Tiêu dùng ở siêu thị: “Cơ hội” cho hàng nội?
(Dân trí) - Thời vật giá leo thang, khách hàng tại các siêu thị dành sự quan tâm nhiều đến giá cả nên dành sự ưu ái cho hàng nội khi hàng ngoại đang lên giá không kiểm soát.
Khách hàng “chắt chiu” hơn
Một số siêu thị cho biết, doanh thu trong vài tháng trở lại đây đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị Citimart nhận định: “Hiện, người tiêu dùng đến siêu thị không giảm về lượng nhưng giảm về chất. Trước đây, khách hàng mua “mạnh tay” với những hóa đơn lên đến 600.000 - 700.000 đồng/lần là bình thường nhưng nay, các hóa đơn cũng giảm nhiều số tiền.
Người tiêu dùng chọn mua những sản phẩm thực dụng, đó là những sản phẩm thiết yếu trong đời sống hàng ngày như dầu ăn, nước mắm… Trong khi đó, các xa xỉ phẩm như mỹ phẩm, quần áo… tiêu thụ chậm lại. Chẳng hạn, trước đây người ta mua hộp 3 gói bột giặt thì nay chỉ mua một gói đủ dùng thôi chứ không mua tích trữ như trước”.
Được biết, doanh thu của mỗi siêu thị trong hệ thống Citimart luôn trên mức 200 triệu/ngày. Nhưng từ vài tháng trở lại đây, doanh thu chỉ xoay quanh mốc này. Theo thống kê, bình quân, số hóa đơn thanh toán là 2.000 hóa đơn/ngày (tương đương với cùng kỳ năm trước). Nhưng số tiền thanh toán trên mỗi hóa đơn đã giảm đi nhiều.
Ông Hải nhận định: “Nguyên nhân là vật giá tăng liên tục khiến người tiêu dùng có tâm lý chắt chiu trong chi tiêu. Đây là xu hướng chung tại các siêu thị trong giai đoạn hiện nay.”
Tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng, cô Kim Lan, ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết: “Giá các mặt hàng chỉ nhích lên một ít. Nhưng nhiều món cộng lại thì hóa đơn tính tiền lại tăng lên rất nhiều. Hồi trước, thực đơn của gia đình có thể thay đổi sáng chiều nhưng nay thì khác, có thể mua một lần và nấu ăn cả ngày. Và mua tới đâu dùng tới đó chứ không mua nhiều tích trữ”.
Cơ hội cho hàng nội
Theo phân tích của ông Ngô Văn Hải: Gốc rễ vấn đề sức mua giảm là do hàng hóa tăng giá quá nhanh. Chắng hạn giá các loại sữa ngoại như Abbot, Friso… tăng giá liên tục với mức tăng từ 7 - 20%.
Sữa lên giá quá cao thì các bà mẹ cân nhắc kỹ hơn khi chọn mua sữa. Họ chuyển sang sử dụng các loại sữa có tiếng nhưng ổn định giá cả và lúc này, hàng nội lại có cơ hội “lên tiếng”.
Lâu nay, người Việt Nam vẫn có tâm lý “sính ngoại” nên ưa chọn những sản phẩm ngoại vì mẫu mã bắt mắt và tin vào chất lượng. Nhưng bây giờ thì khác, các bà mẹ quay sang dùng nhiều loại sữa nội vì chất lượng cũng tốt mà giá cả hợp lý hơn.
Tại siêu thị Citimart, các loại sữa dành cho các em bé từ 1 đến 3 tháng tuổi của các hãng sữa nội, ngoại chênh giá nhau rất nhiều nên người tiêu dùng chọn hàng nội.
Nguyên nhân các sản phẩm ngoại nhập tăng giá chóng mặt là do nhà nước chưa kiểm soát chặt các sản phẩm này. Nhà cung cấp lấy lý do giá nguyên liệu tăng giá, tỉ giá USD tăng… rồi đẩy giá tăng lên vô tội vạ, nhiều mặt hàng tăng giá trên 20%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ dám tăng giá khoảng 10%. Đây là lý do khiến người tiêu dùng đang có khuynh hướng dùng hàng nội.
Theo tôi, đây là cơ hội để các nhà sản xuất trong nước phát huy ưu thế, đẩy mạnh cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Đây là điều kiện “đánh đổ” tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt.
Cô Xuân, khách hàng tại siêu thị Maximax cho hay: “Do có nhiều chương trình khuyến mãi nên giá cả mặt hàng này bù qua bù lại chứ không tăng nhiều. Tuy nhiên, những sản phẩm nhập khẩu như pho-mai, sữa phải ngưng dùng hoặc tìm thay thế bằng sản phẩm nội vì giá “mềm” hơn.”
Nguyên Tuấn