1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Tìm hướng xử lý vướng mắc tại nhà máy rác duy nhất của tỉnh

(Dân trí) - Người dân xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đề nghị phải kiểm tra lại số hộ dân có nhà ở nằm trong khoảng cách 1.000 m so với nhà máy xử lý rác. Đồng thời, đề nghị chính quyền phải có giải pháp cung cấp nguồn nước sạch, kiểm tra lại tình trạng khu vực xử lý rác bốc mùi hôi thối trước khi đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Ngày 24/5, UBND huyện Tư Nghĩa tổ chức đối thoại với người dân xã Nghĩa Kỳ về những vướng mắc liên quan đến nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ.

Tìm hướng xử lý vướng mắc tại nhà máy rác duy nhất của tỉnh - 1
UBND huyện Tư Nghĩa đối thoại với người dân xã Nghĩa Kỳ để giải quyết những vướng mắc liên quan đến nhà máy xử lý rác duy nhất của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Tư Nghĩa, qua khảo sát có 21 hộ dân có nhà ở cách hàng rào nhà máy xử lý rác dưới 1.000 mét. Do đó, huyện đã có quyết định di dời, tái định cư đối với 21 hộ dân này.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Tư Nghĩa, kết quả xét nghiệm, phân tích 28 mẫu nước của các hộ dân có 3 mẫu nước đạt quy chuẩn. Đối với 25 mẫu còn lại có từ 1 đến 3 chỉ tiêu không đạt yêu cầu.

Tìm hướng xử lý vướng mắc tại nhà máy rác duy nhất của tỉnh - 2
Người dân yêu cầu phải xử lý dứt điểm một số vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường trước khi đưa nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động

Tại buổi đối thoại, người dân xã Nghĩa Kỳ tiếp tục phản ánh, đề nghị chính quyền các cấp phải giải quyết thỏa đáng một số vấn đề. Trong đó, người dân cho rằng cần phải khảo sát lại vì thực tế có nhiều hơn 21 hộ có nhà ở cách hàng rào nhà máy xử lý rác dưới 1.000 mét.

Những hộ dân không được tái định cư đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm, đặc biệt là nguồn ô nhiễm từ nghĩa địa của TP Quảng Ngãi. Người dân cũng phản ánh, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chỉ mới hoạt động thử nhưng đã xuất hiện khói đen, mùi hôi thối. Người dân cho rằng, những kiến nghị chính đáng về vấn đề môi trường phải được xử lý triệt để, nếu không sẽ tiếp tục chặn xe rác khi nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động.

Một số kiến nghị của người dân đã được giải đáp ngay tại buổi đối thoại. Cụ thể, hiện Công ty cấp thoát nước Quảng Ngãi đã khảo sát để xây dựng bể chứa nước sinh hoạt cho người dân gần khu vực nhà máy rác. Tuy nhiên, khu vực này không có nguồn nước nên phải đưa nước từ nơi khác đến nên chưa thể khẳng định thời gian cấp nước sạch cho người dân.

Việc nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ đang chạy thử đã xuất hiện khói đen, mùi hôi thối là vì nhà máy dùng rác cũ để xử lý. Do đó, trong quá trình lấy rác đã xuất hiện mùi hôi. Hiện nhà máy đang hoạt động thử nghiệm nên chủ đầu tư sẽ tiếp tục kiểm tra, khắc phục một số tồn tại như phản ánh của người dân.

Kết luận buổi đối thoại, ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa giao các cơ quan chức năng của huyện tiến hành kiểm tra, xác định lại số hộ dân nằm trong phạm vi 1.000 m tính từ hàng rào nhà máy xử lý rác thải.

Đối với 21 hộ dân phải di dời, sau khi được tái định cư thì diện tích đất vườn cũ của các hộ dân này chỉ được dùng để sản xuất, không được ở. Đối với những vấn đề liên quan đến nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, ông Thành ghi nhận và sẽ đề nghị tỉnh kiểm tra, thẩm định trước khi nhà máy chính thức hoạt động.

Tìm hướng xử lý vướng mắc tại nhà máy rác duy nhất của tỉnh - 3
Bãi rác bị "phong tỏa" khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 6/7/2018, người dân đã chặn xe chở rác vì quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm. Từ đó đến nay, toàn bộ rác thải của TP Quảng Ngãi phải được đưa về tập kết tại bãi rác Đồng Nà (TP. Quảng Ngãi). Đối với rác thải của các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành thì các huyện tự tìm nơi chôn lấp tạm. Điều này đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số địa phương suốt một thời gian dài.

Quốc Triều