1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kết luận điều tra vụ tàu nước ngoài đâm tàu cá Việt Nam:

Thuyền phó nước ngoài chủ quan, 8 ngư dân Việt Nam thiệt mạng

Giải mã hộp đen phát hiện thêm: Thuyền phó 2 mở nhạc rất lớn trong khi đang điều khiển tàu

Hôm qua, 4/12, Cục Hàng hải Việt Nam đã chuyển các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan bản kết luận điều tra vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu chở container Sima Sapphire (quốc tịch Singapore) và tàu cá TG 92819TS (do ông Nguyễn Văn Hơn, ngụ tại Tiền Giang, làm chủ) xảy ra trên vùng biển Vũng Tàu hôm 16/9/2013, khiến 8 ngư dân tàu cá thiệt mạng.

 

Tàu Sima Sapphire.

Tàu Sima Sapphire.

 

Theo kết luận điều tra, tối 15/9/2013, sau khi làm hàng xong tại cảng Cát Lái (TPHCM), tàu Sima Sapphire (do ông Mykola Koba, quốc tịch Ucraina, làm thuyền trưởng) lên đường đi cảng Klang (Malaysia). Khi tàu qua khỏi phao số 0 (TP Vũng Tàu), thuyền trưởng Mykola Koba quyết định chuyển sang chế độ lái tự động và cho phép thủy thủ rời buồng lái. Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 16/9, thuyền trưởng giao việc điều khiển tàu Sima Sapphire cho thuyền phó 2 (ông Sergiy, 33 tuổi).

 

Đến 2 giờ 16 phút, tàu Sima Sapphire đâm trực diện vào cabin tàu cá TG 92819TS (đang trên đường chạy vào bờ) tại vị trí cách Vũng Tàu 53 hải lý về phía Đông Nam. Cú đâm va mạnh đã khiến tàu cá chìm ngay lập tức, toàn bộ 16 ngư dân của tàu cá trôi dạt trên biển. Sau khi gây ra tai nạn, tàu Sima Sapphire phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam cứu sống được 8 ngư dân, 8 ngư dân còn lại (trong đó có thuyền trưởng Đỗ Ánh, ngụ tại tỉnh Tiền Giang) thiệt mạng.

 

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, cả 2 radar trên tàu Sima Sapphire đều hoạt động tốt. Lúc 1 giờ 56 phút (trước thời điểm xảy ra tai nạn khoảng 20 phút), radar trên tàu Sima Sapphire đã phát hiện ra tàu cá TG 92819TS đang lưu thông chiều ngược lại, với khoảng cách 7,6 hải lý. Tuy nhiên, thuyền phó 2 tàu Sima Sapphire chỉ phát hiện (bằng mắt thường) ra tàu cá khi hai tàu cách nhau vài trăm mét. Lúc này, thuyền phó 2 tàu Sima Sapphire mới vội vàng cho tàu chuyển hướng sang phải, nhưng đã quá muộn.

 

Theo cơ quan điều tra, thuyền phó 2 tàu Sima Sapphire là người chịu trách nhiệm về an toàn hàng hải của tàu (kể từ thời điểm nhận ca từ thuyền trưởng) nhưng lại không sử dụng radar để phát hiện tàu cá để có hành động tránh va phù hợp; hơn nữa lại mở nhạc rất lớn trong lúc đang điều khiển tàu (qua giải mã “hộp đen”, cơ quan điều tra đã phát hiện ra việc này). Điều đó cho thấy, thuyền phó 2 tàu Sima Sapphire đã chủ quan, không tập trung vào công tác cảnh giới để phát hiện ra tàu cá TG 92819TS và các chướng ngại vật khác trên hành trình. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra tàu cá đang ở vị trí rất gần tàu mình nhưng thuyền phó 2 tàu Sima Sapphire đã không sử dụng tín hiệu còi hoặc đèn để cảnh báo tàu cá tránh xa hoặc chuyển hướng.

 

Về phía tàu cá TG 92819TS, cơ quan điều tra cho rằng, trong khi hành trình, tuy có bật đèn và cắt cử một ngư dân trực cảnh giới theo quy định nhưng công tác cảnh giới không tốt nên không phát hiện ra tàu Sima Sapphire.

 

Theo ông Đỗ Đức Tiến, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam, vụ tai nạn này là bài học lớn cho các tàu hàng và tàu cá khi hành trình trên biển, nhất là vào thời điểm ban đêm. Để bảo đảm an toàn hàng hải, thuyền viên và bà con ngư dân phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về cảnh giới và trưng đèn hoặc các dấu hiệu nhận biết (vào ban đêm) theo quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển (Colregs 72) và các quy định khác liên quan; đồng thời tuyệt đối không được nghe nhạc khi đang làm nhiệm vụ điều khiển tàu.

 

 Theo Bùi Cảnh
 Báo Bà Rịa - Vũng Tau

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm