1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tìm nguyên nhân kênh Nhà Lê bị "nhuộm" đen bất thường

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Người dân phát hiện nước trên kênh Nhà Lê bị "nhuộm" một màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nống nặc. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân tích, tìm nguyên nhân.

Tìm nguyên nhân kênh Nhà Lê bị nhuộm đen bất thường - 1

Dòng nước trên kênh Nhà Lê bị "nhuộm" đen khiến người dân lo lắng.

Ngày 13/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Nghi Lộc, Nghệ An xác nhận, ngay sau khi nhận được thông tin dòng kênh đổi màu đen kịt, đơn vị đã trực tiếp kiểm tra. Chi cục môi trường thuộc Sở TN-MT Nghệ An và Cảnh sát môi trường tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu để phân tích làm rõ nguyên nhân hiện tượng bất thường này.

Tìm nguyên nhân kênh Nhà Lê bị nhuộm đen bất thường - 2

Không chỉ đổi màu bất thường, nước kênh còn bốc mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Trước đó, người dân phát hiện nước trên dòng kênh Nhà Lê đoạn chảy qua địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc bỗng chuyển màu đen đặc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thông tin sau đó được báo đến cơ quan chức năng.

Theo quan sát của phóng viên, đến ngày 13/4, nước trên dòng kênh đã trở về khá bình thường. Người dân nơi đây nhận định, có thể chất thải đã lắng xuống phía dưới nên nước không còn đen đặc. Người dân đi dọc theo kênh nhưng chưa phát hiện điểm xả thải.

Kênh Nhà Lê được đào từ thời Tiền Lê và được các triều đại về sau đào đắp liên tục, tạo nên tuyến đường thủy liên hoàn từ tỉnh Ninh Bình vào Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đoạn kênh tại Nghệ An dài 128km, xuyên suốt qua thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và TP Vinh.

Tìm nguyên nhân kênh Nhà Lê bị nhuộm đen bất thường - 3

Kênh Nhà Lê là dòng kênh có lịch sử lâu đời.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kênh Nhà Lê tại Nghệ An là tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí... từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Quá trình bám tuyến, bám kênh chống phong tỏa, rà phá bom mìn, nạo vét luồng tuyến… trên tuyến kênh này, 130 cán bộ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Ngày 7/7/2016, Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với kênh Nhà Lê tại Nghệ An.