“Xóm chúa chổm” ở miền Tây Nghệ An:
Tiền tỷ “bay hơi” vì lỗi… khách quan!
(Dân trí) - Người dân Đông Thắng (Đông Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An) trồng hơn 36ha cà phê chè thì hơn một nửa số cà phê một tháng tuổi chết trắng, đồng nghĩa với việc <a href="http://www5.dantri.com.vn/Sukien/2007/3/170809.vip">gần 1,3 tỷ đồng “bay hơi”</a>. Ông Hà Văn Phùng - Giám đốc Nông trường Đông Hiếu - giải thích: “Cái đó là do mầm bệnh, lỗi là khách quan”.
Năm 1985, phía nông trường cũng đã tiến hành trồng cà phê chè ở xóm Đông Thắng nhưng thất bại. Nay mình lại tiếp tục lao vào “vết xe cũ”, thưa ông?
Cũng không hoàn toàn như thế. Vụ cà phê chè vừa rồi chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt. Và thực ra vùng đất này cũng rất thích hợp để trồng cà phê chè...
Nhưng mọi chuyện thật “thảm hại”?
Một số diện tích cà phê chè chết là do mầm bệnh - yếu tố khách quan. Phần kỹ thuật mình chỉ xử lý phần hố. Nhưng rất tiếc do trước đây mình trồng cà phê vối nên mầm bệnh từ loại này nó ảnh hưởng sang. Mặt khác địa hình nơi trồng lại trũng nên khi mưa xuống nó tập trung mầm bệnh...
Thiệt hại như thế nào thưa ông?
Ngay khi phát hiện ra sự cố, chúng tôi đã tiến hành thanh lý số cà phê chết và quy ra tổng số tiền bị mất trắng là gần 1,3 tỷ đồng (số tiền dân nợ nông trường - PV). Lãnh đạo nông trường cũng đã có chủ trương là cho những hộ dân có cà phê chết tiếp tục cải tạo đất và trồng mía. Riêng những hộ còn cà phê sống sót thì tiếp tục chăm sóc và trả nợ dần cho nông trường theo sản phẩm. Phía nông trường sẽ khoanh số nợ trên, dân chỉ phải trả trừ dần trong 3 năm có sản phẩm mía. Chỉ tính riêng khoản nợ lãi của số tiền trên hàng tháng nông trường cũng phải trả cho ngân hàng hàng trăm triệu đồng...
Tình trạng cà phê chè chết hàng loạt chỉ xảy ra với hàng trăm người dân ở xóm Đông Thắng?
Không riêng gì người dân nơi đây mà một số hộ dân ở các nông trường khác như Tây Hiếu 3, Cờ Đỏ... cũng bị chết do trồng trên nền đất trước đây là trồng cà phê vối. Còn những nơi trồng trên nền đất cao su thì cà phê chè sinh trưởng rất tốt.
Nghĩa là không riêng gì Đông Thắng mới trồng loại cây này?
Trong quy hoạch của công ty (Công ty cà phê và cao su Nghệ An - PV) là trồng cà phê chè từ năm 2003 đến 2010, trong đó Nông Trường Đông Hiếu trồng 600ha, còn cả công ty trồng khoảng 5 ngàn héc ta. Ngoài Đông Hiếu còn có thêm 4 nông trường khác cũng trồng cà phê chè là Tây Hiếu 1, Tây Hiếu 2, Tây Hiếu 3 và Cờ Đỏ. Sau vụ trên chúng tôi định xin chủ trương tỉnh chuyển đổi sang trồng cao su.
Quy hoạch này đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt và đã tiến hành trồng thử nghiệm?
Tỉnh đã đồng ý. Còn thử nghiệm thì chưa vì chúng tôi nghĩ cà phê chè cũng như cà phê vối.
Ai đã ký quyết định trên thưa ông?
Ông Chi (Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - PV).
Đặng Nguyên Nghĩa