1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mặt bằng lãi suất mới:

Tiền gửi ngân hàng không còn thực lãi

(Dân trí) - Sau những đợt điều chỉnh cắt giảm, mặt bằng lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại đã không còn thực dương. Ngược lại, “đáy” lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức 17,5% và không phải doanh nghiệp nào cũng được vay vốn.

Khó đầu ra

Sau hai phiên họp gần đây nhất giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng tại Hà Nội và TPHCM vào ngày 8 và 9/10 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng, với mức bình quân chỉ còn khoảng +/- 17%/năm.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho hay: “Trong điều kiện lạm phát, ai cũng phải chịu thiệt. Vào lúc này, chúng ta không thể đòi hỏi lãi suất thực dương được”.

Hàng loạt động thái cắt giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại thời gian gần đây được nhìn nhận là phù hợp với tình hình lạm phát đang được kiềm chế ở mức tối ưu nhất. Quan trọng hơn, khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh thì ngân hàng không thể duy trì lãi suất cho vay cao để “chịu lỗ về mình”.

Theo giám đốc một ngân hàng TMCP: “Nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp để ổn định và phát triển kinh doanh trong những tháng cuối năm rất lớn, nhưng không phải ai chúng tôi cũng cho vay. Hiện ngân hàng chỉ cho vay với những khách hàng có tiềm lực, có mối quan hệ “thâm giao” và mức lãi suất cho vay cũng không thể quá cao so với mặt bằng chung”.

Đại diện của Vietinbank nói: “Các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động, không có lý do gì để chúng tôi trả lãi suất cao hơn để ứ đọng vốn. Mặt khác, lãi suất huy động giảm là cơ sở để ngân hàng hạ lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn với giá rẻ hơn, tăng sức cạnh tranh về giá hàng hóa trên thị trường”.

Không thể cho vay vốn với mức lãi suất cao hơn huy động, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động, nhất là đối với các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/9 đã tăng 10,71% so với cuối năm 2007; dư nợ tín dụng cho vay nền kinh tế tăng 18,03% so với cuối năm 2007, thấp hơn mức tăng 30% của cùng kỳ năm trước.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm từ 1,5 - 2%/năm so với đầu tháng 9; lãi suất thị trường bắt đầu có xu hướng giảm dần; lãi suất cho vay VND giảm khoảng 1%/năm so với tháng trước. Lãi suất cho vay USD giảm khoảng 0,5 - 1%/năm, lãi suất cho vay VND của các ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến ở mức 19,5%/năm.

Đó là trong tháng 9, còn hiện tại, một loạt ngân hàng kể cả quốc doanh lẫn cổ phần đều công bố biểu lãi suất cho vay mới, với mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) giảm lãi suất cho vay VND 17,5%/năm - 17,8%/năm.

Rộng rãi hơn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam đã giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống 17,5%/năm cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại vừa và nhỏ, với vốn giải ngân khoảng 3.000 tỷ đồng. Và kể từ ngày 13/10, Vietinbank giảm lãi suất cho vay với tất cả các đối tượng xuống 18,2%/năm, đây được xem là đợt cắt giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, với biên độ 1,3%/năm.

Như vậy, với hạng loạt ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay, đến thời điểm này, “đáy” lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên ở mức 17,5%.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác lại chọn phương thức hạ lãi suất cho vay tài trợ xuất khẩu bằng VND theo lãi suất USD. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tài trợ bằng với mức lãi suất cho vay USD 9%/năm. Trước đó, Ngân hàng Á Châu cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng xuống mức 7,7 - 8,8%/năm và lãi suất tài trợ xuất khẩu sau khi giao hàng chỉ còn từ 6,3 - 7,7%/năm, giảm hơn 1% so với biểu lãi suất cũ…

Không phải DN nào cũng được vay vốn

20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có nguy cơ phá sản, 80% đang gặp khó khăn… nguyên nhân chính là thiếu vốn. Nhiều ngân hàng đã chú tâm hơn trong việc phân bổ nguồn vốn vay đến với những đối tượng này, nhưng tiêu chí cho vay được xem xét kỹ lưỡng và không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng được đáp ứng nhu cầu.

Đại diện của Vietinbank, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết: DN muốn tiếp cận vốn vay, không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng đáp ứng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với DNNVV của Vietinbank đã tăng 20% so với đầu năm, có những ngân hàng lên tới 30%, nhưng cũng có ngân hàng chỉ 8%.

Thời gian này, có không ít hội thảo quy mô lớn nhằm tháo gỡ khó khăn cho khối DNNVV, trong đó có nhấn mạnh tới việc khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Theo đại diện một số ngân hàng, các DN cũng nên xem lại mình, bởi bản thân năng lực của nhiều DN không thể tiếp cận được vốn vay của ngân hàng.

“Hoạt động của ngành ngân hàng có những nguyên tắc nhất định, nhất là trong lĩnh vực tín dụng. Chúng tôi rất thận trọng với các khoản vay vốn, không thể cứu một DN làm ăn thua lỗ mà để ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. An toàn của ngành ngân hàng quan trọng hơn nhiều so với mức độ an toàn của từng DN cụ thể”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, bài học về việc sụp đổ quỹ tín dụng Ô Chợ Dừa những năm 1990 - 1991 là một ví dụ. Cho vay vốn tràn lan, không xem xét đến năng lực của DN, mất lòng tin của người gửi tiền khiến làn sóng đi rút tiền ngày một tăng cao. Mất khả năng thanh khoản, một mô hình gần gũi với bà con tư thương bán lẻ thời đó đã bị sập vì những khoản cho vay “không đúng chỗ”.

Nguyễn Hiền