1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Tiền hỗ trợ người nghèo vào tay... người không nghèo!

(Dân trí) - Giải ngân tiền hỗ trợ khi không có hóa đơn chứng từ, tiền hỗ trợ người nghèo lại vào tay người không nghèo, tiền về thôn bản nhưng không đến hộ nghèo…. Đó là những gì đã xảy ra tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - một trong những huyện nghèo nhất nước.

Sau khi thanh kiểm tra các chính sách hỗ trợ người nghèo tại huyện Quan Sơn, ngành chức năng Thanh Hóa đã chỉ ra rất nhiều sai phạm tại huyện này.

Tiền người nghèo vào tay cán bộ

Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 cũng như chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra đã phát hiện nhiều xã để xảy ra tình trạng tiền người nghèo nhưng lại vào tay cán bộ.

Cụ thể, tại xã Sơn Thủy, các hộ dân được nhận 70 triệu đồng tiền hỗ trợ theo Quyết định 102 thế nhưng dù người dân không được nhận, danh sách nhận lại được ký. Trên thực tế, thủ quỹ xã này đã không cấp cho hộ nghèo mà “ém” số tiền gần 70 triệu đồng.

Nhiều hộ nghèo không được nhận tiền hỗ trợ vì bị chuyển qua cho hộ không nghèo hoặc vào tay cán bộ.
Nhiều hộ nghèo không được nhận tiền hỗ trợ vì bị chuyển qua cho hộ không nghèo hoặc vào tay cán bộ.

Ngoài ra, tại bản Xía Nọi của xã này, cũng tình trạng ký khống tiền hỗ trợ khai hoang theo Quyết định 755 nhưng người nghèo không được nhận số tiền lên đến 90 triệu đồng.

Thanh tra cũng chỉ ra tại xã Sơn Điện, chính sách hỗ trợ nghệ giống cho 5 hộ nghèo trị giá 15 triệu đồng. Thế nhưng UBND xã không tổ chức thực hiện cho các hộ có trong danh sách được phê duyệt mà cấp phát cho 2 đối tượng là công chức UBND huyện và công chức UBND xã số tiền trên.

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp, UBND huyện Quan Sơn giải thích do “nhầm lẫn”.

Sử dụng tiền hộ nghèo “vô tội vạ”

Khi huyện cấp tiền về cho các xã (năm 2015 và 2016), nhiều trưởng bản nhận tiền nhưng không chi cho dân mà chi sai mục đích. Có bản thay vì đưa tiền thì lại cấp... phân bón.

Cụ thể, xã Mường Mìn được cấp gần 86 triệu đồng đã chuyển qua cấp phân bón NPK nhưng không ghi chép việc mua bán phân và không có danh sách ký nhận phân năm 2015; năm 2016 cấp 8,2 tấn phân (tương đương 51,6 triệu đồng).

Xã Tam Thanh năm 2016 nhận 97 triệu đồng và đã chuyển qua cấp hơn 15 tấn phân NPK không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng.

Tiền hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ nhưng lại được cán bộ một số xã, thôn bản sử dụng vô tội vạ (Ảnh: một góc bản Mùa Xuân, huyện Quan Sơn)
Tiền hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ nhưng lại được cán bộ một số xã, thôn bản sử dụng "vô tội vạ" (Ảnh: một góc bản Mùa Xuân, huyện Quan Sơn)

Tại xã Na Mèo, các hộ dân tại các bản Ché Lầu, Xộp Huối phản ánh không nhận được tiền hỗ trợ năm 2015 với số tiền hơn 14 triệu đồng, Trưởng bản này giải trình trừ tiền trên vào tiền dân nuôi cán bộ thôn bản 120.000/khẩu/năm.

Xã Sơn Điện năm 2015, 2016 các hộ dân cũng không nhận được tiền hỗ trợ mà tiền này đã bị UBND xã giải trình lấy chi cho các Trưởng bản số tiền gần 164 triệu đồng làm quỹ bản.

Xã Tam Thanh năm 2015 và 2016 người dân được cấp hỗ trợ gần 167 triệu đồng tiền mặt nhưng dân nghèo không được nhận mà xã này sử dụng vào mục đích khác như làm nền nhà văn hóa hay cấp phân bón. Tất cả đều không được xã này có hóa đơn chứng từ, chứng minh.

Xã Trung Xuân, năm 2015, 2016, UBND xã cấp tiền mặt cho các trưởng bản, các trưởng bản không cấp tiền mặt cho các hộ nghèo số tiền sai phạm gần 30 triệu đồng.

Ngoài ra, rất nhiều nơi tiền hộ nghèo lại mang cấp cho người không nghèo. Xã Mường Mìn hỗ trợ máy móc nông cụ không đúng đối tượng cho 7 hộ không nghèo số tiền sai phạm 35 triệu đồng. Xã Tam Thanh, có 5 hộ không nghèo vẫn nhận được, tiền số tiền sai phạm 25 triệu đồng. Xã Trung Hạ có 18 hộ không nghèo được nhận hỗ trợ, số tiền lên đến 90 triệu đồng…

Bên cạnh đó, tiền hỗ trợ còn được xã “ưu ái” cho một số hộ vượt quá định mức.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Trung Hạ giải thích, do tưởng hộ cận nghèo cũng được hưởng nên xã cấp nhầm tiền hỗ trợ mua nông cụ, máy móc cho 18 hộ với số tiền 90 triệu đồng.

“Dân toàn đồng bào dân tộc nghèo khổ, cấp thì dễ nhưng giờ thu về rất khó. Chúng tôi cũng đã yêu cầu người dân được hưởng sai đối tượng trả lại tiền nhưng chưa thu được bao nhiêu. Xã đang cố gắng trong tháng tới sẽ thu đủ nộp về ngân sách huyện” – ông Sinh cho biết.

Cũng theo ông Sinh thì hiện xã đã họp kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc việc làm trên. Phương án nếu dân không chịu trả lại tiền thì sẽ yêu cầu trả góp mỗi tháng.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, thừa nhận những sai sót nêu trên và cho biết công tác giám sát của huyện, xã còn chưa sát sao.

"Trong số tiền sai phạm hơn 1,3 tỷ đồng thì có hơn 200 triệu đồng thanh tra yêu cầu thu về ngân sách, hiện đã thu được gần một nửa. Hơn 1,1 tỷ đồng còn lại huyện đang khắc phục, yêu cầu địa phương thu về chi trả lại cho đúng đối tượng” - ông Đạt nói.

Cũng theo ông Đạt thì hiện huyện chưa xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể do khắc phục hậu quả chưa xong. Khi nào xong sẽ tùy vào mức độ sai phạm của các cá nhân, tập thể để đưa ra hình thức xử lý theo quy định.

Bình Minh