Tiền chênh giá đất “chui” vào túi công chức và doanh nghiệp
Bộ trưởng Mai Ái Trực nói ông không bình luận về con số <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/2/165385.vip">70 tỷ USD thất thoát</a> do chính sách “hai giá” đất. Song theo Bộ trưởng, số tiền Nhà nước thất thoát này chắc chắn rơi vào túi doanh nghiệp và cán bộ, quan chức thực hiện giao, cho thuê đất.
Bộ trưởng từng nói sẽ xoá bỏ cơ chế “hai giá”. Nhưng đến nay thực tế này vẫn tồn tại?
Chúng ta đã xử lý một bước rồi. Hiện nay giá đất khi đền bù, giá đất cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và giá đất khi giao đất cho doanh nghiệp là theo giá thị trường trong điều kiện bình thường.
Nhưng theo phản ánh thì tại nhiều địa phương, vẫn xảy ra tranh chấp, khiếu kiện do người dân không chịu nhận tiền đền bù mà UBND tỉnh áp theo giá Nhà nước, trong khi đất của họ phải được tính đền bù theo giá thị trường?
Bây giờ vấn đề là phải kiểm tra đôn đốc họ thôi chứ quy định đã có rồi. Mà trách nhiệm Bộ Tài nguyên Môi trường là xây dựng và kiểm tra việc thực hiện các quy định, chứ Bộ không đi giao đất, không cho thuê đất...
Thứ trưởng Đặng Hùng Võ vừa tính toán, trong khoảng 10 năm qua, chúng ta mất hơn 70 tỷ USD về chính sách “hai giá” đất. Theo Bộ trưởng thì số tiền lãng phí, thất thoát đó rơi vào túi đối tượng nào?
Tôi không bình luận con số 70 tỷ USD, nhưng mà tôi nói việc thất thoát nó ở đâu. Lấy ví dụ đất của mình đúng giá 10 triệu, nhưng mà giao doanh nghiệp có 2 triệu thì rõ ràng thất thoát vào túi doanh nghiệp chứ túi ai nữa. Thứ hai là doanh nghiệp buộc phải “boa” lại cho mấy ông giao đất và cho thuê đất, thì đương nhiên vào túi mấy ông đó thôi.
Rõ ràng là có tiêu cực. Giá đất mà càng thấp thì nhiều người lăn vào. Anh này muốn tranh anh kia để mà lấy được thì lại phải lót tay, lót túi cho người ta.
Vậy thì đến bao giờ chúng ta chấm dứt được thực trạng trên?
Đang làm đấy. Điều 56 của Luật đất đai quy định giá đất sát với giá thị trường rồi.
Qua phản ánh của các doanh nghiệp thì các mắc mớ trong cấp sổ đỏ và giao đất, cho thuê đất chủ yếu là ở cấp xã, phường, thị trấn. Vậy thời gian tới Bộ có cách gì để chấn chỉnh tình trạng trên?
Ðây là câu chuyện có lẽ không chỉ trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà trong nhiều lĩnh vực khác, người dân rất than phiền các thủ tục hành chính đều phải lót tay. Ví dụ người có trách nhiệm thực thi pháp luật thì lại rất nhiêu khê. Ðiều này chỉ ra rằng, cán bộ hoặc là thiếu trách nhiệm, hoặc là đòi “ăn đút lót”.
Cho nên bây giờ phải chấn chỉnh lại tác phong làm việc của cán bộ cấp cơ sở. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt việc này.
Bộ trưởng có thấy đáng lo ngại về hiện tượng cán bộ địa phương gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp thông qua các thủ tục xin cấp đất, thuê đất, chứng nhận quyền sử dụng đất?
Việc này tôi biết lâu và kỹ rồi. Cho nên trong Nghị định 181, có một chương nói về xử lý cán bộ làm sai. Chỉ có điều hôm nay là nghe thêm thôi.
Quy định có rồi, xử phạt, cảnh báo, truy tố cũng có, nhưng thực tế thì tiêu cực, nhũng nhiễu vẫn tiếp diễn? Phải làm sao để chấm dứt tình trạng này, theo Bộ trưởng?
Siết chặt kỷ cương. Thường xuyên đôn đốc nhắc nhở. Như Hà Nội vừa rồi đi trước một bước. Phải có những bàn tay sắt, phải “rắn” cơ! Chứ còn để cho đội ngũ cán bộ mình thế này, là hỏng! Dân họ kêu ca. Thấy tăng trưởng kinh tế cũng mừng rồi. Vào WTO thấy phấn khởi nhưng về xin giấy này, xin giấy kia, thấy nó phiền hà vô cùng.
Xin cảm ơn ông.
Theo Nguyệt Minh
VTCNews