“Tiền đâu để nuôi bộ máy hùng hậu như thế”
(Dân trí) - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng, công chức trong biên chế hiện đã “phình” ra không cách nào có thể khống chế. Chưa hết, ở cấp xã, số người nhận phụ cấp quá lớn mà theo ông là không cách gì có thể “đáp ứng” nổi.
Thực tế thường có những… tế nhị
Một vấn đề được nhiều ý kiến đòi hỏi sự điều chỉnh của luật tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội chiều 23/7, đó là hiện tượng công chức, nhất là công chức giỏi rời khỏi bộ máy nhà nước đang có xu hướng gia tăng.
Ông Trần Thế Vượng dẫn ra kết quả một cuộc điều tra dư luận xã hội, nguyên nhân công chức từ bỏ vị trí của mình là do chế độ chính sách, là do việc bố trí cán bộ không hợp lí, thậm chí nhiều khi người giỏi không dùng lại dùng người kém. Vấn đề này được ông Vượng nhấn mạnh là cần phải làm rõ, từ đó giúp cho việc xây dựng luật.
“Bộ máy hiện nay rất cứng nhắc, không năng động sáng tạo” - bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội nêu quan điểm. Theo bà Mai, với cơ chế hiện nay, người làm tốt hay không tốt đều có thể được bố trí.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng “bắt” tiếp vào nỗi lo: “Nhiều công chức bỏ ra bên ngoài làm, trong khi đây là lực lượng được nhà nước đào tạo, bồi dưỡng qui hoạch”. Luật này có giải quyết được các vấn đề của thực tiễn, có những điều gì đó để bồi dưỡng, sử dụng hợp lí nhân tài cũng như đãi ngộ thích hợp hay không là băn khoăn bà Phóng nêu lên.
Từ thực tiễn công tác của mình, bà Phòng đúc kết, dù lúc nào chúng ta cũng nói đều là cán bộ, không phân biệt đối xử, nhưng thực tế lại thường có những… tế nhị. “Từ lương bổng, đào tạo cho đến quan điểm sử dụng, cất nhắc cán bộ đều khiến anh em rất dễ tâm tư”, bà Phóng phân tích.
Không “ngăn cản” được bộ máy phình to
Tính đến ngày 31/12/2007, cả nước có 204.146 cán bộ, công chức cấp xã và có khoảng hơn 500.000 đối tượng ở cấp xã được hưởng phụ cấp hoặc khoán kinh phí từ ngân sách.
Hiện, cả nước có trên mười ngàn đơn vị hành chính cấp xã và trên 110.000 thôn, làng, bản, ấp... Nếu tăng biên chế theo đề nghị là 1 chức danh cho mỗi xã thì sẽ tăng hơn 10.000 cán bộ, công chức. Nếu tăng thêm ở mỗi thôn một định suất cán bộ không chuyên trách, sẽ tăng hơn 110.000 người được hưởng phụ cấp. |
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, số cán bộ, công chức trong biên chế hiện đã “phình” ra không cách nào có thể khống chế, thậm chí có tình trạng hễ thích là cho tăng thêm phòng ban. Chưa hết, hàm vụ trưởng, vụ phó, cấp phó cũng được đăt ra rất nhiều, không có gì “ngăn cản” được.
Cũng theo ông Vượng, 10 năm trước đã đặt ra vấn đề tinh giản 15% biên chế, nhưng đến nay không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển cũng than thở: “Chúng ta đặt ra tinh giản, nhưng cũng không giản được”. Ông Hiển cho rằng, từng có thời kì làm lãnh đạo ở địa phương, ông thấy “đến khổ” với việc thay đổi số phòng ban liên tục ở cấp huyện. Trong một nhiệm kì, lúc đầu giảm số phòng ban xuống 9-11, đến cuối nhiệm kì lại nâng lên rất nhiều phòng ban.
Nhưng nan giải nhất là xu hướng “phình” to bộ máy ở cấp xã hiện nay. Hiện mỗi xã có khoảng 17-25 cán bộ chuyên trách trong khi đội ngũ bán chuyên trách bình quân ở nhiều xã lên tới 200 người.
Theo chủ nhiệm UB Tài Chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển hiện tượng phụ cấp nọ “đuổi theo” phụ cấp kia đang khiến gánh nặng ngân sách ngày càng nặng hơn. Trước đây, trưởng thôn chỉ được phụ cấp 40 nghìn đồng/tháng, sau đó công an viên thôn được trả 100 ngàn đồng khiến trưởng thôn, bí thư chi bộ “kiến nghị”. Phụ cấp cho trưởng thôn, bí thư chi bộ vì thế mà phải tăng cho bằng...
Nay pháp lệnh công an xã đang bàn sẽ tăng cường thêm công an viên cho các thôn và hưởng mức lương tối thiểu. Theo ông Hiển, nếu tiếp tục tăng cho trưởng thôn, bí thư chi bộ như vậy thì số chi sẽ quá lớn.