1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tình làng nghĩa xóm ở xóm... Tây

Dân Hà Nội gọi đây là xóm Tây vì có nhiều người nước ngoài với đủ quốc tịch sinh sống. Cứ vào thứ sáu đầu mỗi tháng, bữa tiệc First friday party lại diễn ra đều đặn và luân phiên tại các gia đình trong “làng”.

Chúng tôi được đến tham dự buổi First friday party (tiệc ngày thứ sáu đầu tháng) ở xóm Chùa nằm bên bờ hồ Tây (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) tại gia đình Jim và Mary Packard - Winkler.

 

Họ cùng hai con từ Mỹ mới qua và gia nhập xóm này. Đây là buổi ra mắt đầu tiên của họ với cộng đồng xóm.

 

Bữa tiệc bắt đầu lúc 18h với khoảng 50 người tham dự, là những người trong các gia đình người nước ngoài lẫn người Việt Nam trong xóm. Bàn tiệc vì thế mà cũng như cả một thế giới hội tụ: Ngoài món Việt như nem, chả cá, chả lụa... thì mỗi gia đình tự mang đặc sản của dân tộc mình đóng góp, đủ cả Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan... Bọn trẻ đủ quốc tịch cũng có một khu riêng để chí chóe và rất nhanh chóng làm quen nhau.

 

“Như người Việt trong một làng”

 

Chị chủ nhà Mary tất tả lo phần hậu cần, tiếp thức ăn cho mọi người. Chị xoa tay vào tạp dề, cười rất tươi: “Thật là tuyệt. Vợ chồng tôi rất bất ngờ và thú vị với bữa tiệc họp mặt đầu tháng và sinh hoạt tình làng xóm như một ngôi “làng” ở đây”. Đã thành lệ, mỗi khi xóm có thành viên mới, dù là người Việt hay người nước ngoài, đều có thủ tục “chào sân” như thế để ra mắt mọi người.

 

Bà Consuelo đến từ Ecuador chia sẻ: “Tôi đã sang Việt Nam được 5 năm cùng với chồng. Chúng tôi đã ở xóm Chùa này”. Bà bảo ban đầu rất nhớ các con và cô đơn nhưng qua những bữa họp mặt, bà đã có thêm rất nhiều bạn hàng xóm, “chào hỏi và giúp đỡ nhau như những người Việt trong một làng”. Bà bảo đó là không khí thân thiện không phải ở đâu trên thế giới này cũng có được. 

Không khí bữa tiệc rất thân thiện. Sau phần chủ nhà tự giới thiệu về mình, “đăng ký” trở thành một thành viên mới của “làng”, mọi người đến bắt tay chúc mừng thành viên mới. Họ trò chuyện, chia sẻ với nhau về công việc, về cuộc sống gia đình, về những đứa con...

 

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cũng là một thành viên của xóm này. Hồi cuối năm 2006 gia đình bà đăng ký mở tiệc, có hơn 80 “đại biểu xóm”, cả người lớn và trẻ con tham dự. “Chúng tôi là một thành viên của xóm và những người nước ngoài ở đây coi xóm này là một bộ phận của làng xóm Việt Nam mình. Họ muốn được sống trong không khí tình làng nghĩa xóm của người Việt. Điều đó thật đáng quí” - bà nói.

 

Tình... quốc tế!

 

Tình làng nghĩa xóm ở xóm... Tây - 1

Bọn trẻ cũng được phục vụ chu đáo. 

 

Bữa tiệc First friday lần đầu tiên ở xóm Chùa được tổ chức cách đây hai năm với sự tham dự của hơn 30 người nước ngoài lẫn người Việt Nam. Khởi xướng bữa tiệc First friday là anh Bruno Moser, người Thụy Điển, chuyên gia ngành tài chính công, có vợ là người Mỹ.

 

Anh nói: “Làng của chúng tôi có rất nhiều người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau cùng sinh sống với người Việt Nam. Tất cả đều xa nhà, nếu như có một sự gặp gỡ, liên kết lẫn nhau giữa những con người xa lạ để có thêm những người bạn mới hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau cùng với người dân địa phương thì thật tuyệt vời”.

 

Với suy nghĩ ấy, vợ chồng anh khởi xướng một buổi gặp mặt. Buổi gặp mặt ấy duy trì cho tới hôm nay và trở thành bữa tiệc cộng đồng truyền thống.

 

Anh Bruno là người giữ danh sách tất cả 52 gia đình trong xóm, địa chỉ email, số điện thoại, số nhà... và thông báo những tin tức cần thiết cho mọi gia đình.

 

Một lần, trong “làng” bị mất một chiếc xe đạp. Vậy là cả xóm được thông báo để mọi người cùng... đề phòng. Một gia đình chuyển đi, họ sẽ để lại thông tin về ngôi nhà mình đang thuê để người khác đến được rõ. Các gia đình ở đây còn báo cho cả xóm biết những đồ thanh lý còn tốt để mọi người có thể mua; giới thiệu cho nhau những người đồng sự tin cậy hoặc người giúp việc giỏi giang...

 

Khi có ai đó ốm đau, các gia đình khác sẽ cử ngay đại diện đến thăm và đóng góp tiền giúp đỡ nếu gia đình đó đang gặp khó khăn. Mỗi lần có dịp về nước hoặc các gia đình Việt về thăm quê, có miếng ngon họ lại “thơm thảo” biếu nhau cùng thưởng thức.

 

Khi có thành viên là gia đình người Việt gửi thiệp mời đám cưới, tiệc mừng sinh nhật, lễ thượng thọ, giỗ chạp... những người trong “làng” đều sắp xếp công việc đến dự. Thậm chí các “công dân quốc tế” này còn cùng tham gia cả việc đón, đưa dâu trong tiệc cưới dù bất đồng ngôn ngữ “nhưng rất vui”, bà Consuelo nói.

 

Mới đây, gia đình ông Hiểu, một người dân trong xóm Chùa, còn nhận cả một gia đình người Thụy Điển làm con nuôi sau một thời gian gặp gỡ, hiểu biết nhau. Những người con nuôi Thụy Điển của ông rất tự hào về điều này.

 

Người ta vẫn nghĩ: Đời sống hiện đại khiến con người ít có cơ hội gần gũi, chia sẻ với nhau. Ở xóm Chùa này thì khác, họ đều là những người hiện đại, có công việc tốt, sống dư dật và giàu có hơn nhiều nơi khác một điều: tình làng nghĩa xóm.

 

Theo Vũ Bình, Khương Xuân
Tuổi Trẻ