1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Tiếp tục “quần” bãi rác Đa Phước

(Dân trí) - Tại phiên khai mạc và thảo luận tổ ngày 8/12, kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khoá VII, các đại biểu HĐND và báo chí tiếp tục truy vấn UBND TP về bãi rác nổi tiếng nhất TP: Đa Phước.

Tạm ứng 9 triệu USD để... chứng tỏ quyết tâm

 

Trả lời về thông tin kiểm toán nhà nước đề nghị UBND TPHCM xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc tạm chi 9 triệu USD cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) trong dự án xây dựng bãi rác Đa Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM khẳng định: “Tôi rất ngạc nhiên khi nghe thông tin này!”.

 

Ông cho biết, UBND TP đã thành lập một tổ làm việc với đoàn kiểm toán nhà nước để tìm hiểu vụ việc và đoàn kiểm toán đã khẳng định với ông là “họ chỉ nêu lên vấn đề chứ không kết luận, bình luận bất cứ điều gì, cũng không kiến nghị xử lý ai”.
 
Tiếp tục “quần” bãi rác Đa Phước  - 1

Đại biểu Lê Thượng Mãn: “Đa Phước đang lừa dối chúng ta!”

 

Xây dựng bãi rác Đa Phước là dự án do VWS (công ty 100% vốn nước ngoài) ký kết đầu tư với UBND TPHCM. Khi VWS đầu tư dự án này, UBND TPHCM đã tạm ứng cho VWS 9 triệu USD từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Theo kiểm toán nhà nước thì khoản chi này là sai quy định của Luật ngân sách nhà nước. 

 

Về vấn đề này, ông Tài giải thích là nhằm giảm đơn giá xử lý rác từ 16,96 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn. Ngoài ra, ông cho biết: “Đơn giá ở đây cao như vậy là vì khu vực Đa Phước nền rất yếu. Dù nhiều đơn vị đã khảo sát nhưng chưa ai dám làm, vì chỉ cẩn bể bờ bao là phá sản”. 

 

Do vậy, để chứng tỏ cho chủ đầu tư thấy quyết tâm xây dựng bãi rác ở đây của TP, UBND TP đã đồng ý tạm ứng cho VWS 9 triệu USD ban đầu. Vả lại, theo ông Tài thì động thái này cũng là “hỗ trợ” chủ đầu tư kêu gọi vốn từ các ngân hàng quốc tế. Ông tài cho rằng: “Người ta phải thấy chủ nhà (TPHCM) có quyết tâm làm thì mới dám bỏ vốn ra đầu tư chứ!”.

 

Đa Phước đang lừa dối chúng ta

 

Đại biểu Đặng Văn Khoa cho biết trong phiên chất vấn ngày 10/12 tới ông sẽ không chất vấn về vấn đề trên vì chất vấn là để tìm ra ai là người chịu trách nhiệm, nhưng ở đây thông tin vẫn chưa đầy đủ và rõ ràng, cần có sự cọ xát thông tin từ nhiều phía. Nhưng ông sẽ hỏi UBND TP rõ hơn và chất vấn sau. 

 

Còn đại biểu Lê Thượng Mãn thì lại hết sức bức xúc về cách làm việc của VWS, ông ví von: “Nói họ ngang ngược cũng không quá lắm. Họ cứ tưởng chúng ta đã ký hợp đồng rồi thì không làm gì được họ nữa”.

 

Ông bức xúc đến thế vì ông cho là chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đang lừa dối mọi người, lừa dối các cơ quan chức năng. Và ông nghi ngờ cả những báo cáo tốt đẹp của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM về bãi rác Đa Phước.

 

Ông Mãn phát biểu: “Theo các báo cáo của sở TNMT thì bãi rác Đa Phước hầu như đều tốt cả. Nhưng theo như văn bản mới nhất mà tôi mới nhận được từ Công ty Môi trường đô thị TP thì không như vậy”.
 
Tiếp tục “quần” bãi rác Đa Phước  - 2
Bãi rác Đa Phước liên tục bị dư luận chỉ trích

 

Ông dẫn chứng: “Văn bản này ghi rõ là bãi rác không có sàn trung chuyển rác nên xe chuyển rác phải chạy vào bãi chôn lấp để đổ. Đường thì lầy lội, lún, có nhiều nước rác ứ đọng trên rác và đá lót đường nên nước rác văng lên xe, làm xe hôi thối. Khi xe ra khỏi bãi rác lại không có nước xịt rửa nên đi trên đường thì bị dân chửi, cảnh sát xử phạt do ô nhiễm môi trường”.

 

Ông còn bức xúc hơn khi văn bản số 21/CV-VWS ra ngày 18/11/2009 của VWS trả lời Công ty Môi trường đô thị TP có đoạn khẳng định là sàn trung chuyển sẽ hoàn tất vào cuối năm (2009) nhưng “các loại rác sinh hoạt hàng ngày đang được vận chuyển về khu liên hợp sẽ không được đổ tại sàn trung chuyển”.

 

Đại biểu Lê Thượng Mãn cho rằng: “Công đoạn xây dựng sàn trung chuyển này được VWS tính vào giá thành là 2 USD/1 tấn rác. Nay họ bảo rác không được đổ ở đây mà xe chuyển rác của TP phải chạy vào tận bãi chôn lấp thì chúng ta thiệt 2 USD/tấn rác à. Mỗi ngày TP chuyển về đây 3.000 tấn rác thì mất hết 6.000 USD. Rõ ràng là họ đang lừa dối chúng ta!”.

 

Ông đề nghị các cơ quan cấp cao hơn đến kiểm tra vấn đề này. Ngoài ra, ông cũng đề nghị nên chuyển lĩnh vực quản lý chất thải rắn sang cho ngành xây dựng, vì theo luật thì ngành xây dựng mới có chức năng quản lý lĩnh vực này, chỉ có ở TPHCM là giao cho Sở TNMT. Theo ông, như vậy là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

 

Tùng Nguyên