Tiểu đoàn 307 nay ở đâu?
<i>“Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn Ba trăm lẻ bảy!”</i> Tiểu đoàn 307 nổi tiếng oai hùng ấy, rất nhiều người không rõ, nay họ ở đâu...
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 - đơn vị hiện nay của Tiểu đoàn 307 năm xưa.
Thời chống Pháp: “đánh đâu được đấy”
Có thể tóm tắt về lai lịch Tiểu đoàn 307 như sau: Ngày 1/5/1948, trên vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, Bộ chỉ huy Khu 8 quyết định thành lập một tiểu đoàn bộ đội chủ lực trực thuộc Bộ chỉ huy khu, lấy tên là “Tiểu đoàn Liên quân lưu động”.
Ngày 5/7/1948, sau huấn luyện, tiểu đoàn đã làm lễ xuất quân. Sau đó, vì thấy tên gọi “Tiểu đoàn Liên quân lưu động” dài, dễ lộ bí mật, trên cho đơn vị đổi tên thành Tiểu đoàn 307. Tiểu đoàn hành quân về Mỹ Tho (Tiền Giang) đánh trận mở màn ở Mộc Hóa vào tháng 8 năm 1948, giành thắng lợi vang dội, diệt hơn 300 tên, thu hơn 300 súng các loại.
Tháng 12 năm 1948, tiểu đoàn tham gia đánh trận công đồn đả viện ở La Bang (Trà Vinh), diệt hàng trăm tên địch, thu hơn 60 súng các loại; bắt sống 20 tù binh, trong đó có 5 tên chỉ huy Pháp.
Sang năm 1949, Tiểu đoàn 307 tham gia đánh địch càn quét vào căn cứ cách mạng ở Đồng Tháp Mười với hai trận lớn ở chùa Ô Môi và Sài Tư, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Sau chiến thắng Đồng Tháp Mười, bài ca hùng tráng “Tiểu đoàn 307” ra đời. Tháng 3 năm 1952, Tiểu đoàn 307 rời căn cứ Đồng Tháp Mười, hành quân vượt sông Tiền và sông Hậu về hoạt động ở liên khu miền Tây.
Tính đến năm 1954, Tiểu đoàn 307 đã đánh 110 trận lớn nhỏ, đạt những thành tích đặc biệt xuất sắc. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tiểu đoàn 307 hành quân về tiếp quản thị xã Cà Mau và thị trấn Tắc Vân, sau đó xuống tàu tập kết ra Bắc rồi giải thể ở đơn vị mới.
Thời chống Mỹ - “oai hùng biết mấy”
Có một điều ít người biết tới, sau 20 năm, ngày 30/7/1967, Tiểu đoàn 307 được “tái lập” lần hai tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Cuối năm 1967, tiểu đoàn đã tổ chức nhiều trận đánh làm nức lòng dân Đồng bằng sông Cửu Long như: Diệt đồn Rạch Gốc, tập kích địch dã ngoại ở Thác Lác, ở kinh Mười Bốn Ngàn… Xuân Mậu Thân 1968, tiểu đoàn diệt hàng trăm tên địch, diệt gọn Đội Bảo an 629; phá hủy 29 máy bay…
Sau đó, tiểu đoàn liên tiếp giành thắng lợi ở các trận đánh sân bay Lộ Tẻ năm 1968, diệt phân khu Tam Ngãi năm 1974; góp phần giải phóng toàn thị xã Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ tháng 4 năm 1975...
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn U Minh, người chứng kiến và chỉ huy Tiểu đoàn 307 chiến đấu những năm đánh Mỹ đã hồi tưởng lại một cuộc “hành quân giữa mùa xuân” của 307 trong hồi ký: “Ngày 29 Tết (30/1/1968), Tiểu đoàn 307 xuất quân. Vào đúng thời điểm thiêng liêng nhất, lắng đọng nhất của một năm thì chúng tôi lại ba lô, súng ống lên đường. Nhiều má, nhiều em đứng lặng nhìn đoàn thuyền lặng lẽ lao đi trên những dòng kinh trong chiều ngày Tết mà không cầm được nước mắt. Phút giao thừa, trong cái mênh mông thăm thẳm của đêm Ba mươi, trong thời khắc giao chuyển của đất trời, chúng tôi nghe lời thơ của Bác: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…”
Vẫn vang lừng chiến công
Năm 1978, tiểu đoàn tiếp tục cơ động đánh đuổi bọn Pôn Pốt trên tuyến biên giới An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp với trận thắng trên núi Phú Cường nổi tiếng. Năm 1979, tiểu đoàn lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 22/12/1979, tiểu đoàn vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, Tiểu đoàn 307 được sắp xếp lại, thay đổi phiên hiệu cùng đội hình chung trước yêu cầu nhiệm vụ mới với tên gọi Tiểu đoàn 2, Trung đoàn U Minh, Đoàn B30, Quân khu 9.
Mặc dù Tiểu đoàn 307 thế hệ “hậu sinh” đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân từ năm 1979, nhưng Tiểu đoàn 307 “tiền bối” thì đến năm 2005 mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Theo Quân Đội Nhân Dân