1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiếp công dân - Đừng để đơn thư… chạy lòng vòng!

(Dân trí) - “Không giải quyết được việc, cơ quan tiếp dân phải chịu trách nhiệm cụ thể, không thể cứ tiếp rồi chỉ để chuyển đơn đến 3-4 nơi lòng vòng” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề khi UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự luật Tiếp công dân.

Một nội dung mới chỉnh lý được nhiều đại biểu quan tâm đề cập là quy định tại Điều 8 “Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải có nghĩa vụ xuất trình giấy tờ tuỳ thân hoặc giấy uỷ quyền và các giấy tờ có liên quan khác…”.

 

Bình luận về điều khoản quy định này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lập luận, tiếp công dân là để có lợi cho người dân, trong khi quy trình được thiết lập lại mang tính chất hành chính… quá cứng.

 

Bà Mai phân tích, quy định về “các giấy tờ khác có liên quan” có thể gây khó cho người dân vì sẽ là hướng định đoạt linh hoạt đối với cơ quan chức năng nhưng lại “chặt chẽ” với người đi kiến nghị, có thể làm cản trở công dân khi muốn khiếu kiện.

 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng cho rằng, nơi nào có cơ quan Nhà nước thì việc tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên, không quá trang trọng về thủ tục hành chính. Quá trình giải quyết cũng không nên đặt ra quá nặng nề, câu nệ.

 

Tán thành phân tích của bà Nương, bà Mai bổ sung thêm lập luận, Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân, cần phải có trụ sở tiếp công dân. Các cơ quan hành chính cũng là cơ quan của dân, vì người dân mà bầu ra, nên cũng phải phục vụ dân.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm trong buổi thảo luận

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm trong buổi thảo luận
 

Nhận xét thẳng về việc thực tế, công tác giải quyết khiếu nại của người dân chưa tốt, đơn thư còn bị chuyển vòng vèo, dẫn đến nhiều vụ tồn đọng, thậm chí dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu yêu cầu, luật phải làm rõ trách nhiệm, tính pháp lý sau khi tiếp dân, trả lời dân để người dân đỡ vất vả.

 

“Các ngành, các cấp phải giải quyết xong phần việc của mình, nếu không phải quy trách nhiệm cụ thể. Không thể cứ tiếp dân rồi lại chuyển đến 3-4 nơi. Luật phải làm rõ, nếu không những tồn tại sẽ không thể được giải quyết” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Chủ nhiệm Quốc phòng-An Ninh Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi, luật Tiếp công dân ra đời có chấm dứt được sự vòng vo cấp này sang cấp khác, cơ quan này sang cơ quan kia không, tính khả thi thế nào? Đơn thư nhận xong thì chuyển đi đâu, áp dụng luật khác để xử lý hay phải được điều chỉnh ngay trong luật này?

 

Ông Khoa nêu quan điểm, “đơn thư có đi thì phải có về, có hỏi thì phải trả lời”. Để người dân cứ gửi đơn rồi chờ, đi lại năm lần bảy lượt, ông Khoa cho là làm khổ dân.

 

Đó chính là lý lẽ mà Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh đặt vấn đề những trụ sở, văn phòng tiếp nhận đơn thư của người dân có thể áp dụng “cơ chế một cửa” không, tức là “nơi đi cũng là nơi đến”, người dân vẫn nhận được câu trả lời mà không phải đi vòng vo.

 

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng bình luận, tiếp dân phải có hơi thở cuộc sống, tức là phải giải quyết được vấn đề”. Nhận định những quy định về thủ tục, địa điểm tiếp công dân là quá chứng, ông Giàu lấy ví dụ các cuộc tiếp công dân của Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để lắng nghe tâm tư, bức xúc của người dân để có hướng giải quyết đem lại hiệu quả rất tốt. Ông Giàu đề nghị cân nhắc kỹ khi quy định bắt buộc tiếp ở đâu.

 

Cũng liên quan đến việc đảm bảo hiệu quả thực chất của việc tiếp công dân, về quy định người đứng đầu tiếp công dân theo định kỳ, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội một lần nữa nhắc lại quan điểm, có thể tiếp xúc công dân một cách uyển chuyển, miễn giải quyết tốt, đem lại niềm tin cho người dân.

 

Theo bà Mai, có những lúc người đứng đầu cũng phải trực tiếp xuống cở sở để lắng nghe, giải quyết, hoặc cũng có thể yêu cầu bố trí nơi gặp gỡ. Quy trình cũng chỉ là kỹ thuật.

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng việc tiếp công dân quan trọng là kết quả. Người đứng đầu cơ quan tốt nhất là tiếp dân tại cơ sở, không quan trọng trụ sở, địa điểm cố định vì nếu không thực chất, có đến hàng chục địa điểm, trụ sở tiếp dân cũng vậy thôi.

 

Chủ tịch Quốc hội “chốt” lại nguyên tắc, nếu đơn đề nghị giải quyết được chuyển đến trụ sở tiếp dân ở Trung ương thì phải chuyển, còn gửi đến Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thì phải giải quyết, quy định rõ thời hạn bao lâu để trả lời. Phải có trách nhiệm đến cùng với người dân”.

 

P.Thảo