1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Tiền nhà nước bị phung phí vì không có người tài"

(Dân trí) - Dốc bao nhiêu kinh phí mà không có người biết làm thì công tác chống dịch cũng thất bại. Cũng như hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam gây tốn kém không nhỏ cho ngân sách nhà nước rồi cuối cùng chỉ để... cất đi!

Đó là trăn trở của bác sĩ (BS) Đỗ Gia Cảnh - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) - Phó Tổng Thư ký Hội Y tế Dự phòng Việt Nam.

Quan trọng hóa vấn đề yêu cầu tài chính?

Có ý kiến cho rằng ngành Y tế dự phòng đang quan trọng hoá vấn đề dịch bệnh vì muốn Nhà nước tăng cường kinh phí?

Đó là hai vấn đề. Ngành Y tế dự phòng có quan trọng hoá vấn đề thì cũng không nằm ngoài mục đích nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng và chữa bệnh. Để thay đổi phong tục, tập quán của người dân cần có quá trình lâu dài chứ không phải tống tiền vào là được.

Ví dụ, chỉ riêng tuyên truyền cho thói quen ăn chín uống sôi, rửa tay trước ăn, chúng ta đã làm mấy chục năm nay rồi. Vậy mà cách đây không lâu, khi chúng tôi tiến hành đánh giá thói quen người dân ven biển miền Trung, tỷ lệ người uống nước lã vẫn chiếm 70% - 80%.

Theo ông, mức kinh phí hàng nghìn tỉ đồng mà Nhà nước dành cho ngành Y tế dự phòng hiện nay đã đủ chưa? Có nên tăng cường nữa không?

Trong điều kiện hiện nay thì chả có ngành nào nói đủ cả, ngành nào cũng kêu thiếu (?!)

Riêng ngành Y tế dự phòng, nếu như chỉ tăng kinh phí mà không có những người được đào tạo bài bản, am hiểu về chuyên môn phòng dịch thì bao nhiêu tiền cũng không đủ!

Nghiên cứu khoa học kiểu VN độc nhất vô nhị

32 năm làm khoa học hẳn cho ông nhiều kinh nghiệm trong vấn đề hợp tác quốc tế. Đã bao giờ ông bị "mắc bẫy", hay nói cách khác là bị lợi dụng chất xám?

BS Đỗ Gia Cảnh là nhà khoa học có uy tín trong nước và quốc tế. Ông đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu, sản xuất vắcxin tại Việt Nam và đã hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai thành công nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam như: phòng chống tiêu chảy, nghiên cứu và thực nghiệm vắcxin mới, đưa vắcxin đến với trẻ em, học sinh, nhân dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

 

Hiện ông là Phó Tổng Thư ký Hội Y tế Dự phòng Việt Nam, Hội viên Liên đoàn Y tế Công cộng Hoa Kỳ, Hội viên Liên đoàn Y tế Cộng đồng Thế giới.

 

Ông đã có 32 công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng thế giới và ứng dụng vào thực tế.

Tôi rất ít đi nước ngoài dài ngày, nhưng luôn phối hợp chặt chẽ với bạn bè quốc tế qua các phương tiện như: internet, điện thoại, fax... công việc rất trôi chảy. Trong thời đại toàn cầu hoá này, không một cá nhân nào có thể hoàn thiện một đề tài lớn mà phải biết phối hợp tranh thủ thông tin, chất xám, đừng ngồi đợi để xin xỏ hay hỗ trợ. Có lẽ quan niệm vậy nên tôi chưa gặp vấp váp gì cả.

Các công trình nghiên cứu khoa học của ông thường liên quan đến các Viện nghiên cứu khoa học của Mỹ. Trong khi Viện VSDTTƯ - nơi ông làm việc - lại có tiền thân là Viện nghiên cứu của Pháp và rất nhiều đồng nghiệp của ông thích hợp tác với các nhà khoa học Pháp?

Tôi khâm phục các nhà khoa học Mỹ. Khi họ đã quyết điều gì thì không một sức mạnh hay thế lực nào có thể ngăn cản được họ. Bài học lớn nhất của họ mà tôi có được là các đề tài nghiên cứu của họ hết sức thực tế không có đề tài nào mà không gắn thêm phần kinh tế - y tế.

Đó có phải là bài học mà chúng ta phải học tập, bởi hiện nay có rất nhiều công trình nghiên cứu tốn kém nhiều tỷ đồng nhưng cuối cùng đắp chiếu hoặc chỉ đem ra giới thiệu rồi "cất"?

Chả có kiểu nghiên cứu nào như ở Việt Nam, vừa đá bóng vừa thổi còi. Một đề tài cán bộ khoa học vừa nghiên cứu lại vừa tự giám sát, tự xử lý số liệu, rồi hội đồng đạo đức đề tài duyệt lại là cán bộ phụ trách của chính cơ quan mình, thế thì làm sao chấp nhận được, ai tin?

Đây cũng là nguyên nhân giải thích hiện tượng lực lượng giáo sư ở nước ta rất hùng hậu nhưng số công trình nghiên cứu khoa học được thế giới công nhân và được ứng dụng rất ít ỏi.

Không sợ thiếu việc, chỉ sợ thiếu tài

Đánh giá của ông về các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay?

Rất đáng trân trọng, chúng ta đang có một lớp nhà khoa học trẻ đã được đào tạo bài bản ở trong nước và quốc tế. Họ dám nghĩ, dám làm, dám đòi hỏi. Đó là điều nổi trội so với thế hệ xưa của chúng tôi. Chính họ sẽ góp phần không nhỏ làm thay đổi nền khoa học nước nhà. Tuy nhiên, để thành công nhanh hơn nữa, các nhà khoa học trẻ cần cọ xát quốc tế nhiều hơn, tự tin hơn khi giao tiếp với thế giới.

Đã từng nghe không ít lời kêu ca của các nhà khoa học trẻ về sự bất công ở nơi làm việc. Thù lao mà họ có được quá ít so với công sức bỏ ra?

Những người kêu ca chưa chắc đã là những người giỏi thực sự. Sự thực là các nhà khoa học trẻ thành đạt và giàu có ở Việt Nam ngày càng nhiều. Xã hội bây giờ sòng phẳng lắm, không sợ thiếu việc, chỉ sợ anh thiếu tài thôi.

Tuy nhiên, tôi có một điều đúc kết từ cả quãng thời gian làm khoa học của bản thân: Cuộc đời không phải chỉ là sự nghiệp, tiền bạc mà cần có cả tình người. Mà làm người thì khó lắm!

Cảm ơn Bác sĩ!

P. Thanh (thực hiện)