1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần Thơ:

Tìm phương án xử lý tro bay từ nhà máy xử lý rác sinh hoạt

(Dân trí) - Nhà máy xử lý rác Cần Thơ sau khi đưa vào hoạt động 2 tháng nay, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý hơn 400 tấn rác thải. Sau khi xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, lượng tro xỉ còn lại khoảng 18 - 20%, còn tro bay là hơn 4% (15 – 18 tấn/ngày). Hiện nay kho chứa tro bay đã hết chỗ và chưa có phương án xử lý lượng tro này.

 

Tìm phương án xử lý tro bay từ nhà máy xử lý rác sinh hoạt - Ảnh 1.

Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (bên phải) đang kiểm tra và bàn giải pháp xử lý lượng tro bay với lãnh đạo nhà máy rác Cần Thơ

Liên quan đến việc này, ngày 14/1, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đã đến  kiểm tra và giải quyết việc xử lý tro xỉ của Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ).

Theo báo cáo của đại diện nhà máy xử lý rác Cần Thơ thì từ khi đi vào hoạt động cách đây hai tháng, mỗi ngày nhà Nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ tiếp nhận xử lý hơn 400 tấn rác thải. Sau khi xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, lượng tro xỉ còn lại khoảng 18 - 20% còn tro bay là hơn 4% (15 – 18 tấn/ngày).

Số tro xỉ được bán cho các đơn vị có nhu cầu để san lấp mặt bằng. Nhưng tro bay, phía nhà máy vẫn đang tìm phương án xử lý. Số tro bay này vẫn đang được chứa trong kho của nhà máy. Tuy nhiên, sức chứa của nhà kho có hạn nên nếu không được xử lý kịp thời thì lượng tro bay phát sinh trong thời gian tới sẽ không còn chỗ chứa.

Tìm phương án xử lý tro bay từ nhà máy xử lý rác sinh hoạt - Ảnh 2.

Nhà máy rác Cần Thơ được khánh thành và đưa vào vận hành hôm 15/10/2018

Ông Đào Anh Dũng – Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành và nhà máy tính toán để tham mưu, đề xuất phương án cho UBND thành phố. “Thành phố sẽ không nhắc lại vấn đề này, nếu kho chứa tro bay đầy mà vẫn chưa có giải pháp xử lý thì các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm.”- Ông Dũng nhấn mạnh.

Nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ được khởi công vào ngày 30/6/2017 do Tập đoàn China Everbright Quốc tế làm chủ đầu tư. Đến ngày 15/10/2018, chính thức được khánh thành và bắt đầu tiếp nhận rác để vận hành thử nghiệm.

Dự án nằm trên diện tích 5,3 ha, với tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu Kwh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm.

Hoàng Tùng