Nghệ An:
Tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi
(Dân trí) - Gần 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Gần 30 năm tìm kiếm. Gần 12.000 hài cốt liệt sĩ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào đã được đưa về đất mẹ.
Ngày 18/4/1984, nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập phần mộ các liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên các chiến trường Lào về quê hương, Bộ tổng tham mưu, Tư lệnh Quân khu IV đã quyết định thành lập 2 đội quy tập, làm nhiệm vụ tại các tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Bôlykhămxay và Khăm Muộn. Đây được xác định là các vùng chiến trường chính có khoảng hơn 13.000 liệt sĩ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ban đầu hai đội chỉ có khoảng 40-50 người. Đến nay toàn đoàn đã có 4 đội 100 chiến sỹ.
Trung tá, Đoàn Phó quân sự, Đoàn quy tập mộ liệt sỹ - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, Hoàng Ngọc Lân, cho biết: “Trước đây, tình hình an ninh ở nước bạn Lào còn phức tạp, nạn phỉ hoành hoành, công việc tìm kiếm hết sức nguy hiểm, gian khổ. Bên cạnh khắc phục những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, địa hình, chúng tôi phải tránh va chạm với các toán phỉ hoạt động mạnh ở các vùng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng - là nơi có nhiều liệt sĩ Việt Nam đang được mai táng tại đây”.
Từ năm 1984-2000, đoàn quy tập đã tìm kiếm và cất bốc được gần 7.000 hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước, chỉ hơn 10 năm, đã có hơn 5.000 bộ hài cốt được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ ở Nghệ An. Đó là thành quả của cả một quá trình vượt hiểm nguy, gian khó của những thành viên trong đoàn. Những hiểm nguy đánh đổi bằng xương thịt, bằng máu và cả bằng tình mạng của chiến sỹ trên hành trình đi tìm đồng đội.
Gần 12.000 ngôi mộ đã được tìm thấy, được trở về với đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm lại trong rừng sâu núi thẳm của nước bạn Lào mà đoàn quy tập đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Hầu hết các đợt quy tập đều diễn ra vào mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa, 50% chiến sỹ trở về Việt Nam tiếp tục huấn luyện. Còn 50% chiến sỹ còn lại, ở lại để giúp nước bạn xây dựng cơ sở và đi bắt mối tìm hiểu thông tin và làm công tác dân vận, để đến mùa khô lại tiếp tục cuộc tìm kiếm và cất bốc mộ liệt sỹ.
“Khó khăn nhất là hầu hết các phần mộ, các nghĩa trang đều nằm trong rừng sâu, phải hành quân bộ cả ngày đường mới tới nơi. Anh em vừa đi, vừa mở đường. Mấy chục năm trời, địa hình thay đổi do mưa gió bào mòn, các phần mộ trôi đi hoặc bị san phẳng, không giống với sơ đồ đã được cung cấp. Gần như chúng tôi phải dò dẫm giữa thăm thẳm rừng già để tìm kiếm với hành trang duy nhất là sức người, là nghĩa tình với người đã ngã xuống”, Trung tá Hoàng Ngọc Lân tâm sự.
Với tấm sơ đồ cũ mòn trong tay, với những thông tin ít ỏi chắp nối từ đồng bào bản địa cung cấp, đoàn quy tập phải tự lần mò. Chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều nhưng bom đạn còn sót lại không hề ít. Những bãi mìn, bãi bom bi như những chiếc bẫy giăng ra thử thách lòng dũng cảm và kiên trì của những người đi tìm đồng đội. Chỉ cần một nhát cuốc bổ xuống không đúng cách, hay chiếc xẻng bị dẫm quá sâu, tiếng nổ sẽ vang lên…Để đảm bảo an toàn, có những khu vực từng là chiến trường giao tranh ác liệt giữa lực lượng giải phóng và địch, các thành viên của đội quy tập phải cẩn thận xúc từng lớp đất mặt đổ đi rồi mới có thể thực hiện công việc tìm kiếm, cất bốc.
Gần 12.000 hài cốt tìm thấy nhưng chỉ có khoảng gần 30% xác định được tên tuổi, địa chỉ cụ thể. Đồng nghĩa với chỉ khoảng 300 liệt sĩ được trở về trong vòng tay của người thân. Còn lại, đều nằm trong các nghĩa trang liệt sĩ với tấm bia mộ “liệt sĩ chưa biết tên”.
Đó là cả một nỗi niềm đau đáu của những người làm công tác quy tập. Bởi vậy, bên cạnh tìm kiếm, cất bốc các phần mộ, để thuận lợi hơn cho công tác xác định nhân thân, quê quán của các liệt sĩ, các chiến sỹ quy tập chú tâm hơn vào việc tìm kiếm các di vật nằm cùng phần mộ. Biết đâu, với những di vật đó, sẽ là những mấu chốt quan trọng để trả lại tên cho các liệt sĩ đang gắn với những tấm bia vô danh trong các nghĩa trang.
Hơn 1.000 hài cốt chưa được tìm thấy thực sự là thử thách rất lớn. Những phần mộ nằm ở địa hình thuận lợi đã được cất bốc hết. Các phần mộ còn lại đó đều tập trung ở các địa bàn cực kỳ khó khăn. Thời gian trôi qua quá lâu, sự bào mòn của gió mưa đã khiến các ngôi mộ bị xê dịch đi rất nhiều so với những sơ đồ mộ chí mà đồng đội các bác cung cấp. Hoặc cũng có thể các ngôi mộ đó đã bị san phẳng, cuốn trôi.
“Thời gian trôi đi, những nhân chứng, những người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ đã già đi hoặc không còn. Bởi vậy chúng tôi đang cố gắng từng ngày để gấp rút tìm được các phần mộ. Nếu chậm đi một chút thôi, có thể những manh mối ít ỏi nhất cũng có thể sẽ không được tìm thấy”. Trung tá Hoàng Ngọc Lân, suy tư.
30 năm gian khổ, hy sinh. Có được những thành công như ngày hôm nay Đoàn quy tập mộ liệt sỹ - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, đã nhận được nhiều sự giúp đỡ chí tình, sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền các cấp, bà con các dân tộc Lào, đặc biệt, là của những người đã từng đối kháng với lực lượng quân giải phóng. Cũng ngần ấy thời gian, đã có 9 sỹ quan và chiến sỹ ngã xuống vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Nhưng hành trình tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống hôm qua vẫn còn rất nhiều gian khó vì còn hơn 1000 liệt sỹ tại Lào vẫn chưa tìm thấy mộ. |
Nguyễn Duy - Quỳnh Thương