1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Tìm chủ nhân cuốn nhật ký hơn 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ

(Dân trí) - Minh Tiền, Xuân Trường, Minh Nghĩa… là những địa danh được nhắc đến trong cuốn nhật ký của một liệt sĩ Việt Nam đã bị lưu lạc hàng chục năm trên đất Mỹ. Những địa danh này khiến hành trình trở về của cuốn nhật ký đến tay người thân liệt sĩ gần hơn.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, nhân chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đã trao cho Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 2 kỷ vật đặc biệt của người chiến sĩ Việt Nam hi sinh trong chiến tranh, đó là cuốn nhật ký và một chiếc thắt lưng. Ông Ashton Carter cho biết, quân đội Mỹ mong muốn và hy vọng những kỷ vật này sẽ được trao trả về cho người thân chủ nhân cuốn nhất ký.

a-9e58e
b-58e1f
Cuốn nhật ký hơn 40 năm lưu lạc trên đất Mỹ (Ảnh: CTV)

Cuốn nhật ký nhỏ bằng lòng bàn tay với những trang giấy ố vàng và thấm máu nhưng những dòng chữ vẫn còn rất rõ ràng. Những thông tin như “Nguyễn Văn Nam, Xuân Trường, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa… Mến gửi em Hà Thị Rốt, trường Trung cấp nông nghiệp Hậu Lộc; Phạm Thị Lịch, giáo viên trường trung cấp 1, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa…” đã phần nào hé lộ về chủ nhân của cuốn nhật ký.

“Nhật ký đó là của anh tôi”!

Đó là câu khẳng định của ông Nguyễn Văn Chinh (trú tại xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống- Thanh Hóa). Sau khi nghe thông tin trên truyền hình. Xem những thông tin được viết trong cuốn nhật ký, ông vô cùng xúc động khi biết rằng đó chính là kỷ vật của anh trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Nam - người được cho là chủ nhân của cuốn nhật ký được Mỹ trao lại cho Việt Nam.

Để chứng minh điều đó, ông Chinh cho biết nét chữ trong cuốn nhật ký giống với nét chữ của người cha quá cố và người em út trong nhà. Những tên đất, tên làng như Minh Tiền, Minh Trường, Minh Nghĩa cũng "không lẫn vào đâu được". Tên người được nhắc đến trong cuốn nhật ký như cô Phạm Thị Lịch, cô Hà Thị Rốt là hai người con gái từng sinh sống trong nhà và là hàng xóm với gia đình ông thuở xưa.

 

01-46b47
Ông Chinh bên di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Nam

“Đó là những địa danh của quê hương tôi, nếu không phải người nơi đây thì không thể biết được. Trước đây làng Xuân Trường, xã Minh Nghĩa có 4 thôn nhỏ, trong đó có thôn Minh Tiền. Hai người con gái được nhắc đến trong cuốn nhật ký là những người không chỉ anh tôi mà ngay cả bản thân tôi cũng biết rất rõ”- ông Chinh nói.

Rồi ông cho hay chị Hà Thị Rốt là người thôn Minh Châu (làng Xuân Trường), hiện đã lấy chồng về huyện Hoằng Hóa. Ngày đó, chị Rốt và liệt sĩ Nam cùng sinh hoạt đoàn thanh niên với nhau. Còn cô Phạm Thị Lịch là người ở xã Trung Thành, huyện Nông Cống (giờ đã theo chồng vào Nam). Ngày đó, cô Lịch dạy học tiểu học ở làng và ở trọ ngay tại gia đình ông hơn 1 năm.

Ông Chinh cho biết, liệt sĩ Nam sinh năm 1952, trong gia đình có 6 anh chị em và anh là con thứ 2 trong nhà. Năm 1969, chưa tròn 18 tuổi, anh đã đăng ký lên đường ra chiến trường.

Ông Nguyễn Văn Cần, em út của liệt sĩ Nam hồi tưởng: “Ngày anh tôi lên đường, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh anh tôi khoác chiếc ba lô trên vai, trên người choàng thêm lá cờ đỏ sao vàng. Đoàn quân hô vang hai từ quyết thắng lúc rời làng”.

Sau 3 tháng huấn luyện tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), anh được biên chế vào Sư đoàn 338 lên đường vào Nam chiến đấu tại chiến trường Tây Nam Bộ

“Đất nước thống nhất, bố mẹ tôi mong ngóng anh về nhưng không thấy, dò hỏi khắp nơi cũng không có tin tức gì về anh. Mãi cho đến đầu năm 1976, gia đình tôi nhận một lúc hai tờ giấy báo tử, một của anh Nam và một của anh cả là liệt sĩ Nguyễn Văn Việt đều hy sinh trong chiến trường phía Nam. Thương con, mẹ tôi khóc ròng rã mấy tháng trời” – ông Chinh kể.

Tâm nguyện nhận kỷ vật và tìm thấy hài cốt

Điều đặc biệt, cuốn nhật ký được trở về Việt Nam đúng ngày 1/6, ngày mà mẹ thân sinh ra liệt sĩ Nam trút hơi thở cuối cùng. “Không biết có phải là ý nguyện của anh tôi không nhưng đó là một sự trùng hợp đặc biệt” – ông Chinh nói.

Ông cũng cho biết, kể từ ngày biết được cuốn nhật ký chính là kỷ vật của anh Nam, dòng tộc nhà ông lúc nào cũng mong sớm được tận mắt xem lại cuốn nhật ký.

02-78088
Tâm nguyện của dòng họ ông Chinh là được cầm trên tay cuốn nhật ký của liệt sĩ Nam

“Nếu được nhận lại gia đình tôi sẽ làm lễ thắp hương trên bàn thờ theo tín ngưỡng tâm linh, sao chụp lại cuốn nhật ký để làm kỷ niệm rồi sẽ trao lại cho Bảo tàng Lịch sử quân sự” – ông Chinh mong muốn.

Và còn một mong muốn của người thân liệt sĩ Nguyễn Văn Nam đó là tìm thấy hài cốt của anh đưa về quê hương. Mặc dù trên giấy báo tử của anh Nam có ghi “liệt sĩ Nguyễn Văn Nam hy sinh ngày 13/4/1972, an táng tại Kinh Dương, Kiến Bình (Kiến Tường cũ)” nhưng khi gia đình vào đó tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Nam thì không thấy.

Được biết, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam là gia đình cách mạng, mẹ anh - bà Lê Thị Cưu (đã mất) được nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ Cưu có hai con hy sinh, là liệt sĩ Nam và anh trai đầu liệt sĩ Nguyễn Văn Việt. Trong những năm tháng chiến tranh, gia đình mẹ Cưu cũng là nơi nuôi giấu nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên về đây làm nhiệm vụ.

03-55d49
Tên của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam được khắc trong bia tưởng niệm của xã 

Ông Lường Khắc Nam, Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa, cho biết: “Sau khi xem và đọc những dòng nhật ký, tôi cho rằng đó là của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, người con của Minh Nghĩa đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa phương cũng mong muốn cuốn nhật ký sớm đến được tay thân nhân cũng như mộ chí của liệt sĩ Nam được mau chóng tìm thấy để gia đình tiện hương khói. Chính quyền cũng rất bất ngờ và xúc động bởi kỷ vật đã thất lạc quá lâu mà vẫn được gìn giữ cho đến bây giờ”.

Nguyễn Thùy