1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiền tỉ vào túi nhà tư vấn nước ngoài, TPHCM vẫn lụt

Công ty Tư vấn quốc tế Binnie Black&Veatch Int'l (BBV) được chọn nghiên cứu khả thi dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm TPHCM, giai đoạn mở rộng. Giải pháp đưa ra không khả thi trong khi chi phí tốn hàng tỉ đồng.

Ai cũng biết khu vực quanh kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TH-LG) là “tâm điểm” ngập lụt nội thị TPHCM. Bùng binh Cây Gõ, mũi tàu Phú Lâm, khu vực rạch Cầu Mé, khu vực Bàu Cát, kênh Nước Đen, Chợ Lớn - chợ Soái Kình Lâm là những nơi mà Công ty Thoát nước đô thị có mặt đầu tiên trong mỗi trận mưa lớn. Còn kênh TH-LG thì “danh bất hư truyền” về tình trạng ô nhiễm và bốc mùi hôi thối bởi nước thải của các cơ sở sản xuất trải dọc theo con kênh này. Để cải thiện tình trạng trên, việc mở rộng cống, mở rộng kênh để tăng khả năng chuyển tải nước và nạo vét lớp bùn ô nhiễm tích tụ nhiều năm ở đáy kênh là việc phải làm. BBV cũng đề xuất những phương hướng như vậy, nhưng cách giải quyết của họ thiếu hẳn một cái nhìn thực tế. Đầu tiên là đề xuất lấp phần thượng nguồn của kênh TH-LG từ khu Bàu Cát (Q.Tân Bình) xuống quá cầu Hòa Bình với chiều dài 3.085 mét và thay bằng cống hộp. Tuy nhiên, việc lấp đi và thay bằng cống hộp với kích thước từ 4 - 10 mét là không cần thiết và cũng không có triển vọng cải thiện khả năng thoát nước, trong khi chi phí xây lắp và bảo dưỡng rất cao. BBV dự toán (theo thời giá đầu năm 2002) chỉ riêng tiền cống đã lên đến gần 200 tỉ đồng. Đề xuất này xem ra gần như là một sự copy của dự án lấp rạch Hàng Bàng mà bây giờ nhiều người nhận ra đó là một sai lầm. Rạch Hàng Bàng chỉ dài 300 mét, trước đây nhận nước thải và nước mưa của một phần các quận 5, 6 và 11 và đổ ra kênh TH-LG tại chân cầu Ông Buông. Nay người ta lấp đi, thay bằng cống hộp đổ ra kênh Tàu Hủ. Tuy dự án chưa hoàn thành nhưng nhiều người đã nhìn thấy hệ thống cống hộp này khó có thể thoát nước tốt như rạch Hàng Bàng nếu được nạo vét. Ở những nước tiên tiến, kênh rạch giữa lòng đô thị được xem như một phần cảnh quan và sinh thái, và cũng là phương tiện thoát nước hữu hiệu hơn là cống. Mặt khác, đoạn hạ lưu của kênh TH-LG đã được chứng minh là không đủ sức chứa và thoát hết nước mưa của toàn khu vực, lại còn chịu ảnh hưởng nặng nề của thủy triều sông Sài Gòn mỗi ngày 2 bận. Vì vậy, không nên đưa toàn bộ nước mưa về đây. Đã có nhiều nghiên cứu đề xuất chuyển một phần nước mưa ở thượng nguồn lưu vực này sang các vùng trũng và đất nông nghiệp của Bình Chánh để giảm áp lực lên đoạn hạ nguồn. Đó là một cách điều tiết nước mưa khôn ngoan và có lợi nhiều mặt. Thế nhưng BBV không quan tâm đến điều này. Có bao nhiêu nước mưa thì đưa ngay về hạ nguồn. Như vậy, khi trời mưa, nước trong kênh dâng lên nhanh và mau chóng lấp các miệng cống xả vào kênh vốn đã nằm ở vị trí rất thấp. Khi đó, chỉ có cách duy nhất để thoát được nước mưa ra kênh là dùng cửa phay chặn ngay miệng cống xả và dùng máy bơm nước từ cống ra kênh! Đây là cách “chữa cháy” hiện tại của thành phố với chi phí rất cao và hoàn toàn thụ động. Lẽ nào một dự án với hàng trăm triệu USD lại tiếp tục duy trì cách thức này? Để có đủ chỗ chứa và thoát nước, kích thước của kênh được đề xuất tăng lên một cách phi lý bằng cách nạo vét sâu xuống, nới rộng và xây bờ kè cao hơn mặt đất. Việc nạo vét sâu xuống ở những đoạn kênh bị ảnh hưởng của thủy triều không mang lại lợi ích gì đáng kể, vì phần sâu xuống này cũng sẽ bị chiếm chỗ bởi nước sông. Còn việc nâng cao bờ kênh vừa che mất sự thoáng đãng của mặt kênh, phá vỡ cảnh quan đô thị, vừa gây ứ đọng nước xung quanh bờ kè. BBV cũng dự kiến được sự ứ đọng này nên đề xuất khoan những cái lỗ dọc bờ kè cho nước thoát xuống. Cách làm này giống như người ta xây cái nhà bít bùng, đến lúc thấy bí quá thì khoét tường cho thoáng. Cũng cần nói thêm một điều rằng, các số liệu về kích cỡ của các đoạn kênh hiện tại mà BBV đưa ra thật sự khác xa với các số liệu của những báo cáo trước đó. Đối chiếu những số liệu này, người ta tưởng rằng trong những năm qua khu vực này đã trải qua những biến động địa chất lớn lao khiến mọi thứ đảo lộn. Một điều nữa cho thấy tầm nhìn rất đỗi hạn hẹp của BBV, đó là: trong tương lai, khi lũ lụt ngày một nghiêm trọng thì cứ việc nâng cao các bờ kênh này để tăng dung lượng chứa nước mưa cũng như nước sông, tránh hiện tượng nước tràn bờ. Đây là cách làm mà ngày xưa người Hà Lan thực hiện đối với hệ thống đê bao của họ để bảo vệ những vùng đất rộng lớn cạnh những con sông sau mỗi trận lụt nghiêm trọng hơn trước đó xảy ra. Gần đây, họ nhìn nhận lại những nhược điểm về mặt kinh tế và tính bền vững của giải pháp này và gọi đó là giải pháp kháng cự thụ động. Thay vào đó, những quốc gia gần biển, có mặt đất thấp so với mực nước biển đang ráo riết chuẩn bị những chiến lược ứng phó với hiện tượng ấm nóng toàn cầu với mực nước biển dâng cao và thiên tai khắc nghiệt hơn. Họ chủ trương sống chung với lũ, chấp nhận hy sinh những vùng đất trũng thấp, những vùng dân cư thưa thớt, ít quan trọng về mặt kinh tế cho ngập lũ để giảm thiểu thiệt hại cho những vùng quan trọng hơn. Hà Lan còn bắt buộc trẻ con từ 5 tuổi phải học bơi để đề phòng nguy cơ lũ lụt... Sau khi những tập báo cáo của BBV được hoàn thành (năm 2003), không ít người đã nói về sự chắp vá và tính bất khả thi của những giải pháp mà BBV đưa ra. Thế nhưng khi nói đến trách nhiệm của những người chọn thầu và nghiệm thu những báo cáo này thì không ai có ý kiến gì. Phải chăng của công thì không ai đau xót? Hay trình độ của chúng ta không đủ sức kiểm soát sự làm ăn thiếu trách nhiệm của một số công ty tư vấn nước ngoài? Giáo sư W.Bauwens ở bộ môn Thủy lực đô thị, Đại học Tự Do Brussels, người đã đến TPHCM trong vai trò là chuyên gia của dự án TH-LG năm 1999, khi biết về các giải pháp mà BBV đưa ra, ông chỉ lắc đầu ngao ngán: “Phi thực tế!”. Giáo sư Bauwens cũng cho biết: “Tôi đã hết sức ngạc nhiên bởi chất lượng quá thấp của một số báo cáo nghiên cứu mà tôi được đọc do các chuyên gia nước ngoài thực hiện ở Việt Nam. Tôi đã trao đổi vấn đề này với người giám đốc của một công ty tư vấn quốc tế tại Việt Nam, ông ta nói với tôi đại thể rằng: Chúng tôi không thể đầu tư sâu cho những nghiên cứu này, vì sự cạnh tranh với các công ty tư vấn quốc tế khác là hết sức khốc liệt. Bởi vậy chúng tôi chỉ áp dụng những kỹ thuật mà chúng tôi đã biết, dù biết rằng chúng không thật sự thích hợp với điều kiện của địa phương đó”.  “Tôi nghĩ rằng những quốc gia như Việt Nam cần có những người có năng lực thật sự để có thể làm việc với những nhà tư vấn nước ngoài ở trình độ ngang bằng”, giáo sư Bauwens nói thêm. Theo Thục Minh
Thanh Niên