1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiếp xúc cử tri

Đến hẹn lại lên, trước (và sau) mỗi kỳ họp, các vị dân biểu nước ta lại tiếp xúc với cử tri. Và trước kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII, hiện nay, hoạt động này đang diễn ra trên phạm vi cả nước.

Tiếp xúc cử tri để nắm bắt ý nguyện và phản ánh vào các quyết sách của Quốc hội là linh hồn của quy trình dân chủ. 

 

Tuy nhiên, tiếp xúc được với cử tri quả thật là điều không dễ. Quốc hội khóa XIII do gần 62 triệu cử tri bầu ra. Nghĩa là trung bình mỗi vị dân biểu đại diện cho khoảng 124 ngàn cử tri. Do mỗi đơn vị bầu cử đều được bầu từ 2 - 4 dân biểu, nên tổng số cử tri đã bỏ phiếu cho mỗi vị dân biểu phải được nhân 2 hoặc 4 lần.

 

Và số cử tri đã bỏ phiếu cho mỗi vị dân biểu trung bình sẽ là khoảng 350 ngàn. Đây chính là số lượng cử tri đã ủy quyền cho mỗi vị dân biểu. Nếu tại một cuộc tiếp xúc cử tri, mỗi vị dân biểu tiếp xúc được với 200 - 300 cử tri thì vị này chỉ tiếp xúc được với nhiều nhất là khoảng 1.500 - 2.000 cử tri.

 

Nghĩa là chỉ tiếp xúc được với khoảng 2.000/350.000 = 0,57% tổng số cử tri của mình. Tỉ lệ cử tri được tiếp xúc của các vị dân biểu sẽ còn thấp hơn rất nhiều trong trường hợp việc tiếp xúc cử tri được tổ chức theo đoàn đại biểu Quốc hội hoặc theo nhóm các vị dân biểu trúng cử tại mỗi đơn vị bầu cử.

 

Trong bất cứ trường hợp nào, tiếp xúc với chưa đầy 1% cử tri để hiểu hết được tâm tư, nguyện vọng của hơn 99% cử tri còn lại, quả thực là một sự thách đố.

 

Rủi ro của chuyện tiếp xúc cử tri còn được nhân lên gấp bội, khi nhiều vị dân biểu cho rằng họ đại diện cho nhân dân cả nước, nên có thể tiếp xúc với cử tri ở bất cứ nơi nào (chứ không chỉ ở đơn vị bầu cử của mình). Trước hết, chưa tiếp xúc được với 1% cử tri đã bầu ra mình, đã vội tiếp xúc với cử tri của người khác là không hợp lý. Sau nữa, tiếp xúc với những người không bầu ra mình mà gọi là tiếp xúc cử tri là không chính danh.

 

Một rủi ro khác của chuyện tiếp xúc cử tri là hội chứng “cử tri chuyên nghiệp, mà đại biểu thì không chuyên” (theo lời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An). Đội cử tri chuyên nghiệp này chủ yếu là cán bộ cơ sở. Nghe cán bộ cơ sở thì thấy chủ yếu là những vấn đề của cán bộ cơ sở. Hậu quả tiếp theo là các vị dân biểu liên tục gây sức ép lên Chính phủ bắt phải tăng biên chế, tăng lương cho đội ngũ này. Có thể, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hành chính hóa nặng nề đời sống ở cấp cộng đồng. Trong khi đó, ở cấp này đáng ra phải tổ chức đời sống cộng đồng theo nguyên tắc tự quản và tự nguyện là chính.

 

Thực ra, làm dân biểu ở cấp quốc gia có hai mảng công việc: Một là, làm việc với những cử tri đã bầu ra mình (làm đại biểu); hai là, làm nhà lập pháp (tranh luận, thông qua các dự luật và giám sát Chính phủ). Hai mảng công việc này đều quan trọng như nhau và đều rất khó khăn. Muốn làm tốt mảng công việc thứ nhất thì bắt buộc phải có văn phòng ở đơn vị bầu cử để tiếp xúc cử tri quanh năm, chứ không chỉ xuân thu nhị kỳ như hiện nay.  

 

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng

 Lao động