1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tiếp tục xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong sau 2015

(Dân trí) - Tư vấn Hà Lan đã đồng ý giúp đỡ quy hoạch lại cảng Vân Phong. Sau khi quy hoạch này hoàn thành, Bộ GTVT sẽ kêu gọi nhà đầu tư có năng lực trong nước và quốc tế để đầu tư xây dựng cảng quốc tế Vân Phong sau giai đoạn 2015

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa)
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa)
 
Liên quan đến Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong vừa bị Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dừng triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, tại cuộc họp báo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiều 28/9, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nêu lên lí do những năm gần đây kinh tế hàng hải sụt giảm nên việc đầu tư cảng biển cũng bị ảnh hưởng. Sau khi xem xét lại tổng thể tình hình hoạt động vận tải trong thời gian qua, Vinalines đã có đề xuất với Bộ GTVT và Bộ cũng đồng tình đề nghị Chính phủ cho tạm dừng chưa đầu tư xây dựng cảng biển này.

“Trước đây Vinalines đầu tư 2 bến khởi động cũng mới chỉ dừng ở đóng cọc thử để xem xét nhằm đưa ra kết cấu tốt nhất và lượng đầu tư vào cảng cũng chưa lớn.” - Thứ trưởng Trường nói.

Về số phận Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trong giai đoạn tiếp theo, Thứ trưởng Trường cho biết, sau khi Chính phủ cho tạm dừng dự án, Bộ đã giao Vinalines rà soát và khoanh lại toàn bộ để bảo quản và có thể đầu tư tiếp khi có điều kiện. Song song với đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ mời cơ quan tư vấn nước ngoài giúp quy hoạch cũng như tham gia đầu tư vào cảng Vân Phong.

Theo Thứ trưởng Trường: “Mới đây, chính quyền cảng Rotterdam (Hà Lan) đã đồng ý giúp Việt Nam khảo sát, quy hoạch lại toàn bộ cảng Vân Phong. Phía Hà Lan cũng đang giúp gói kỹ thuật không hoàn lại để quy hoạch và đưa ra hướng phát triển cảng. Sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ kêu gọi nhà đầu tư có năng lực trong nước và quốc tế để đầu tư xây dựng cảng quốc tế Vân Phong sau giai đoạn 2015”.

Được biết, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong theo kế hoạch sẽ xây dựngtại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh(Khánh Hòa). Cảng có diện tích 750ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bếnkhoảng 12.564m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm nhận chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh dự án, nêu được các giải pháp đầu tư, khaithác hiệu quả 2 bến khởi động nhưng Vinalines không thể triển khai theo kế hoạch. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo và hướng dẫn Vinalines dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động.

Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng phương án huy động các nguồn vốn đầu tư, chủ động kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong dưới các hình thức hợp lý, theo quy định của pháp luật để triển khai dự án; Bộ GTVT cũng phải báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trước đó.

Trong quy hoạch tổng thể về cảng biển ở Việt Nam, hiện nay, cả nước có 3 hệ thống cảng biển lớn, bao gồm: cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh (miền Bắc), cụm cảng TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu (miền Nam) và cụm cảng Quy Nhơn - Khánh Hòa (miền Trung).

“Với Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, đây là một cảng có rất nhiều lợi thế trong việc xây dựng thành một cảng nước sâu và có thể đáp ứng được trọng tải tàu trên 100.000 tấn ra vào cảng. Cảng này tương đối lặng sóng và có điều kiện để phát triển trong tương lai.” - Thứ trưởng Trường khẳng định.

Quỳnh Anh