1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lâm Đồng:

Tìm thấy 3 nạn nhân cùng một gia đình tử nạn vì chìm bè

(Dân trí) - Sáng 4/9, Công an huyện Di Linh xác nhận, lực lượng chức năng huyện này đã tìm thấy 3 người mất tích trong vụ chìm bè trên sông Đạ Dâng (thượng nguồn sông Đồng Nai).

Khu vực xảy ra vụ lật bè khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng
Khu vực xảy ra vụ lật bè khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng

Như đã đưa tin, vụ việc xảy ra vào sáng 1/9. Một nhóm gồm 12 người, trong đó có anh Nguyễn Văn Quảng (26 tuổi), chị Vũ Thị Bích Tuyền (23 tuổi, vợ anh Quảng) và chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (24 tuổi, em ruột anh Quảng, cả 3 cùng ngụ xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lên chiếc bè tự chế được kết bằng 14 chiếc thùng phuy để qua sông Đạ Dâng sang làm rẫy tại xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà). Ngoài 12 người, trên bè còn chở 7 chiếc xe máy.

Khi cách bờ gần 10m thì bất ngờ chiếc bè gặp phải sóng to làm lật nhào. Những người biết bơi vùng vẫy bơi được vào bờ thoát nạn. Riêng vợ chồng anh Quảng và chị Huyền bị nước cuốn trôi. Khi xảy ra sự cố, nhiều người cố gắng tìm cách cứu nạn nhân nhưng bất thành.

Sau khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn. Đến chiều 1/9, thi thể anh Quảng được tìm thấy đưa về gia đình lo hậu sự. Hai ngày sau đó, xác chị Tuyền và chị Huyền cũng được lực lượng cứu hộ vớt được cách nơi xảy ra vụ chìm bè vài trăm mét.

Ông bà Nguyễn Văn Bê, người vừa mất đi 2 người con ruột và con dâu như ngây dại, giọng ông như lạc đi và không thể nói thành lời.

Theo một nguồn tin, chiếc bè xảy ra sự cố do một nhà tài chợ cho người dân làm phương tiện qua lại trên sông để thuận tiện trong việc đi làm nương rẫy. Chiếc bè được cố định với một sợi dây thép căng ngang sông, người dân theo đó sẽ đến được bờ bên kia và ngược lại.

Ông Nguyễn Quang Thống - Trưởng Công an huyện Di Linh cho biết, trước đây, địa phương cũng đã tổ chức rà soát, kiểm tra và cũng đã phát hiện có một số bến đò tự phát dọc sông Đồng Nai (thuộc địa bàn hai xã Đinh Lạc và Phú Hiệp) không đảm bảo an toàn. Chính quyền cũng đã tổ chức vận động người dân không nên sử dụng loại hình lưu thông này. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế qua lại để làm ăn giữa hai bên sông của người dân khá lớn, đường bộ thì phải đi vòng khá xa (khoảng 40km) nên tình trạng người dân tự kết bè tạm bợ để vượt sông vẫn xảy ra mà rất khó quản lý.

“Sắp tới, để bảo đảm an toàn cho người dân, chúng tôi sẽ kiến nghị phải có biện pháp giải quyết khó khăn về đi lại ở khu vực này cho bà con. Riêng với gia đình nạn nhân có người thiệt mạng, UBND huyện cũng đã đến thăm viếng và hỗ trợ 10 triệu đồng để lo hậu sự” - ông Thống chia sẻ.

Trung Kiên