TPHCM:
Tiếc thương cây đại thụ của nền nhiếp ảnh Việt Nam
(Dân trí) - “Cụ ra đi rất thanh thản, buổi chiều cụ nói hơi mệt rồi vào phòng nằm nghỉ. Con cháu ăn cơm chiều xong lên thăm thì cụ đã đi rồi. Nhìn cụ nằm đó mà tôi cứ tưởng là cụ đang ngủ”, anh Lã Linh Phương, cháu ngoại nhiếp ảnh gia Võ An Ninh kể.
Nghệ sĩ bên bộ sưu tập ảnh về nạn đói năm 1945
Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm nghệ sĩ Võ An Ninh
Suốt cuộc đời mình, ông luôn tìm tòi, sưu tầm và cất giữ những bức ảnh có giá trị lớn đối với nghệ thuật nói chung và nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng. Ông từng là phóng viên ảnh của Xưởng phim đèn chiếu Việt Nam, Sở kiểm lâm Hà Nội thời thuộc Pháp, rồi Ủy viên Trung ương Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam...
Nụ cười này đã ra đi mãi mãi
Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Vũ An Tuyết (tức Võ An Ninh) sinh ngày 18/6/1907 tại Hà Nội, đã từ trần vào lúc 19 giờ ngày 04/06/2009 tức 12/5 âm lịch tại nhà riêng 164 Ngô Gia Tự, phường 9, quận 10, TPHCM. Hưởng dương 102 tuổi.
Linh cữu quàn tại nhà riêng (Địa chỉ: 164 Ngô Gia Tự, Q.10, TPHCM).
Lễ nhập quan lúc 14h00 ngày 5/6/2009, Lễ viếng bắt đầu từ 8h ngày 6/6/2009.
Lễ truy điệu lúc 7h00 ngày 9/6, an táng tại xã Phú Mỹ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Các tác phẩm đã đạt giải của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh:
Giải thưởng ngoại hạng do Hội mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam tặng đối với tác phẩm Buổi sáng trên đê sông Hồng.
Giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris (Pháp) đối với tác phẩm Đẩy thuyền ra khơi.
Tại cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha ông đã được tặng bằng khen đối với tác phẩm Chợ bán nồi đất và Huy chương vàng trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân tại Huế.
Năm 1960, ông được Huy chương đồng triển lãm ảnh quốc tế tại Liên Xô với tác phẩm Nước ròng bãi Trà Cổ.
Bằng khen cho tác phẩm Đôi nét thủy mặc Sa Pa trong triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA.
Thành công nhất của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh là bộ ảnh ghi lại nạn đói năm 1945, với bức ảnh hai em bé ngồi bên cây số hai Thái Bình chờ chết… |