Tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h sau sinh vẫn là tối ưu

(Dân trí) - Đó là khẳng định của các nhà chuyên môn cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước băn khoăn của nhiều người có nên hoãn thời gian tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h sau sinh để phòng ngừa nguy cơ tai biến.

Tại hội thảo khoa học “An toàn tiêm chủng vắc xin”, ông Jean - Marc Olivé, Trưởng đại điện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Nếu không tiêm trong 24h, trẻ có thể nhiễm vi rút ngay trong quá trình sinh nở. Làm tốt công tác tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h sau sinh sẽ giảm 16-20% người lành mang bệnh cho thế hệ sau, từ đó làm giảm tỷ lệ người bị xơ gan, ung thư gan. Với tỷ lệ hơn 70% trẻ sơ sinh được tiêm viêm gan B hiện nay ở Việt Nam sẽ giảm được 12% người lành mang vi rút sau này”.

Ông cho biết thêm, vắc xin viêm gan B không có chống chỉ định, trẻ sinh non, sinh thiếu cân... cũng có thể tiêm được, tỷ lệ tai biến sau tiêm là 1-2/triệu liều, rất thấp. Trên thế giới có rất ít nhà sản xuất vắc xin viêm gan B, do đó, chất lượng vắc xin là tương đối thuần nhất. Ở Việt Nam, tỷ lệ người lành mang vi rút viêm gan B khá cao. Nếu không tiêm trong 24h sau sinh, trẻ có nguy cơ cao nhiễm vi rút ngay trong quá trình sinh nở và sự tiếp xúc sau sinh..

Hơn nữa, các ca tai biến sau tiêm vắc xin ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã được chứng minh là không có liên quan tới chất lượng vắc xin. Vì thế, không có lý do gì để chúng ta sợ vắc xin này mà không cho con đi tiêm, bé sẽ có nguy cơ nhiễm vi rút gây viêm gan B dẫn đến các bệnh về gan. Khi đó, việc điều trị không chỉ tốn kém, lâu dài mà cũng rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.

Thông thường, mức độ rủi ro cho phép sau khi tiêm vắc xin là 1 phần triệu. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ tai biến có nghi ngờ liên quan đến vắc xin trong thời gian qua ở nước ta không phải là đột biến mà ở dưới mức cho phép rủi ro. Như các ca tai biến liên quan đến vắc xin viêm gan B đứng đầu trong các ca tai biến cũng mới là 0,99 phần triệu.

Tuy nhiên, Jean - Marc Olivé cũng cho rằng, dù các ca tai biến liên quan đến vắc xin ở Việt Nam vẫn ở mức rủi ro cho phép, nhưng một phần nguyên nhân khiến người dân trở nên hoang mang, không dám đưa con em đi tiêm chủng là do quá trình điều tra các ca tai biến này là quá dài và tản mát. Do vậy, để người dân không quay lưng lại với tiêm chủng, khi xảy ra tai biến không mong muốn, việc đầu tiên ngành y tế cần làm là nhanh chóng điều tra nguyên nhân. Khi công chúng có một câu trả lời rõ ràng, nhanh chóng và tin tưởng, họ sẽ không mất lòng tin, hoang mang như bây giờ.

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư thì cho rằng, do trong tổng số số 12 trẻ tử vong nghi ngờ liên quan đến vắc xin năm 2007 và 3 tháng đầu năm 2008, có tới 11 ca trẻ tiêm vắc xin viêm gan B (5 trẻ chỉ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h sau sinh, 6 trẻ tiêm vaccin viêm gan B và các vắc xin khác) nên nhiều người dân e ngại loại vắc xin này và không cho con đi tiêm.

Điều này dẫn tới một vấn đề đáng lo ngại, đó là số trẻ được tiêm vắc xin viêm gan B giảm trên toàn quốc. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, năm 2006, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B trên cả nước đạt hơn 90%. Nhưng đến năm 2007, chỉ còn 5 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm phòng viêm gan B hơn 90%, thậm chí có tỉnh chưa đạt tỷ lệ 50%. Bên cạnh đó tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ nói chung trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2006, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 95,7% đã giảm xuống còn 81,2% vào năm 2007.

“Không chỉ các bậc cha mẹ e ngại, không muốn cho con đi tiêm vắc xin, mà ngay cả các cán bộ y tế cũng hoang mang, dao động không muốn làm công tác tiêm chủng, nhiều người xin chuyển công việc khác hoặc e ngại sợ bị quy kết trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra nên đưa ra các chống chỉ định tiêm chủng quá rộng và không cần thiết. Việc này đã dẫn tới hậu quả là rất nhiều trẻ không được tiêm vắc xin viêm gan B nói riêng và tiêm chủng nói chung. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành y tế dự phòng đang phải đối mặt với tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh và nguy cơ bệnh tật gia tăng trở lại”, ông Hiển nói.

Đưa con đi tiêm là bảo vệ sức khoẻ cho trẻ và cộng đồng. Các rủi ro như sốc phản vệ là đáng tiếc, nhưng chúng ta nên chấp nhận rủi ro này, vì tỷ lệ rất thấp và ở bất cứ quốc gia nào khi tiêm chủng cũng tồn tại những rủi ro này. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có cách nào để biết trẻ như thế nào thì có phản ứng với vắc xin. Chỉ chống chỉ định với những trẻ tiêm mũi 2, khi mũi 1 có vấn đề, khi trẻ đang ốm...

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất, tới đây, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ trang bị 990 tủ lạnh chuyên dụng, 36 tủ đá, 1.000 hòm lạnh để thay toàn bộ dây chuyền bảo quản lạnh vắc xin ở tuyến huyện và phần lớn tuyến tỉnh, trang bị phích đựng vắc xin cho tuyến xã…

Hồng Hải