1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiếp tục nghiên cứu hạn chế xe cá nhân ở các đô thị lớn

(Dân trí) - Theo Chương trình hành động nhằm đảm bảo an toàn, khắc phục ùn tắc giao thông vừa phê duyệt, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng, trình Chính phủ đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Nghiên cứu tại các đô thị lớn

Phương tiện giao thông phát triển quá nhanh so với phát triển hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn giao thông trên cả nước, cũng như là tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.

Cụ thể, năm 2001 cả nước chỉ có 6,7 triệu phương tiện giao thông cơ giới (trong đó có gần 500 ngàn ô tô và hơn 6,2 triệu xe gắn máy). Đến năm 2011, cả nước đã có đến hơn 35,8 triệu phương tiện (trong đó có gần 1,9 triệu ô tô và hơn 33,9 triệu xe gắn máy), tăng gấp 5,3 lần so với con số 10 năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng số phương tiện tại các thành phố lớn luôn dẫn đầu cả nước, trong khi diện tích đường giao thông tăng trưởng rất chậm, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại đây.

Số lượng phương tiện
phát triển quá nhanh chính là vấn nạn lớn của ngành giao thông tại các đô thị
Số lượng phương tiện phát triển quá nhanh chính là vấn nạn lớn của ngành giao thông tại các đô thị

Chính vì vậy, từ nhiều năm trước phương án hạn chế xe cá nhân tại các đô thị lớn đã được đề xuất. Đến đầu năm 2012 thì Bộ GTVT chính thức triển khai nghiên cứu Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn là 5 thành phố trực thuộc Trung ương với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Công cụ chính để thực hiện mục tiêu của đề án là tăng thêm các loại thuế phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng ký, phí chuyển nhượng, phí môi trường, phí lưu hành, phí ra vào nội đô…

Tuy nhiên, dư luận phản đối về việc áp phí quá nhiều từ đề án này. Đến cuối năm 2012, Bộ GTVT chính thức ngừng nghiên cứu Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, chuyển hướng sang nghiên cứu phát triển hợp lý các phương tiện vận tải ở các đô thị lớn. Nay Chính phủ lại giao cho Bộ tiếp tục nghiên cứu đề án này trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trước đó, trong Kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông năm 2013, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu Đề án triển khai quyền mua xe trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế phương tiện cá nhân.

Hạn chế xe máy trong mức 36 triệu chiếc

Trước khi ban hành chương trình hành động này, vào cuối tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo phải nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn tại các đô thị lớn (trước mắt là ở thủ đô Hà Nội và TPHCM).

Ngoài ra, quan điểm chỉ đạo phát triển vận tải ở các đô thị (đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM) theo hướng vận tải công cộng là chính, đồng thời kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân để giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị.

Cùng trong thời gian trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, phần định hướng phát triển phương tiện vận tải nêu rõ là “hạn chế mức tăng số xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước. Xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, khu vực không có vận tải khách công cộng, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 36 triệu xe máy”.

Về xe ô tô, quy hoạch không nêu rõ là hạn chế mức tăng số phương tiện nhưng định hướng là “hạn chế dần, tiến tới không lưu hành các phương tiện xe ô tô không phù hợp kết cấu hạ tầng giao thông”. Số lượng ô tô dự kiến đến năm 2020 theo quy hoạch này là khoảng 3,2 – 3,5 triệu xe.

Như vậy, theo quy hoạch này thì xe ô tô còn “dư địa” để tăng trưởng. Còn xe máy hầu như đã hết vì đến cuối năm 2011 đã có gần 34 triệu xe, số liệu năm 2012 chưa công bố nhưng với tốc độ tăng trưởng 8%/năm thì chắc chắn đã vượt qua con số 36 triệu xe. Tuy vậy, có rất nhiều xe máy cũ, hư hỏng không được loại bỏ khỏi số liệu thống kê. Nếu Chính phủ quy định niên hạn sử dụng xe máy thì sắp tới sẽ có một lượng lớn xe máy không còn được phép sử dụng, tạo dư địa cho phương tiện mới phát triển.

Để làm điều này, trong chương trình hành động vừa ban hành, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 30/10/2009 quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ Công an cũng được giao kết hợp cùng các Bộ GTVT, Tài chính, Công thương kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu đăng ký xe để quản lý phương tiện giao thông cơ giới đang hoạt động trên cả nước.

Tùng Nguyên