Tiếp tục nghiên cứu tàu điện một ray

(Dân trí) - Qua khảo sát tại các nước bạn, nhận thấy tàu điện một ray là loại vận tải hành khách công cộng có thể giải quyết ùn tắc trong trước mắt và tương lai, Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu triển khai.

Tàu điện một ray là một trong các loại hình vận chuyển hành khách công cộng được nhiều thành phố trên thế giới đầu tư và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập đoàn công tác khảo sát tàu điện một ray Monorail đang được khai thác và tiếp tục đầu tư tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).
 
Tiếp tục nghiên cứu tàu điện một ray
Tàu điện một ray được sử dụng trong nhiều thành phố lớn trên thế giới

Kết quả khảo sát thực tế đoàn Bộ Giao thông cho thấy một số ưu điểm nổi bật của loại hình này là năng lực vận chuyển tối đa đối với một đoàn tàu gồm 8 toa, hoạt động với tần suất 3,5 phút, có thể vận chuyển được 30.000 lượt hành khách/giờ theo một hướng; hơn nữa giá thành đầu tư Monorail chỉ bằng 40-50% giá đầu tư Metro, trong khi thời gian thi công đưa vào khai thác ngắn (khoảng 3-5 năm).

Bộ Giao thông còn cho rằng phạm vi chiếm dụng đất của Monorail nhỏ; công nghệ hiện đại nên khi hoạt động ít tiếng ồn, đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Khả năng vượt dốc lớn, bán kính cong nhỏ, phù hợp với việc xây dựng trong đô thị. Đầu tư hạ tầng đơn giản, sử dụng được năng lực thi công và nguồn vật liệu của các đơn vị trong nước. Năng lực vận chuyển đáp ứng được yêu cầu trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tại đô thị có dân số khoảng 7 triệu người. Loại hình này vận chuyển hiệu quả trong giờ cao điểm vì không gặp bất kỳ trở ngại nào về giao thông do hoạt động trên đường riêng biệt.

Với những ưu điểm trên, Bộ Giao thông thấy rằng việc nghiên cứu đầu tư tàu điện một ray Monorail trên các tuyến nội đô có nhu cầu vận tải hành khách đến 300.000 hành khách/ngày là phù hợp, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian trước mắt và trong tương lai.

Chính vì những lý do trên, Bộ Giao thông đề nghị UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, xem xét bổ sung tàu điện một ray vào quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị. Quy hoạch các ga trung chuyển bảo đảm kết nối giữa các loại hình vận tải đô thị như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt BRT, Monorail…

Giao các cơ quan chức năng làm việc với các nhà đầu tư loại hình Monorail để nghiên cứu đầu tư trên các trục có lưu lượng hành khách từ 300.000 đến 400.000 hành khách/ngày đảm bảo phù hợp với quy hoạch giao thông của thành phố.

Năm 2010, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất phương án xây dựng tuyến tàu điện một ray theo hình thức BOT nhằm giải quyết ách tắc giao thông phía tây thành phố Hà Nội.

Theo đó, tàu điện sẽ chạy trên cao tại dải phân cách giữa của tuyến đường từ nút giao Hoàng Hoa Thám đến cuối đường Láng - Hòa Lạc. Tại dải phân cách giữa của đường sẽ xây dựng những trụ cột với đường kính 1m, cao khoảng 4,5m, cách nhau 30m. Bên trên là dầm bê tông dự ứng lực làm đường ray cho tàu điện. Tàu chạy bằng bánh lốp với tốc độ trung bình 60-70 km/h.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia giao thông và quy hoạch kiến trúc. Nhiều người lo ngại việc xây dựng đường sắt một ray sẽ phá vỡ không gian kiến trúc nội đô. Và việc Hà Nội đang xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị thì việc khớp nối đường sắt một ray này với hệ thống gặp nhiều khó khăn.

Quang Phong