1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tiếng thở dài của đàn voi nhà Tây Nguyên

(Dân trí) - Nhiều năm trở lại đây, đàn voi nhà ở Đắk Lắk không còn sinh đẻ nên số lượng cứ ít dần. Từ lâu, chúng đã cam chịu cảnh bị cưa ngà, cắt trụi lông đuôi thì, giờ đây, đàn voi lại gánh một nỗi sợ hãi thường trực, đó là... ngộ độc.

Chết vì uống nước sông nhiễm bẩn

Đã từ lâu lắm, "vua" Đàn Năng Long - người sở hữu nhiều voi nhất vùng Tây Nguyên không dám cho đàn voi (5 con) của mình ra sông vui đùa. Chỉ tay ra hồ Lắc (thuộc thị trấn Liên Sơn, Lắc, Đắk Lắk) ngay trước cửa trại voi của mình, ông Long buồn bã kể: "Y- Trút, voi đầu đàn (của gia đình) và cũng là con voi to nhất Đắk Lắk đã chết do ăn phải cỏ nhiễm thuốc trừ sâu và uống nước ở hồ Lắc. Trước đây vài năm, hồ Lắc nổi tiếng bởi vẻ đẹp hùng vĩ cùng nhiều cá, tôm. Vậy mà vài năm trở lại đây, nước hồ đã biến đổi, khiến cá tôm chết dần và không thể sinh sôi. Đó là do thuốc trừ sâu của người dân phun cho những cánh đồng trồng lúa quanh hồ, lâu ngày ngấm dần xuống nước, cùng với rác thải sinh hoạt".
 
Tiếng thở dài của đàn voi nhà Tây Nguyên - 1

Voi bản Đôn đứng trước nguy cơ diệt vong

Từ khi con Y- Trút bị chết, ông Long phải đào giếng để lấy nước cho voi uống và tắm rửa. Vả lại, chính đàn voi từ khi chứng kiến cái chết của Y - Trút cũng chẳng còn dám ra vui vầy ở hồ như trước nữa. Cả khi phải chở người ngang qua hồ, chúng cũng nhất định không chịu uống nước dù có khát đến mấy.

Trước đây, đàn voi của ông Long nổi tiếng oai phong lẫm liệt, giờ chúng cũng phải cam chịu cảnh ngộ cay đắng chung của voi nhà, đó là bị cưa ngà và sở hữu một chiếc đuôi cụt ngủn, trơ trọi vì đã bị cắt trụi hết lông.

Bà Hthu, vợ ông Long tâm sự: "Voi phải cưa ngà cho bớt dữ vừa đảm bảo an toàn cho khách du lịch muốn cưỡi voi vừa tránh sự truy sát của bọn săn trộm. Thế nhưng từ vài năm trở lại đây, bỗng thêm lông đuôi voi lọt vào tầm ngắm của chúng. Mới đây thôi, một con voi ở đây đã bị trộm chặt đuôi. Sợ quá, tôi cũng đành phải bấm bụng tỉa hết lông đuôi của đàn voi nhà mình, kẻo chúng bị “xẻo” lúc nào không biết thì tội lắm!".

Nhìn những chú voi trước oai phong lẫm liệt mà giờ mắt luôn cụp, không còn cặp ngà, lại ve vẩy cái đuôi trụi lủi, bà HThu ứa nước mắt.

Ông Long cũng chẳng vui hơn. Ngày ngày, cùng người nài già chăm sóc đàn, vầng trán ông lại hằn thêm những nếp nhăn suy tư, lo lắng cho sự suy vong của đàn voi Tây Nguyên đã hiện hữu rất gần.
 
Vô sinh vì thiếu không gian

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk lắk giờ chỉ còn 57 con voi nhà. Một số voi tập trung ở Buôn Đôn, số còn lại rải rác khắp nơi, nhiều nhất là ở huyện Lắc giờ cũng chỉ còn 20 con. Voi trước đây thường được bà con dùng để chở hàng, kéo gỗ, chở lúa, bắp trên rẫy về nhà, phục vụ nhu cầu đi lại. Nay, do cuộc sống thay đổi, voi chuyển sang phục vụ khách du lịch là chính. Tuy nhiên, lượng khách đến được vùng đất Tây Nguyên này không phải nhiều, nên nguồn thu nhập nhiều lúc không đủ để mua thức ăn nuôi voi.

Voi ăn rất khỏe, mỗi ngày cả tạ cỏ, mía... Vì vậy, chủ voi vẫn phải thả lên rừng để chúng tự kiếm cái ăn. Nhưng khổ nỗi, rừng giờ đây đã bị khai thác nhiều, đã cạn kiệt và cứ lùi mãi phía xa. Voi muốn tìm cỏ, cây trong rừng phải đi xa tít tắp. Mà đi xa quá thì không thể về ngay để phục vụ du lịch, lại dễ thành mồi cho bọn săn trộm. 

Đàn voi của ông Long cũng vậy, những ngày không có khách du lịch, nài lại phải cho voi lầm lũi vào rừng, cột lại một chỗ để nó quanh quẩn kiếm thêm thức ăn, bổ sung cho những bữa ăn ít ỏi, cầm chừng ở nhà.

Với lượng thức ăn ít, cộng thêm môi trường sống không còn trong lành như xưa đã khiến sức khỏe và tuổi thọ của voi nhà kém đi rất nhiều. Cũng nhiều năm trở lại đây, khả năng sinh sản của voi nhà ở tỉnh Đắk lắk hầu như đã bị mất hẳn. Vì suốt ngày phải chầu chực chở khách du lịch lại luôn bị cột lại khi ở rừng, voi thiếu không gian hoang dã rộng rãi, không được tự do trong tự nhiên suốt nhiều tuần, nhiều tháng... để có thể động dục và giao phối thành công.

"Từ lâu lắm, không có tin về voi con được sinh ra. Còn đàn cũ thì cứ vợi dần. Cứ đà này chỉ 20 năm nữa, Tây Nguyên sẽ không còn con voi nhà nào cả!"- Ông Long ngậm ngùi nói.

"Đặc sản" đuôi voi chặt khúc

Đến Buôn Đôn- Khu sinh thái nổi tiếng ở Đắk lăk, khách du lịch sẽ được giới thiệu ba thứ đặc sản. Một là toa thuốc tráng dương, bổ thận nổi tiếng của vua săn voi Ama Kông. Hai là cưỡi voi đi chơi ngược sông Sêrêpôk và cuối cùng là lông đuôi voi hoặc vòng ngà.

Đàn voi phục vụ du lịch ở Buôn Đôn giờ chỉ còn 5 con. Chúng nhỏ, gầy hơn cả voi ở huyện Lắc. Anh nài Khơneng cho biết, bởi voi ít khi được thả lên rừng, hơn nữa rừng giờ cũng cằn cỗi, ít thức ăn, nên chúng thường bị đói nhiều bữa!

Cũng có đặc điểm chung giống với voi ở huyện Lắc, đàn voi ở Buôn Đôn tất cả đều không có ngà và sở hữu chiếc đuôi trơ trụi. Nếu du khách có tò mò tìm hiểu về bộ dạng kỳ cục của những chú voi này thì họ sẽ được giải tỏa thắc mắc ngay khi bước chân vào bất kỳ cửa hàng lưu niệm nào ở đây. Vòng ngà được bày bán với giá 2-4 triệu/ chiếc.

Còn "đặc sản" lông đuôi voi thì được tất cả các chủ cửa hàng nồng nhiệt chào bán. Thôi thì đủ kiểu, có loại sợi lông đã lồng sẵn vào trong nhẫn, vòng, mặt dây chuyền bằng vàng, bạc giá khoảng 70-600 nghìn đồng/chiếc (tùy chất liệu, trọng lượng). Nếu khách không thích sản phẩm làm sẵn có thể mua riêng từng sợi lông voi. Để khách mua hoàn toàn tin tưởng đó là lông voi "xịn", các chủ cửa hàng sẵn sàng chưng cả khúc đuôi voi xám xịt, teo tóp nhưng tua tủa những lông cho khách ngắm nghía, lựa chọn, giá bán 70-100 nghìn đồng/sợi, tùy độ dài ngắn.
 
Tiếng thở dài của đàn voi nhà Tây Nguyên - 2

Khúc đuôi voi bị chặt trộm

Một chủ cửa hàng cho biết, những khúc đuôi như thế có giá trên dưới 12 triệu đồng và thường được mua lén lút từ bọn săn trộm.

Theo những người gắn bó với voi, thì đây là ác mộng vì khúc đuôi gắn với xương sống, nếu bị chặt voi sẽ đau đớn nhiều ngày, suy giảm ghê gớm về sức khỏe và tuổi thọ. Cũng vì bảo vệ con vật, tất cả chủ voi đều cắt trụi lông đuôi chúng, mặc dù biết, cái đuôi sẽ không còn tác dụng đập đuổi khi ruồi muỗi, côn trùng đeo bám.

Trong 5 con voi ở Buôn Đôn thì đã có 1 con bị chặt trộm đuôi. Cứ nhìn dáng con voi nhỏ gầy bị chặt đuôi cặm cụi chở khách với ánh mắt buồn bã cùng dáng đi thiếu sinh khí, anh nài Khơneng lại chạnh lòng. Càng thương voi, Khơneng càng lo lắng cho tương lai của mình. Anh thầm hiểu, có lẽ mình sẽ là một trong những người hành nghề nài voi cuối cùng ở Tây Nguyên, khi mà đàn voi nhà sắp tuyệt chủng.

          P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm