Tiết lộ về những người ghi thước phim bạo hành chấn động
(Dân trí) - Hai phóng viên trẻ được giao phó trọng trách việc ghi hình, âm thanh trong nhà bà Hoa. Việc chọn góc đặt máy quay đã khó, việc ghi lại những âm thanh càng cực kỳ khó khăn hơn. Cái khó nhất là làm sao để không bị phát hiện…
Từ một lá thư tố cáo dài 4 trang
Người đại diện cho ê-kíp thực hiện thước phim này cho biết, khoảng giữa tháng 12/2007, Ban Thời sự đài Truyền hình Đồng Nai nhận được một lá thư viết tay dài 4 trang giấy. Người viết lá thư không đề tên, địa chỉ nhưng qua nét chữ đẹp, lời lẽ gọn gàng, khúc chiết, các phóng viên nhận định đây là nét chữ của một người phụ nữ, học thức cao và biết rất rõ về “kẻ thủ ác”.
Nội dung trong thư phản ánh đầy đủ, cụ thể về nhà giữ trẻ ở địa chỉ số 1/2, Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai do bà Quảng Thị Kim Hoa (41 tuổi) làm chủ. Lá thư kể rõ ràng những hành động ngược đãi của bà Hoa trong việc chăm sóc các cháu. Theo như người tiếp nhận lá thư này cho biết: “Người viết lá thư có lẽ đã cảm nhận được nỗi đau của từng trẻ nhỏ, và họ viết lá thư này với cả một tấm lòng mong muốn đưa sự việc này ra ánh sáng”. Lá thư còn nói rõ sự dữ tợn của bà Hoa cùng gia đình. Lá thư kết lại bằng câu căn dặn: “Khi làm nên cẩn thận”.
Ai không đau lòng khi hàng ngày phải chứng kiến những cảnh này? (Ảnh do các đồng nghiệp ở ĐTH Đồng Nai cung cấp) |
Người đứng đầu trong Ban thời sự cho biết, do thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em. Từ vụ chủ quán phở ngược đãi em Bình, đến vụ bảo mẫu Lê Vy dán băng keo khiến cháu Bảo Trân tắt thở… “Những sự việc đau lòng đó ai mà không phẫn nộ. Mỗi anh em phóng viên trong cơ quan chúng tôi cảm thấy mình phải làm được một chút gì đó để cho những nghịch cảnh đau lòng này đừng xảy ra. Nhận lá thư tố cáo này với những lời lẽ, dẫn chứng cụ thể, chắc có lẽ phẫn uất lắm người ta mới nói nhiều như vậy. Nên chúng tôi khẩn trương đi xác minh và chỉ đạo ngay một phương án tác chiến để mong muốn nhanh chóng đưa vụ này ra công luận” - trưởng ê-kíp cho biết.
Giấu camera trong bao nhựa đen, che bạt để ngụy trang
Qua nắm tình hình, nhiều người dân cho biết đây là một gia đình “giống như tổ kiến lửa”, “bà Hoa rất dữ”… ban đầu các phóng viên cũng e dè. Những khó khăn đó không bằng nỗi đau tinh thần và thể xác của hàng chục trẻ thơ đang hằng ngày bị đánh đập, hành hạ. Thế là ê-kíp làm phim bắt tay vào việc.
Con hẻm dẫn vào nhà bà Hoa (Ảnh: CQ) |
Ban thời sự neo người, 19 cái đầu mà hằng ngày phải làm cả núi công việc. Tuy nhiên, ai cũng sẵn sàng hỗ trợ nhau để tác nghiệp “trận” này. Theo chỉ đạo, vì phòng ít người nên việc thực hiện đề tài không hạn chế thời gian nhưng làm càng sớm càng tốt.
Hai phóng viên trẻ được giao phó trọng trách việc ghi hình, âm thanh trong nhà bà Hoa. Lý giải nguyên nhân chọn 2 phóng viên này được người đứng đầu ê-kíp cho biết: “Một nữ phóng viên đã có con thì họ sẽ cảm được nỗi đau của một bà mẹ khi chứng kiến con mình bị người khác đánh đập, như thế viết lời bình sẽ sâu sắc. Một nam phóng viên nhanh nhẹn, nghiệp vụ tốt sẽ biết tự xoay xở trong mọi tình huống. Cả 2 đồng nghiệp tôi giao phó đều trẻ, tuổi đời chưa quá 30 nhưng năng động và làm việc với sự đam mê”.
Vậy là 2 phóng viên hằng ngày cứ lặng lẽ ghi hình, theo dõi việc chăm sóc trẻ của bà Hoa. Theo quan sát của người viết bài này, nhà bà Hoa nằm trong một vị trí rất khó khăn trong việc chọn góc máy. Một con hẻm nhỏ, ngõ cụt. Xung quanh còn có nhà một số người thân, đầu hẻm là quán nước của mẹ bà Hoa… Tuy nhiên, được sự “yểm trợ” của một số người dân, nên công việc diễn ra trôi chảy. Để có được thước phim sống động đó, máy quay đã được đặt rất nhiều địa điểm khác nhau, trong đó chủ yếu đặt máy ở một bệnh viện gần nơi xảy ra vụ việc.
Nhiều người cứ nghĩ là có thể phóng viên đã dùng điện thoại “xịn” để quay.
Tuy nhiên, để giấu chiếc camera to đùng này, chàng phóng viên đã phải bỏ nó vào một bao nhựa, đội trên đầu. Có lúc gùi trong tấm bạt, miễn sao ống kính hoạt động được. Tay quay đã vận dụng hết công suất, zoom ống tê-lê để cận được những hình ảnh bà Hoa tát, bốp các cháu.
Một phóng viên tâm sự, bà Hoa khi bị bắt thì ăn mặc đường hoàng, lời lẽ nhỏ nhẹ đánh lừa mọi người và cơ quan chức năng. Còn mọi ngày, bà Hoa ăn mặc không có một chút nào mang tính sư phạm, lời lẽ cộc cằn, hung tợn…
Việc ghi hình thường tập trung vào giờ bà Hoa cho các cháu ăn, vì những lúc đó là “mật độ” đánh đập trong ngày nhiều nhất. “Tôi được biết, bà Hoa trình độ văn hóa cũng đạt được 10/12 mà sao bà kém văn hóa quá. Tôi có cảm giác như bả nghiền đánh thì phải” - phóng viên tâm sự.
Việc chọn góc đặt máy quay đã khó, việc ghi lại những âm thanh càng cực kỳ khó khăn hơn. Cái khó là làm sao chọn địa điểm lấy hình và lấy được cả âm thanh mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, bằng những biện pháp nghiệp vụ và kỹ thuật ghi hình, 2 phóng viên đã thu được những âm thanh và hình ảnh không chê vào đâu được. “Có những lúc vừa đứng vừa khom, được hình thì mất tiếng và ngược lại…” - người quay camera kể lại.
Căn nhà bà Hoa nhìn từ cổng nhà vào, bên phải là nơi sinh hoạt của các cháu nhỏ (Ảnh: CQ) |
Sau khoảng 1 tháng, những hình ảnh, âm thanh chân thực về sự ngược đãi của bà Hoa với các cháu đã hoàn thành mà chính bà Hoa và cơ quan chức năng không hề hay biết. Phòng Thời sự đã đề xuất xin phát sóng và được Ban Giám đốc đài gật đầu.
Để rộng đường dư luận, Đài Truyền hình Đồng Nai phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam công chiếu đoạn phim này.
Trưởng ê-kíp làm phim thở phào nhẹ nhõm: “Anh em rất vui khi hoàn thành những đoạn video này, chúng tôi đã làm việc trôi chảy, một phần nhờ may mắn. May mà có sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của người dân… Biết là khi đưa thước phim này công chiếu thì tác động sẽ lớn, nhưng không ngờ tác động lại lớn đến như vậy. Qua đó, chúng tôi thấy được tác động của báo chí, truyền hình là thế nào, và mình lại càng yêu nghề mình biết bao”.
Công Quang