được những đồng tiền ít ỏi nhưng bà vẫn cảm thấy thanh thản.
 
“Xuống phố rồi liệu có thể tránh được những cám dỗ của đồng tiền, của đời sống xa hoa?”- bà tự đặt ra câu hỏi rồi vui vẻ chấp nhận cuộc sống đơn thân bên bàn thờ chồng ấm áp hương khói.
 
Chính bà Thủy cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một cặp vợ chồng hoàn lương. Thế nhưng kết cục đau buồn của họ lại do chính việc không chịu đựng được cảnh sống nghèo khổ nên quay về với quá khứ lầm lỗi.
 
Ông Trần Văn Tuấn cũng chia sẻ bao vất vả mà mấy chục năm hoàn lương, ông cùng bà Lê Thị Thủy phải chịu đựng để có cuộc sống thanh bạch. Ngày mới ra trại, vợ chồng chỉ được cho một mảnh đất dựng nhà. Từ đó, ông đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy. Còn bà theo hàng xóm đốn củi. Những ngày mưa không có việc, vợ chồng triền miên ăn rau rừng chấm nước muối pha loãng. Không ai nói ra nhưng họ âu lo, sợ sẽ có người không chịu nổi cuộc sống khó khăn bủa vây để quay lại với quá khứ đầy rẫy lỗi lầm.
 
Thế nhưng, ông Tuấn khẳng định: “Một lần lầm lỡ đã là sai phạm nghiêm trọng, tôi không muốn mình lại quay về con đường cũ”. Còn bà Thủy, mỗi khi nhắc đến những ngày khó khăn, bà đưa tay gạt nước mắt không giấu nỗi xúc động cho biết cũng đã có lúc bà nghĩ đến việc bỏ đi. Cuối cùng vì tình yêu với ông Tuấn, vì không muốn một lần nữa đi lại trên con đường nhơ nhuốc nên bà quyết tâm ở lại để xây dựng cuộc đời.
 
Bây giờ, mặc dầu vẫn sống trong nghèo khổ nhưng căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười con trẻ. Họ đã để quá khứ lầm lỗi ngủ yên, gột sạch những vết nhơ và sống cuộc đời thanh sạch.
 

 

Giúp người đồng cảnh ngộ

Đồng cảnh ngộ nên những gia đình ở xóm hoàn lương tối lửa tắt đèn có nhau. Họ đa phần sống cuộc sống nghèo khổ vì không có đất đai. Tiền làm thuê kiếm được đủ đắp đổi qua ngày. Thế nên, sự quan tâm nhau khi đau ốm là rất cần thiết. Mới đây, bà Trần Thị Minh Nguyệt, một người hoàn lương nhưng sống một mình bị ung thư vú. Không người thân, không gia đình nên bà Nguyệt được hàng xóm tận tình giúp đỡ, nhất là bà Hà Thị Thu Thủy. Bà Thủy cho biết những ngày bà Nguyệt nằm viện, bà túc trực ở bệnh viện để chăm sóc như người thân trong gia đình.

Ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng thôn Lộc Mỹ, cho hay cả thôn có 65 nóc nhà thì có đến 20 hộ là những người hoàn lương. “Những người hoàn lương sống ở thôn này đều đã đoạn tuyệt với quá khứ. Ở họ có sợi dây liên kết là cùng chung cảnh ngộ nên luôn giúp đỡ nhau mỗi khi khó khăn”.

 
Theo Bích Vân
NLĐ