1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Tỉnh nào không giảm chi tiêu sẽ trừ vào ngân sách”

(Dân trí) - “Lệnh của Chính phủ, các tỉnh phải cắt giảm chi tiêu. Nguồn ngân sách nhà nước nắm, nên không cắt giảm không được vì nhà nước sẽ trừ phần trăm ngân sách phân bổ”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.

Bên lề kì họp của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Võ Hồng Phúc đã có cuộc trả lời báo chí về các vấn đề giảm chi tiêu hành chính, cắt giảm các dự án và chính sách thuế về ô tô.

Kiến nghị Hà Nội đình lại bảo tàng Hà Nội

Thưa ông, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề ra tiêu chí cắt giảm các dự án không hiệu quả, nhưng tại sao chỉ dựa trên nguồn vốn đầu tư mà chưa có các tiêu chí khác?

Hiện nay chúng ta dựa trên tiêu chí về nguồn vốn đầu tư và thủ tục đầu tư là chính. Với các dự án khác của các DNNN, các DN này đã được phân cấp, đã có sự chủ động, họ phải làm việc này. Kênh cấp vốn chủ yếu cho DNNN là các ngân hàng và các ngân hàng thương mại quốc doanh phải biết DN nào làm ăn hiệu quả để chủ động xử lý, chứ không thể xử lý về mặt hành chính.

Đến tháng 5 các Bộ ngành, địa phương mới hoàn thành việc rà soát danh mục các dự án sử dụng ngân sách nhà nước để từ đó thực hiện việc đình hoãn, cắt giảm, dãn tiến độ. Như vậy sẽ rất chậm, thưa ông?

Ngay từ bây giờ phải thực hiện cắt giảm. Chính phủ đã tuyên bố không tăng vốn đầu tư mặc dù đơn giá xây dựng tăng. Điều này đương nhiên buộc các địa phương phải cắt giảm các công trình không hiệu quả, vì với số vốn không tăng trong khi đơn giá tăng, thì đương nhiên họ không thể rót vốn dàn trải vào nhiều dự án, mà phải tập trung cho các dự án hiệu quả. Đến tháng 5 mới báo cáo chính phủ là hợp lý vì đây là khoảng thời gian cần thiết để các địa phương triển khai và thể hiện hiệu quả cụ thể.

Khi có các dự án thuộc diện cắt giảm, nhất là các dự án lớn có công bố công khai không?

Trên cơ sở tổng hợp của các địa phương cũng sẽ công bố công khai các dự án thuộc diện cắt giảm.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã lên danh mục 7 dự án công trình lớn để cắt giảm?

Chúng tôi chưa lên danh mục, chúng tôi kiến nghị những dự án lớn chưa khởi công thì xem xét tiến độ khởi công thế nào cho hợp lí.

Các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ được đánh giá cao, nhưng vấn đề là ở năng lực thực hiện. Nhiều người lo ngại các Tổng Cty, các tỉnh không cắt giảm chi tiêu?

Lệnh của Chính phủ, các tỉnh phải cắt giảm chi tiêu. Nguồn ngân sách nhà nước nắm, nên không cắt giảm không được vì nhà nước sẽ trừ phần trăm ngân sách phân bổ, chẳng hạn trừ chi tiêu thường xuyên 10%. Còn chi đầu tư thì không tăng. Với các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có biện pháp chỉ đạo, yêu cầu họ rà soát lại và sau này sẽ đi kiểm tra. Nếu dự án nào không hiệu quả vẫn đầu tư thì doanh nghiệp nhà nước đó phải chịu trách nhiệm.

Trong số các biện pháp giảm đầu tư công có đề cập việc đình hoãn xây dựng nhà bảo tàng. Với Bảo tàng Hà Nội thì sao?

Trong tình hình này, Chính phủ cho rằng tất cả những dự án chưa cấp bách chưa khởi công thì đình hết, dù là bảo tàng nào.

Nhưng Hà Nội cho rằng, đây là công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long?

Theo chúng tôi, Hà Nội nên đình lại vì lợi ích chung của đất nước. Chúng tôi kiến nghị Hà Nội cần đình lại.

Còn Nhà Quốc hội, quan điểm của Chính phủ như thế nào?

Chính phủ đã trình Quốc hội phương án đầu tư, phương án kiến trúc của Nhà Quốc hội, việc quyết định tùy thuộc Quốc hội.

Lượng vốn chúng ta có thể tiết kiệm và chống thất thoát, nếu đem ra đầu tư có thể tạo ra mấy đơn vị GDP?

Cái đó phải có phép tính cụ thể, chúng tôi không thể trả lời ngay được.

Chính sách thuế ô tô phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh hơn

Việc tốc độ tăng trưởng Công nghiệp vừa qua giảm có phải do thắt chặt tín dụng không và liệu có khả năng hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ bị suy thoái không?

Không phải như vậy vì doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu tiên. Trong các giải pháp của Chính phủ, giải pháp thứ 6 là khuyến khích sản xuất và đầu tư phát triển đặc biệt là vùng tư nhân. Những tín dụng lành mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát triển, Chính phủ vẫn khuyến khích.

Nhưng lãi suất cao, doanh nghiệp không chịu nổi?

Trong điều kiện kinh tế lúc này, doanh nghiệp phải tìm cách để huy động các nguồn vốn khác, đặc biệt là nguồn vốn tự có của mình. Cái chính chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp phải bỏ vốn tự có bằng cách thành lập các Cty cổ phần, huy động vốn công chúng để cùng tham gia đầu tư phát triển. Tình hình hiện nay nếu chúng ta vẫn tăng tín dụng thì vẫn tăng lạm phát.

Việc nhập siêu thời gian qua của chúng ta có nguyên nhân từ AFTA hay từ WTO?

Không phải chúng ta nhập siêu trong AFTA hay WTO mà hiện nay nhập siêu của chúng ta do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là yếu kém của nền kinh tế. Thứ nữa, trong kiểm soát nhập khẩu thì ta có chính sách nhập khẩu chưa cưỡng bức. Chẳng hạn như ô tô, khi phát hiện ô tô tăng trưởng như vậy đáng lí ra chúng ta phải đưa ra một thuế suất hợp lí cho tất cả, kể cả ô tô nguyên chiếc, ô tô nhập khẩu linh kiện vì lượng tăng đó linh kiện là nhiều. Chính sách thuế phải có những cái hợp lí hơn, ví dụ, ô tô phải đưa các biện pháp để hạn chế tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc ô tô nhập về dù là linh kiện hoặc nguyên chiếc khi đưa ra vận hành phải có phí nào đó. Nhìn sang Singapore, thuế nhập khẩu ô tô của họ rất thấp nhưng để đảm bảo ô tô lăn bánh được thì phí rất cao có thể gấp 3-4 lần giá trị ô tô.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, chúng ta không có quan điểm nhất quán về thuế ô tô nên đã thay đổi để điều chỉnh theo những mục tiêu ngắn hạn, chưa có chính sách lâu dài?

Đúng là trong lĩnh vực ô tô, tôi cho rằng, thuế nhập khẩu, một số cái xử lí chưa đúng mức và chưa có tính chiến lược. Đáng lẽ ra, chúng ta phải tính toán về chiến lược, trong điều kiện cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa phát triển và để huy động tiền đó đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì chúng ta chưa tính điều đó. .

Có nhiều ý kiến, thậm chí ngay ý kiến của Bộ Công thương cho rằng, chương trình nội địa hoá của chúng ta là thất bại, trong khi đó chính sách thuế lại tiếp tục việc bảo hộ. Như thế có phải là một sai lầm không?

Chúng tôi cho rằng, cần bảo hộ, nhưng ở mức độ hợp lí và cần tính toán quyền lợi người tiêu dùng. Bảo hộ quá mức, họ ỉ lại, phản lại tác dụng nội địa hoá. Theo tôi phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh hơn, cần đưa ra thuế nhập khẩu hợp lí giữa bộ linh kiện và ô tô nguyên chiếc. Đặc biệt, nếu muốn tăng nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường